"Hoảng" với khối phình mạch não khổng lồ
Đi khám vì mờ mắt, bệnh nhân V.H.H 64 tuổi được bác sĩ chẩn đoán có khối phình động mạch não khổng lồ, kích thước 6cm, trong khi bình thường chỉ 2-10mm.
Theo các chuyên gia đây là một trường hợp dị dạng mạch máu não khá đặc biệt, khối phình động mạch khổng lồ. Trước đó, bà không có biểu hiện gì bất thường ngoài việc mắt mờ dần đi. Mới đầu bà nghĩ có thể do tuổi già nhưng sau đó mắt trái gần như mờ hoàn toàn. Thị lực mắt phải còn hơn 50%.
Lúc này, gia đình đưa bà đi khám. Kết quả chụp chiếu cho thấy hình ảnh có khối rất to, nghi ngờ u não nên bà được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh cho biết, hình ảnh khối to trong não bệnh nhân thực chất là khối phình mạch khổng lồ, kích thước hơn 6cm, trong khi bình thường 2-10mm. Tiên lượng đây là ca mổ phức tạp.
“Nhiều khả năng chúng tôi phải chia thành nhiều giai đoạn để mổ. Giai đoạn thứ nhất là tạo hình mạch máu mới, nuôi não bằng mạch khác, sau đó mới xử lý chỗ phình mạch vì liên quan quá nhiều cấu trúc”- PGS.TS Đồng Văn Hệ thông tin.
PGS.TS Đồng Văn Hệ cùng các đồng nghiệp xem hình ảnh phim chụp phình mạch não của một bệnh nhân
Đa phần tình cờ phát hiện bệnh khi đi chụp phim
Tại Trung tâm phẫu thuật thần kinh, hầu như tuần nào cũng gặp bệnh nhân bị phình mạch, dị dạng mạch. Bệnh nhân tình cờ phát hiện khi đi chụp phim, tuy nhiên kích thước như của bệnh nhân H. thì rất ít khi gặp.
Theo PGS.TS Đồng Văn Hệ, có nhiều thể dị dạng mạch máu não, hay gặp nhất là phình mạch não và u máu não (trẻ sinh ra đã có tình trạng này song vì không đi chụp chiếu vùng não nên không biết, ít).
Đến nay khoa học chưa tìm ra nguyên nhân chính xác của những trường hợp bị dị dạng mạch máu não, tuy nhiên nghĩ nhiều đến viêm nhiễm, chấn thương. Một số trường hợp là bẩm sinh, không phải do di truyền mà xảy ra trong quá trình mang thai của người mẹ, trẻ sinh ra đã có.
Phần lớn các trường hợp bị dị dạng mạch máu não không có biểu hiện lâm sàng đặc biệt. Nếu có thì người bệnh có thể thấy đau đầu. Tuy nhiên, đây không phải dấu hiệu đặc hiệu. Có rất nhiều nguyên nhân có thể dẫn đến đau đầu, tự dưng thay đổi thời tiết, căng thẳng áp lực.
Ngoài ra, một số trường hợp có thể có biểu hiện động kinh, một số dấu hiệu vùng vận động gây tê bì, hoặc triệu chứng khác như dị dạng mạch to gần dây thần kinh quan trọng khiến bệnh nhân bị sụp mi.
Ước tính có 3-5% dân số bị phình mạch não, tức là cứ 100 người thì có 3-5 người bị. Tuy nhiên, hầu hết túi phình động mạch não không vỡ, không có triệu chứng hay dấu hiệu bệnh. Chỉ khoảng 0,25% người mang túi phình động mạch não sẽ vỡ.
“Chung sống” với bệnh như thế nào?
Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết thêm, vì phình động mạch não rất hiếm khi vỡ nên phần lớn bệnh nhân sống chung với khối phình mạch, chỉ điều trị khi người bệnh có nhiều nguy cơ vỡ túi phình.
“Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, chúng tôi ghi nhận lý do chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp cộng hưởng từ sọ não hay gặp nhất là đau đầu và chấn thương sọ não. Hình ảnh chụp phát hiện phình động mạch não chưa vỡ”-PGS.TS Đồng Văn Hệ nói.
Phần lớn người bệnh phình động mạch não chưa vỡ được chẩn đoán bằng chụp cắt lớp vi tính mạch, hoặc chụp cộng hưởng từ mạch. Một số ít trường hợp được chẩn đoán bằng chụp mạch máu não. Vì chụp mạch máu não là phương pháp thăm dò chảy máu nên bác sỹ thường chỉ định khi nghi ngờ chẩn đoán trên cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ hoặc đánh giá trước khi can thiệp.
“Những yếu tố ảnh hưởng tới tỷ lệ vỡ túi phình bao gồm kích thước túi phình, vị trí túi phình, hình thái túi phình, tiền sử bệnh, tiền sử gia đình và tuổi của người bệnh. Túi phình càng lớn, nguy cơ vỡ càng cao. Nếu túi phình lớn hơn 5mm, nguy cơ vỡ cao nên bác sĩ thường khuyến cáo cần can thiệp. Một số tác giả cho rằng, đường kính túi phình lớn hơn 3mm cũng nên can thiệp”- PGS.TS Đồng Văn Hệ thông tin.
Túi phình ở vị trí động mạch thông trước, động mạch thông sau, động mạch não trước, động mạch não giữa, hệ động mạch sau nên can thiệp.
Các chuyên gia của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện một ca phẫu thuật phình mạch não
Nếu người bệnh đã từng bị chảy máu não (chảy máu khoang dưới nhện) nên can thiệp. Nếu gia đình người bệnh có thành viên đã từng bị chảy máu khoang dưới nhện, nên can thiệp. Tuổi của người bệnh cũng là một yếu tố để các bác sĩ đưa ra quyết định điều trị. Nếu người bệnh trẻ, nên can thiệp. Nếu người bệnh cao tuổi (trên 70), xu hướng nên bảo tồn.
Những trường hợp phình động mạch não chưa vỡ được điều trị bằng phẫu thuật (kẹp túi phình) hoặc nút mạch. Đây là hai phương pháp điều trị thường quy ở nhiều cơ sở y tế. Tỷ lệ thành công của hai phương pháp này tương đương nhau. Phương pháp nút mạch chi phí cao hơn do hầu hết dụng cụ, vật tư được nhập khẩu.
TS Hệ khuyến cáo, nếu không điều trị, người bệnh cần thay đổi để có lối sống lành mạnh hơn, không hút thuốc, không uống rượu, không để bị tăng huyết áp, mỡ máu cao, béo phì, không tránh thai bằng thuốc ngừa thai… vì sẽ làm tăng nguy cơ vỡ khối phình mạch.
Bệnh nhân cũng cần theo dõi định kỳ 6 tháng một lần trong những năm đầu tiên, và khám định kỳ 12 tháng một lần trong những năm tiếp theo. Khi khối phình mạch to lên thì cần phải can thiệp. Nếu sau 10-20 năm, khối phình không phát triển to lên thì bệnh nhân có thể yên tâm sống chung.
Tham gia chương trình, ngoài được các chuyên gia tư vấn miễn phí, 5 Người bệnh có chỉ định chụp Cắt lớp vi tính đầu tiên, đặt lịch trước qua Tổng đài 19001902 sẽ được chụp Cắt lớp vi tính miễn phí.
Thời gian 7h30 ngày 31/10 năm, tại phòng khám số 9 và phòng khám số 11, tầng 2 nhà C4, Khu khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức