Hà Nội

Đi ngoài ra máu tươi, uống thuốc gan mãi không khỏi, hóa ra bị polyp đại tràng

08-05-2019 14:18 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Thấy con gái 6 tuổi có biểu hiện đi ngoài ra máu tươi, chị H. liền nghe theo mách bảo mua thuốc bổ, mát gan về cho con uống với hi vọng hết bệnh. Thế nhưng, tình trạng của bé ngày càng nặng, các bác sĩ chẩn đoán trực tràng của bé có polyp.

Trong đợt khám, tư vấn miễn phí các bệnh lý vùng hậu môn, trực tràng của BV Bưu điện (diễn ra đến hết 15/5/2019), ngoài các bệnh nhân trẻ và bệnh nhân lớn tuổi, còn có cả các em nhỏ đến khám vì mắc bệnh lý này.

Theo các bác sĩ, nếu như trước đây mọi người hay quan niệm bệnh hậu môn, trực tràng là bệnh của người già nhưng thực tế cho thấy quan niệm này là sai lầm vì tất cả mọi lứa tuổi đều có thể mắc. Chính vì vậy, nếu có dấu hiệu bất thường, người dân cần đi khám ngay để tìm ra nguyên nhân và điều trị kịp thời, tránh để lại hậu quả.

Có mặt từ sáng sớm tại bệnh viện, chị Phạm Thị H. (ở tỉnh Thái Bình) chia sẻ: Dù ở xa nhưng hôm nay chị vẫn thu xếp đưa con gái Nguyễn Thị Minh A. mới 6 tuổi đến bệnh viện khám. Cách đây 1 tháng, con gái chị có biểu hiện đi ngoài ra máu tươi. Nghĩ đơn giản do con mình nóng trong, ít uống nước và ăn rau nên chị làm theo lời mọi người xung quanh tư vấn đó đã mua thuốc mát gan về cho con uống.

Các bác sĩ nội soi cho trẻ.

Tuy nhiên, việc đi ngoài ra máu của cháu A. không hề giảm mà ngày càng nặng lên, mỗi lần đi ngoài đều ra nhiều máu tươi. Chị quyết định đưa con đến Bệnh viện Bưu điện để khám, vô tình đúng dịp BV tổ chức khám, tư vấn miễn phí các bệnh lý vùng hậu môn trực tràng nên bé A. đã được các bác sĩ Khoa Ngoại Tổng hợp và Nội soi – Thăm dò chức năng khám và soi trực tràng miễn phí.

Kết quả khám và soi trực tràng cho thấy, nguyên nhân của việc cháu bé bị chảy máu khi đi ngoài là do trực tràng của bé có polyp. Mặc dù polyp lành tính nhưng nếu không đi khám và có biện pháp xử lý kịp thời sẽ gây chảy máu kéo dài, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và sự phát triển của người bệnh nhất là một em bé.

Ngay sau khi được các bác sĩ giải thích, tư vấn cặn kẽ, chị Phạm Thị H. đồng ý nhờ các bác sĩ thực hiện thủ thuật cắt polyp qua nội soi cho bé Minh A. Đây là thủ thuật đơn giản, nhẹ nhàng, khá an toàn, không gây đau đớn và không mất nhiều thời gian của người bệnh. Ngay sau khi thực hiện thủ thuật, người bệnh có thể về nhà, không cần điều trị nội trú tại bệnh viện.

Hình ảnh nội soi polyp ở trực tràng của bé A.

Theo Bác sĩ Phạm Trường Giang - Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, vùng hậu môn có chức năng chính là nơi thoát của phân ra ngoài, tất cả các tác nhân từ thay đổi của hệ tiêu hóa, rối loạn tiêu hóa hay các bệnh lý đường tiêu hóa cũng như là các nguyên nhân gây tăng áp ổ bụng như đái khó, ho nhiều… đều tác động và ảnh hưởng đến cơ quan này.

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các bệnh lý vùng hậu môn, trực tràng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, làm giảm chất lượng cuộc sống mà còn có thể gây những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Các bác sĩ khuyến cáo người dân nếu có bất kỳ dấu hiệu gì liên quan đến các bệnh lý đều nên đến bệnh viện khám sớm để được bác sĩ tư vấn biện pháp điều trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe của chính mình. Tuyệt đối không nên tự chẩn đoán rồi mua thuốc uống hoặc tự chữa theo kinh nghiệm dân gian. Bệnh không những khỏi mà còn có thể xảy ra những diễn biến xấu, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.


Lê Nguyên
Ý kiến của bạn