Thuở nhỏ, lần đầu ra biển, miệt mài đôi chân trần đuổi theo những cụm cỏ lông chông trên cát, cũng là lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự mềm mại, vững chãi và lịm mát của cát. Rồi những trò chơi đắm mình với cát, những bài tập toán học từ bảng cửu chương vạch ra trên cát bằng những con ốc biển lại giúp tôi hiểu thêm về sức nặng cùng với sự bền bỉ của cát. Đứng trước biển, thường người ta dễ choáng ngợp trước vẻ hùng vĩ, mênh mông của biển, chứ ít ai nghĩ về cát, về sự tĩnh lặng và lầm lụi ngay dưới chân mình. Có lẽ người đầu tiên nhận thấy điều này mà tôi được biết chính là nhà thơ Xuân Diệu, khi ông so sánh tình yêu nồng nàn của lứa đôi với sự gắn bó bền bỉ, thủy chung của sóng và cát... Nhưng phải mãi sau này tôi mới nghĩ ra điều đó.
|
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lần đầu tiên ngồi trên tàu Thống Nhất chạy suốt dọc chiều dài đất nước, qua Quảng Bình với những cồn cát trắng lóa đổ hút hắt về phía biển, Quảng Trị với những nghĩa trang dài hàng chục, hàng chục cây số ven đường giữa những vạt cát trắng mênh mông đã gợi lên cho tôi một điều gì đó về linh hồn cát. Phải rồi, rừng có hồn của rừng, biển có hồn của biển, lẽ nào cát lại không có hồn của cát. Người sinh ra trên cát, núm nhau vùi vào cát, người lớn lên trên cát, mồ hôi nhỏ xuống cát, dấu chân in vào cát, thậm chí cả những kẽ nứt trên bàn chân cũng chứa đầy cát. Người yêu nhau bày tỏ tình yêu rụt rè vụng dại bằng cách viết thật to tên người mình yêu lên cát như một lời nói thầm với đối tượng và cả với mình... Trong chiến tranh, cát che chở cho người bằng những căn hầm đào vào lòng cát, cát nuôi sống con người qua những trận càn bằng những cây xương rồng mọc lên từ cát; và khi người ta nằm xuống, nắm xương cũng gửi vào cát. Cát quây quần nhau thành doi, thành bãi, thành cồn, thành trảng. Từ trên cát sum vầy thành xóm, thành làng. Chẳng thế mà bao anh hùng liệt sĩ đã từng đem máu xương để giữ gìn từng tấc cát quê hương; Bao thiếu nữ đã hy sinh cả tuổi xuân cùng với những cơ hội được làm vợ, làm mẹ của mình để gắn bó trọn đời với một miền quê toàn cát...
Đến tuổi biết uống rượu, bữa rượu đầu tiên uống với bạn bè trên cát là ở bãi biển Sầm Sơn, nhắm với những con tôm chài vừa vớt lên từ biển. Về sau, tôi còn có những dịp được uống rượu với ram đẻn (một thứ chả làm từ thịt rắn biển) ở Nhật Lệ, với dông (một loài bò sát sống trong cát) ở Quảng Ngãi, với hàu tươi và những con vú nàng vừa bóc lên từ đá ở Tuy Hòa... Vừa uống rượu, vừa vùi chân vào cát. Uống rượu giữa cát có một cảm giác thật lạ, vừa ngang tàng, vừa đằm thắm. Hương rượu thơm nồng hoà với vị tanh tanh, ngai ngái của biển khiến cho người ta không thể say mà cũng không thể tỉnh. Cảm giác lâng lâng xoá nhoà đi ranh giới giữa chủ và khách để chỉ còn lại một thứ tình cảm khoáng đạt, chân tình của những người đang hồn nhiên tin cậy ngả nghiêng trên cát...
Trên con đường thiên lý xuôi Nam, tôi đã đi qua những miền đất không thể không dừng lại, bỏ giày để tận hưởng cái cảm giác mịn màng, êm ái đến như ve vuốt của cát ở Sa Huỳnh, Đại Lãnh, Nha Trang; Tôi đã nấn ná đến quên cả thời gian tại những động cát thoạt trông cứ tưởng đã đông cứng lại từ bao giờ, nhưng chiếc xe thì không một kiểu chân chống nào đỡ nổi, chỉ có một cách là lăn đùng ra cát ở Quy Nhơn. Tôi đã ghé thăm những ngôi nhà mà qua khỏi ngưỡng cửa là đặt chân vào cát tại những làng chài ven biển xứ Quảng, đã sửng sốt trước những thảm nhựa đường rộng đến vài trăm mét vuông, được trải ra để giữ cát ở Chu Lai, đã dạo chơi đến lạc đường trong những rừng phi lao cổ thụ rộng ngút ngàn, mơ hồ và cổ kính như huyền thoại ở Tuy Hòa, để rồi mãi thầm cảm phục cái duyên mà tạo hoá đã dành cho loài cây này. Nếu như trên cát, cây xương rồng là một biểu tượng của sự dung dị và lòng chung thủy, thì phi lao lại mang dáng dấp của sự phong trần và niềm kiêu hãnh. Mới hay những gì thật khắt khe thì cũng thật chung tình...
Định nghĩa về cát: Là đá vụn thành hạt nhỏ dưới 2mm (Từ điển tiếng Việt). Từ nguyên liệu cát, người ta chế tạo ra thứ pha lê trong suốt, từ nguyên liệu cát, người ta dựng lên những công trình... Vâng, nhưng bên trong những định nghĩa khô khan ấy là cả một sự từng trải với thiên nhiên và thời gian, và đằng sau nó là cả một đời sống. Không chỉ những loài cây, những cánh hoa mọc lên từ cát, không chỉ những con dông náu mình trong cát, cũng không phải chỉ những con người sống trong cát, chết vùi trong cát một cách sinh học đơn thuần, mà trong cát còn có một đời sống tâm linh dẻo dai và bền bỉ như chính sự sinh thành của cát. Có dừng chân tại những Cút (nghĩa trang) của người Chăm ở Ninh Thuận trong ngày lễ Hayơm (lễ cầu hồn) mới thấy hết vẻ thành kính và ý thức hướng về cội nguồn của cả một cộng đồng vốn giàu truyền thống văn hoá. Có chứng kiến buổi lễ Cầu ngư của cư dân vùng ven biển miền Trung tại đền Ông, hay vô tình lạc vào khu nghĩa địa cá Ông ở Tam Hải (Núi Thành, Quảng Nam) mới hiểu rằng cát đã lưu giữ trong mình những điều thiêng liêng đến mức nào...
Dạo chơi trên cồn cát. Ảnh: google.com
|
"...Có một buổi chiều tôi đi lang thang với em qua những triền cát trắng Quảng Bình. Những triền cát trắng như nước mắt. Rồi em chợt nói: Anh ơi, những đồi cát quê mình trông giống cái gì? Tôi nói những đồi cát ấy trông giống như bầu vú của người đàn bà. Em nắm lấy tay tôi và thì thầm: Những bầu vú cát quê mình đã nuôi dưỡng bao thế hệ, nuôi em, nuôi anh... Tổ quốc là mẹ. Những ngọn vú cát ấy cũng là mẹ..." (Nguyễn Quang Vinh). Người miền cát đã nói với nhau như vậy đó.
Phóng sự của Lương Ngọc An