Hà Nội

Di Li đi và viết...

05-08-2019 09:29 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Một ngày đẹp trời, tôi nhận được thông tin mình sẽ tham gia một đoàn nhà văn Việt Nam đi nước ngoài.

Đi nước ngoài đối với nhà văn Việt Nam thời ấy là một vinh dự tự hào, một cơ may, nói chung là cái gì đấy rất oai, bởi nó là một sự mở ra thế giới, một sự tự mở mắt mình...

Chúng tôi đi dự Liên hoan Thơ thế giới do Ấn Độ tổ chức tại Kolkata. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn điện từ Hà Nội: Hùng ơi, ông sẽ làm trưởng đoàn nhé. Tôi hốt hoảng: Anh ơi, em tiếng tăm chả biết, tài năng thì loàng nhoàng... làm trưởng đoàn thế nào được. Tiếng anh Thỉnh cười trong điện thoại: Yên tâm, có em Di Li làm phiên dịch rồi.

Nhà văn Di Li và tác giả tại Liên hoan thơ quốc tế Kolkata Ấn Độ.

Nhà văn Di Li và tác giả tại Liên hoan thơ quốc tế Kolkata Ấn Độ.

Ôi giời. Trong đời được gặp một nhà văn nữ tài năng đã là hạnh phúc rồi. Sách ra cuốn nào hết veo véo cuốn ấy chả tài năng là gì? Đến ra mắt sách mà cũng phải đến sớm không thì hết chỗ thì chả kinh à? Lại tiếng Anh làu làu cả nói, dịch sách và dịch trực tiếp, so với cánh nhà văn Nô Thế Bồ với lại Nô Sít ta ghoe chả khiếp à? Hạnh phúc nữa là nhà văn ấy lại xinh đẹp, đẹp đến mức mà, anh sẽ không có một mảy may nào có tư tưởng chiếm hữu khi tiếp xúc, thậm chí, nghĩ rằng không ai có thể và cô ấy cũng sẽ không bao giờ, bị ai chiếm hữu, bởi như thế là nó hết sức lãng phí, là xúc phạm cái đẹp, là bất công, là tội ác. Lại còn thông minh, nghe nói bất cứ anh nào định ỡm ờ tán tỉnh đều... được ngắt lời: Em biết anh nói gì rồi?... Thế mà đây lại còn đi với nhau cả một chuyến “công tác nước ngoài” hỏi còn gì sung sướng hơn?

Thì tôi nghĩ về Di Li như thế, và hăm hở đi...

Thì tôi lại thấy một Di Li băm bổ, quán xuyến và... chi li. Bởi chúng tôi, ngoài chuyến đi chính thức bèn quyết định hùn tiền tổ chức đi bụi, xuyên qua cả Nepal, đi dọc Ấn Độ các thứ các loại bằng ôtô. Ai lo việc ấy? Di Li. Ăn uống như thế nào, thậm chí vào nhà hàng gọi món? Di Li. Ngủ ở đâu, giá cả, tiền boa tiền tip, Di Li. Thanh toán, chuyển đổi từ tiền Việt sang đô rồi từ đô sang Rupi rồi lại từ Rupi sang tiền Việt để biết món ấy mình tiêu hết mấy tháng lương, chả có ai nhanh và chính xác bằng Di Li.

Tức là Di Li rất tháo vát. Chị liên hệ trước sang Ấn Độ lo hết mọi chuyện, từ nhờ ni cô bên ấy thuê xe, tìm hiểu địa điểm, lộ trình, tính toán tiền nong... chúng tôi chỉ mỗi việc đóng tiền, rồi đi.

Đêm đầu tiên ở Ấn Độ, ngồi nhìn Di Li xòe... chân đếm tiền, cả đô la và rupi, thú thật là tôi... kinh hãi. Ơ cái con người xinh đẹp nhường kia, yểu điệu yêu kiều nhường kia, tài năng nhường kia, sang trọng nhường kia... giờ cũng ngồi xoe xóe đếm tiền, thi thoảng còn... cho ngón tay lên miệng để trơn tay dễ đếm. Kinh hãi là thán phục chứ không phải kinh hãi nghĩa đen.

