Hà Nội

Đi khám nhiệt miệng phát hiện bị ung thư lưỡi giai đoạn 4

20-09-2022 18:15 | Y học 360

SKĐS – Bệnh viện Ung bướu Hà Nội vừa tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân 39 tuổi bị ung thư lưỡi giai đoạn 4 khi người này đi khám nhiệt miệng. Ung thư lưỡi giai đoạn đầu thường không có triệu chứng rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua.

Bị ung thư lưỡi lại tưởng mắc nhiệt miệng

Bệnh nhân 39 tuổi đến Bệnh viện Ung bướu Hà Nội khám nhiệt miệng trong tình trạng bị sùi loét ở lưỡi nghiêm trọng kèm cảm giác đau nhức.

Theo lời bệnh nhân, anh thường xuyên uống bia, rượu. Khoảng 2 tháng trước, anh thấy có vết gồ ở lưỡi. Khi đó, anh nghĩ bị nhiệt miệng nên xúc họng nước muối và có đi khám một vài nơi. Mặc dù vết gồ không đỡ, thậm chí còn xuất hiện vết loét rộng hơn nhưng bệnh nhân vẫn chủ quan cho rằng bị nhiệt miệng nên không tìm cách xử lý vết loét. Chỉ tới khi vét loét ở lưỡi lan rộng với kích thước 0,8cm kèm theo cảm giác đau nhức nên anh mới đến bệnh viện Ung bướu Hà Nội thăm khám.

Sau khi khám và làm các xét nghiệm tại bệnh viện Ung bướu Hà Nội, bệnh nhân được chẩn đoán ung thư lưỡi giai đoạn 4, đã có xâm lấn ở cơ lưỡi cùng khu vực xung quanh. Kết quả sinh thiết tức thì cũng xác định bệnh nhân mắc ung thư biểu mô vảy sừng hóa xâm nhập. Hiện tại, bệnh nhân hiện đã nhập viện điều trị với phương pháp hóa xạ đồng thời.

Theo các bác sĩ, ung thư lưỡi thường phát triển từ tế bào biểu mô vảy trên bề mặt lưỡi. Dấu hiệu đáng chú ý nhất của ung thư lưỡi là vết loét không lành trên lưỡi và đau.

photo-1663667653370

Bệnh nhân đi khám nhiệt miệng phát hiện bị ung thư lưỡi giai đoạn 4

Triệu chứng của ung thư lưỡi qua từng giai đoạn

Theo các bác sĩ, giai đoạn đầu của ung thư lưỡi thường không có triệu chứng rõ ràng nên rất dễ bị bỏ qua. Đó là khi người bệnh có cảm giác như có dị vật hoặc xương cá cắm vào lưỡi, rất khó chịu nhưng qua đi nhanh.

Ngoài ra ở lưỡi có một điểm nổi phồng với sự thay đổi về màu sắc, niêm mạc trắng, xơ hóa hoặc tổn thương là vết loét nhỏ. Thậm chí có thể sờ thấy tổn thương chắc, rắn, không mềm mại như bình thường. Khoảng 50% bệnh nhân có hạch ngay từ đầu. Hạch hay gặp là hạch dưới cằm, dưới hàm.

Ở giai đoạn toàn phát, ung thư lưỡi có biểu hiện xuất hiện ổ loét ở lưỡi, trên ổ loét phủ giả mạc dễ chảy máu, vết loét lan rộng nhanh, đau khi ăn uống, đau kéo dài và gây khó khăn khi nuốt, nói. Người bệnh có thể bị sốt và cơ thể suy sụp rất nhanh do không ăn được. Khi ăn những thức ăn cay, nóng sẽ gây đau…lưỡi bị hạn chế vận động, không di động được.
Ở giai đoạn tiến triển, vết loét lan rộng, sâu xuống bề mặt hoặc vào mặt dưới gây bội nhiễm, đau đớn, dễ chảy máu hoặc chảy máu trầm trọng, miệng có mùi hôi…

Ở giai đoạn cuối, bệnh nhân có cảm giác mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa (ăn nhanh no, sau ăn xuất hiện tức bụng, đầy hơi, buồn nôn, đại tiện thay đổi, trong phân có lẫn chất nhầy). Ngoài ra, bệnh nhân có triệu chứng sốt kéo dài vài tháng làm bệnh nhân khó chịu và rất mệt mỏi, đau đớn…

photo-1663667656343

Ung thư lưỡi gây đau khi ăn uống cho người bệnh. Ảnh minh họa

Nguyên nhân và cách giảm nguy cơ mắc ung thư lưỡi

Ung thư lưỡi là bệnh liên quan trực tiếp đến lối sống cùng các tác nhân như rượu, bia, thuốc lá, chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học, thường xuyên ăn đồ nóng. Ngoài ra còn một số các yếu tố nguy cơ khác như:

- Chế độ ăn ít rau xanh, nhiều thịt đỏ

- Tiền sử gia đình có người bị ung thư lưỡi hoặc vùng miệng

- Bệnh nhân đã từng mắc ung thư trước đó, đặc biệt là tế bào biểu mô vảy ở vị trí khác…

Để giảm nguy cơ mắc ung thư lưỡi, bạn nên thay đổi lối sống như: bỏ thuốc lá; bỏ nhai trầu; hạn chế hoặc bỏ hẳn rượu, ăn nhiều rau xanh, trái cây…và cần  thăm khám ngay khi thấy dấu hiệu bất thường để chẩn đoán, phát hiện bệnh và kết hợp nhiều phương pháp điều trị nhằm nâng cao hiệu quả.

Mời bạn xem video hấp dẫn:

Con đường lây lan virus adeno và cách phòng ngừa

Phương Thanh
Ý kiến của bạn