Còn ở Việt Nam hiện nay, chúng ta đã có thể tiến hành ghép đa tạng, ghép gan, tim, phổi với kỹ thuật cao không thua kém gì các nước phát triển. Tuy nhiên, nguồn hiến tạng khan hiếm khiến cho dù kỹ thuật có tiến bộ đến đâu thì vẫn rất cần những tấm lòng “cho đi là còn mãi”.
Trên website của Bệnh viện St. Michael ở Canada vào năm nay còn đăng tải những câu chuyện hiến tạng đầy cảm động nhân kỷ niệm 50 năm chương trình ghép thận của bệnh viện. Những trang báo đã nhòe nhưng câu chuyện thì mãi tỏa sáng. Hai người lạ kết nối với nhau sau khi nhận thận từ năm 1979. Một người phụ nữ hiến thận cho chị gái và dự lễ kỷ niệm 300 năm ghép tạng ở Bệnh viện St. Michael vào năm 1984. Một người em trai đã bay từ Việt Nam sang tận Canada để hiến thận cứu anh vào những năm 1990. Đó chỉ là một vài trong số những câu chuyện in sâu trong ký ức của các bác sĩ ở bệnh viện trong hành trình nửa thế kỷ qua.
Tin tức về ca ghép thận giúp hai anh em người Việt cách nhau nửa vòng trái đất đoàn tụ đăng tải trên tờ Toronto Star.
Ca hiến thận cách xa nửa vòng trái đất đoàn tụ anh em người Việt
Trên trang báo cũ in từ năm 1995 kể lại câu chuyện về người anh trai may mắn Kenny La, 28 tuổi được người em trai Lực, 23 tuổi từ Việt Nam sang trao tặng “món quà của sự sống”. Đây là một ca điển hình trong chương trình 50 năm ghép thận tại bệnh viện St. Michael.
Kenny La rời Việt Nam sang sinh sống tại Toronto, Canada với bác năm 13 tuổi, khi đó Lực mới chỉ có 8 tuổi. Hai anh em không gặp nhau suốt 15 năm sau đó. Không may Kenny La mắc căn bệnh thận hiểm nghèo kéo dài suốt 5 năm, bác sĩ cho biết chỉ có ghép thận mới cứu sống được anh. Lời cầu cứu được gửi về Việt Nam. Kết quả thử máu trên em gái và em trai của Kenny cho thấy chỉ có Lực có thận phù hợp để ghép.
“Lực có vóc người bé nhỏ”, Kenny kể lại về giây phút hồi hộp gặp lại em trai ở sân bay quốc tế Pearson sau 15 dài đằng đẵng xa cách. “Lúc đầu tôi có hơi hồi hộp, nhưng rồi em tôi bước xuống máy bay gặp tôi và chúng tôi rất mừng rỡ”. Lực đi cùng chị gái Mận, 25 tuổi. Cuộc đoàn tụ của họ càng ngọt ngào hơn bởi Kenny đã không thể ngờ còn có ngày gặp lại các thành viên trong gia đình sau bao năm rời khỏi Việt Nam.
Hành trình kỳ diệu nối dài sự sống ở Việt Nam
Câu chuyện về người em trai đi nửa vòng trái đất hiến thận cứu anh cách đây 30 năm đã truyền cảm hứng ở Canada. Bệnh viện St. Michael còn tri ân những người đã hiến một phần thân thể để hồi sinh cuộc đời của người khác. Bệnh viện cũng đang khởi động phong trào #MyTXanniversary để khuyến khích thêm nhiều người đăng ký hiến tạng.
Còn ở Việt Nam, ngành ghép tạng đã tiến những bước dài để nối dài sự sống. Chỉ trong năm 2019, xuất hiện nhiều ca ghép đa tạng thần kỳ, thậm chí ghép tạng xuyên Việt. Vào đầu năm, BVTW Huế vừa thực hiện thành công ca ghép tim xuyên Việt từ người cho chết não ở Hà Nội. Quả tim đã được vận chuyển trên máy bay từ Nội Bài tới sân bay Đà Nẵng. Sau hơn 5 ngày được ghép, bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối, giãn tim 13 năm đã hồi phục.
Trong tháng 8 năm nay, lần đầu tiên Bệnh viện Việt Đức thực hiện ca ghép đa tạng: ghép phổi, ghép tim, ghép gan và thận cho 5 bệnh nhân. Đây được ví như “tuần ghép tạng” với 15 ca ghép trong 1 tuần.
Năm vừa qua, có thể coi là năm thần kỳ của ngành ghép tạng. Trong tháng 3, từ lá gan của người cho chết não, BV Việt Đức thực hiện ca ghép “chia gan” hồi sinh sự sống cho 2 người, trong đó có một cháu bé 8 tuổi suy gan. Trong tháng 4, tại Bệnh viện Nhi TW ghép gan cho bệnh nhi nhỏ nhất mới 1 tuổi từ phần gan của người cha hiến tặng. BVĐK Phú Thọ thực hiện thành công ca ghép thận không cùng huyết thống, không cùng nhóm máu.
Những ca ghép tạng này là minh chứng cho thấy bước phát triển thần kỳ của ngành ghép tạng ở Việt Nam, đồng thời những bộ phận cơ thể trao đi của người hiến đã giúp thêm nhiều cuộc đời ở lại.