Chưa hết, chị còn phiên dịch cho tôi và anh em trong đoàn. Một lần tôi ngồi nói chuyện, tức làm việc, với một đối tác Ấn Độ, ông này có chân trong ban tổ chức liên hoan thơ và ông ta hẹn tôi làm việc để gút giờ giấc kế hoạch gì đấy. Tất nhiên là Di Li ngồi cạnh phiên dịch. Một lúc, đang mặn chuyện, tôi quay sang hỏi Di Li, ông này vừa nói gì đấy em? Nàng ngơ ngác một lúc rồi cười rất tươi: ơ em không biết.

Chưa hết, nàng còn là người trực tiếp chăm sóc nhà thơ đàn... u, Phan Thị Thanh Nhàn, 2 u con nhà này đi đâu cũng cặp nhau. Mà “u Nhàn” thì hay quên, nên mọi sự Di Li phải lo hết, thế mà cũng còn nhiều vụ tóe khói vì lo cho u, ví dụ đã từng lục tung sân bay tìm cái vé máy bay của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn, mà giờ bay đã cận kề, tôi đã đưa ra phương án là... gửi chị lại đại sứ quán, tính sau. Di Li bảo thế thì em cũng ở lại. Chợt nhớ, tôi hỏi, kiểm tra ở cái va ly hành lý ký gửi chưa? Mở ra, cái vé máy bay được quấn con dao cất trong ấy, chuẩn bị gửi...

Và sau này thân rồi, vào facebook của Di Li thấy chị hết sức diện, đài các trong các cuộc đi nước ngoài thường xuyên liên tục của mình. Nhưng lạ, lần đi Ấn Độ ấy, chả hiểu sao Di Li rất loàng xoàng trang phục, thậm chí tất thì rách mà giày thì long đế... Cũng sau mới biết, dân phượt chuyên nghiệp là thế. Khi đi chị mang theo rất nhiều quần áo, chỉ vài bộ xịn để chụp ảnh thôi, còn toàn loại mặc vài lần thải luôn. Có lần chị hóm hỉnh nói, quần áo giày dép của em gửi khắp từ Âu sang Mỹ qua Phi tới Á. Hôm rồi đi Tây Tạng 1 tháng em mang cả thảy 4 vali đi rồi lúc về vứt ba chỉ còn một. Như thế để khỏi phải nô lệ của đồ đạc, đỡ thất lạc, mất mát, đỡ lo ngay ngáy và di chuyển nhiều không phải mang vác.

Thì cứ tưởng đầu tắt mặt tối thế, hở ra là ngủ thế, cả trên xe xuyên Ấn Độ lẫn ngồi chờ ở sân bay bởi mệt nhọc với biết bao việc không tên của một người biết tuốt làm tuốt trong một cái đoàn nhà văn 7 người hết sức ngơ ngác và rất thích... cãi nhau... thì về nhà, thoát ra được cái cảm giác Ấn Độ là mừng húm rồi. Té ra không phải thế. Chị viết. Viết rất tinh tế, rất bài bản, rất sâu sắc. Và hài hước nữa. Kể chuyện cứ như chơi. Cái món du lịch ẩm thực ấy, nếu không hiểu biết sâu và rộng để mà liên tưởng, mà so sánh món này món kia, xứ này xứ kia, người này người kia... như kiểu vừa nêm gia vị hợp khẩu vị lại vừa trình bày món ăn cho bắt thị giác ấy, thì chỉ là tả lại món ăn một cách rất thô, đọc chán chết. Nhưng với Di Li chị biến nó thành những bữa tiệc, tràn đầy ánh sáng và biểu cảm văn hóa. Nó trở thành một thiên đường lộng lẫy, mới lạ, thơm ngon và sang trọng, gần gũi.

