Bản thân sự lịch lãm đã chứa cái vẻ “sang” ở trong đó rồi. Và tự nó toát ra một cách mãnh liệt, rất tự nhiên chứ cũng chẳng cần chủ nhân phải kỳ công tác động.
Cũng có thể bây giờ máy bay là phương tiện phổ biến, dùng cho số đông chứ không phải một bộ phận “tinh hoa” như trước đây nên người phục vụ và người được phục vụ cũng đại trà và có phần xô bồ hơn?
Cũng mừng, nhưng dù thế nào thì những bản thông báo, dẫu có được phi hành đoàn nói, đọc hàng ngàn lần, đến nhàm chán, đến thuộc lòng, thì vẫn là lần đầu tiên với hành khách. Không thể có chuyện đọc qua quýt, nói cho xong một cách chiếu lệ. Hành khách có cảm giác như bị xúc phạm khi nghe những bản tin nói cốt để cho đúng quy trình như thế.
Tôi cũng rất thông cảm với đội ngũ tiếp viên khi họ ngày càng gặp phải nhiều người ít hiểu biết về an toàn bay, thái độ thiếu hợp tác đã đành, lại còn ra vẻ ta đây.
Có lần một em chân dài ngồi ghế trước, khi máy bay ổn định độ cao, nàng bèn bấm ghế ngả hết cỡ rồi nằm ườn ra, kiểu như nằm ở tiệm gội đầu vậy. Chỗ của nàng sát lối đi nên tôi (ngồi ngay sau) và hai người ngồi trong muốn đứng dậy được để đi vệ sinh đều phải vỗ nhẹ kêu nàng “làm ơn...”.
Đúng là bực thật! Có bận đang lim dim ngủ thì thấy hai ngón chân cái ngoe nguẩy chạm vào cùi chỏ. Hóa ra bố trẻ đằng sau gác luôn cả hai chân lên tay ghế phía trước.
Lại có ông đã ngồi yên vị, thắt dây an toàn hẳn hoi rồi mà hai chân cứ rung lên bần bật như người mắc chứng Parkinson. Ông rung đùi ở nhà ông thì không ai cấm, nhưng khổ nỗi cái để chân của người ngồi ghế sau gắn vào ghế trước nên tôi cũng buộc phải rung lên theo nhịp hưng phấn rồ dại của thằng cha này.
Một chuyến bay khác, trong khi tiếp viên đang chăm chú hỏi khách uống gì để phục vụ thì có tiếng huýt sáo véo von cất lên. Tưởng là một dạng phởn chí vô tình, người thổi thấy lố sẽ dừng lại, ai dè tác giả của nó cứ hồn nhiên như đang đi trong rừng một mình, mà có thành bài, thành giai điệu gì hay ho đâu.
Bảo trên máy bay có bom còn xử lý được chứ mấy cha huýt sáo và rung đùi này chắc phi hành đoàn chào thua. Mà chẳng nhẽ quay xuống nhắc “đừng rung đùi nữa”. Họ rung đùi họ chứ có rung đùi mình đâu?
Người ta bảo “cái nghèo không giấu được” nhưng cứ để nó thể hiện một cách tự nhiên lại thấy đáng yêu và làm cho người xung quanh động lòng trắc ẩn. Thế nhưng cứ cố làm sang, cố “tạo dáng”, “thể hiện”, tỏ ra ta đây sành điệu, trải đời, biết chơi…, nói thật, không ngửi được.
Chỉ cần nhìn bộ mặt nhớn nhác, căng thẳng, cử chỉ lóng ngóng của ông huýt sáo và ông rung đùi là biết thừa ông bước lên máy bay được bao lần. Chẳng qua là ông cứ tự vẽ râu vẽ ria cho mình để trở thành ngáo ộp mà thôi. Kể cũng tội!
Để có hành vi sang trọng của người sang trước hết phải lịch sự cái đã. Bản thân sự lịch lãm đã chứa cái vẻ “sang” ở trong đó rồi. Và tự nó toát ra một cách mãnh liệt, rất tự nhiên chứ cũng chẳng cần chủ nhân phải kỳ công tác động.
Thực ra không chỉ là những hành vi nhỏ nhặt thuộc về ý thức ấy đâu. Nhiều người ra đường, hoặc trong đối thoại, cứ khuỳnh khoàng, tỏ ra hiểu biết, là anh cả thiên hạ. Rồi lâu dần thành bệnh mạn tính kinh niên, quên béng luôn sự học tập và tiếp thu cái hay, cái hơn của người khác.
Hiện thực cuộc sống đang đi bằng máy bay còn ý thức của nhiều người vẫn kỳ cạch đạp xe lẽo đẽo theo sau. Vì thế đừng hỏi tại sao nhiều nơi, nhiều người còn nhếch nhác, nhom nhem thế./.