“Nhà cửa truyền thống của người Nhật cũng tối giản tới mức hầu như trống rỗng, cơ bản chỉ cần chiếc chiếu Tatami đã đủ thành phòng. Ngay cả nghệ thuật kiếm đạo của các Samurai còn… tối giản đến độ vừa rút kiếm ra khỏi bao là chém chết luôn đối phương, khỏi cần thủ thế, lừa miếng, múa may nhiều lời. Nên xem biểu diễn võ Teakwondo hay Karate thì ngoạn mục chứ xem kiếm đạo Nhật Bản, người không hiểu chỉ thấy mắc cười. Diễn chi đâu mà rút kiếm khỏi bao chém phát rồi chào khán giả. Mất chưa đầy giây. Nhưng để thực hành được một Ikebana tuyệt sắc từ mấy cành cây nhặt nhạnh ngoài vườn; để làm dậy chất thiền đầy triết lý mà thanh khiết từ thiên nhiên sống động của thơ Haiku; rồi để tu tập kiếm pháp vi diệu như thiền mà nhanh chớp giật khiến địch thủ phải kinh hoàng, chưa kịp chớp mắt đã thấy hồn vía thăng thiên thì công khổ luyện ấy không thể tính bằng ngày, bằng tháng, bằng năm mà phải tới nửa đời người”. Đấy, để nói về món Sushi mà lan sang tận... kiếm thế đấy, rồi lại trở về ngọt sớt Sushi. Tôi có thời gian mấy tháng làm cho một khu du lịch năm sao, ăn năm sao ở năm sao. Vấn đề là trong mấy chục món buffet hàng ngày, luôn có Sushi. Giá kể, đọc cuốn này của Di Li trước có khi tôi ăn đã... ngon hơn...

“Này nhé, người Việt tư duy giản đơn và lối sống giản đơn nên vừa nhìn món ăn là biết ngay nó được chế biến từ loại thực phẩm gì. Rau muống luộc là từ... rau muống. Đậu phụ rán là từ đậu phụ. Thịt lợn rang là từ thịt lợn. Cá kho là từ cá. Thức nào ra thức nấy. Ngay cả nhân nem rán nếu nhai kỹ cũng suy ra được thành phần. Còn nhìn bát cà ri Ấn và hàng loạt những món ăn sền sệt khác, đố bạn luận ra được chúng pha trộn từ hàng chục loại thực phẩm và gia vị nào. Người Ấn vô cùng khó hiểu, và đồ ăn của họ cũng huyền bí không kém. Ngay cả khi kết thúc bữa ăn, chỉ ở những nhà hàng sang trọng, người phục vụ mới bưng ra một đĩa hạt màu cốm trộn lẫn những tinh thể trong vắt óng ánh. Người ta bảo chúng tôi cho vào miệng nhai. Nhai kỹ thấy có vị ngọt và cả vị... kem đánh răng. Ấy là thứ để làm sạch miệng, thơm miệng, hỗn hợp của đường phèn và hạt bạc hà. Nhai một nhúm thôi là có thể thay thế hoàn toàn cho việc phải đánh răng. Tôi thích Ấn Độ ở cách ấy, ở sự kỳ lạ, bí ẩn với những điều chưa từng được mắt thấy tai nghe bao giờ, dù chỉ là một nhúm hợp chất để làm sạch răng.”...

Đấy là viết về cà ri Ấn Độ, nó có còn là cà ri nữa đâu, vượt lên cà ri, nó là văn hóa, vượt lên cả văn hóa, nó là những bí ẩn chưa giải mã mà con người luôn luôn thèm khát kiếm tìm. À, ít nhất nó còn giải thích thêm điều này, rằng thì là tại sao, khi tôi nhờ chị ngồi bên dịch thì chị rất chăm chú nhưng rồi “Ơ em không biết”. Cái không biết và biết của chị nó hết sức khôn lường. Sau những chuyến đi, có hẳn một cuốn sách ẩm thực (nghe nói còn vài cuốn nữa) thì cái biết, cái hiểu, cái đam mê, cái chằng chéo, cái tài hoa thông minh... nó đành phải hiển hiện, qua chữ, tất nhiên...

Nhớ lại chuyến đi cùng sang Ấn Độ, đọc bản thảo cuốn sách chị sắp in “nửa vòng trái đất uống một li trà”, lại ước ao được đi du lịch cùng chị, một ước ao hết sức thánh thiện và trong veo...


VĂN CÔNG HÙNG
Ý kiến của bạn