Di dời nhà máy, xưởng sản xuất khỏi nội đô: Vẫn ì ạch, vì sao?

20-09-2019 06:51 | Thời sự

SKĐS - Việc di dời các nhà máy, xưởng sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô, khu dân cư là tất yếu và đã được thực thi hàng chục năm nay.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít các cơ sở vì nhiều lý do vẫn ngang nhiên tồn tại gây nhiều hệ lụy đến dân cư khu vực. Chỉ đến khi vụ cháy Rạng Đông xảy ra để lại những hậu quả môi trường nghiêm trọng, người dân càng mong mỏi việc di dời nhà máy, xưởng sản xuất sẽ nhanh gọn hơn.

Gây ô nhiềm rất nhiều, di dời chẳng bao nhiêu

16 năm sau khi Thủ tướng ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cụm nhà máy sản xuất cao su, thuốc lá, bóng đèn, giày... vẫn không nhúc nhích và không được chú ý nhiều cho tới khi xảy ra vụ cháy kho Nhà máy Rạng Đông (phường Hạ Đình).

Cách đó không xa, khu vực Thượng Đình (Thanh Xuân) là điểm nhức nhối nhất với cụm các nhà máy gây ô nhiễm. Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng, Công ty Thuốc lá Thăng Long... đều đang có nhà máy tại đây và được quận Thanh Xuân cũng như Sở Tài nguyên & Môi trường “liệt” vào danh sách những cơ sở gây ô nhiễm nhất, ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân khu vực xung quanh.

Công ty Thuốc lá Thăng Long (trên diện tích hơn 6,4ha) đã được duyệt chủ trương di dời 9 năm trước. Theo quyết định được duyệt, công ty có thể sử dụng số tiền thu được từ chuyển mục đích sử dụng đất để dời nhà máy ra Khu công nghiệp Quốc Oai và hỗ trợ nghỉ việc cho người lao động. Tuy nhiên đến nay, theo lý giải của doanh nghiệp, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng vẫn chưa hoàn tất nên chương trình di dời nhà máy chưa có ngân sách.

Di dời nhà máy, xưởng sản xuất khỏi nội đô: Vẫn ì ạch, vì sao?Vụ cháy tại Công ty Rạng Đông một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc di dời các nhà máy ra khỏi nội đô.

Gần đó, nhà máy của Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng vẫn đang hoạt động dù kế hoạch chuyển về Hà Nam được phê duyệt từ chục năm trước. Tương tự với Giày Thượng Đình, chủ trương di dời nhà máy được Hà Nội phê duyệt từ cuối năm 2010 nhưng mãi đến cuối tháng 7 vừa qua, việc dừng sản xuất tại đây mới được thông qua sau khi doanh nghiệp phải chủ động xin UBND TP. Hà Nội chấp thuận kế hoạch di dời. Công ty đề nghị chuyển “càng sớm càng tốt” do việc sản xuất rất bất lợi, chi phí quá cao, đặc biệt là chi phí thuê đất.

Cũng nằm giữa khu đông dân cư, nhà máy của Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường (Trần Quý Cáp, quận Đống Đa), nhà máy Dệt kim Đông Xuân (Minh Khai, quận Hai Bà Trưng)... đều là những cơ sở phải di dời nhưng chưa thực hiện. Người dân khu vực xung quanh cũng nhiều lần phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm do xả khói, bụi, tiếng ồn của những nhà máy có tuổi đời hàng chục năm này.

Một loạt nhà máy khác như Xà phòng Hà Nội, Nhà máy Bia Hà Nội, Nhà máy Rượu... gần đây cũng đã hoàn tất việc di dời, tuy nhiên cũng phải loay hoay suốt 7-8 năm.

Đây chỉ là một vài ví dụ trong số rất nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp đang gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn, nước thải vào thời điểm hiện tại ở Thủ đô. Còn rất nhiều cơ sở khác với quy mô nhỏ hơn nhưng gây nhiều hệ lụy rải rác khắp nơi.

Ì ạch di dời vì đâu?

Năm 2016, tại báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, TP. Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong số này, nhiều nhất là quận Đống Đa, Hà Đông, Thanh Xuân... Tuy nhiên, sau 2 năm, tại hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9/2018, số liệu báo cáo Hà Nội đưa ra mới chỉ giảm được 4 cơ sở và vẫn còn tới 113 nhà máy. Theo báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường Hà Nội, trên địa bàn 12 quận, huyện của thành phố đang có 186 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy nổ cần phải di dời.

Lý giải về vấn đề này, UBND TP. Hà Nội cho rằng do tâm lý doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất kinh doanh, thuận tiện đi lại và sinh hoạt. Thêm vào đó, năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải và đầu tư tại nơi di chuyển đến. Nguồn lực Nhà nước còn hạn chế trong đầu tư hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ tại nơi di chuyển đến; cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp di dời còn một số bất cập, chưa phù hợp với thực tế...

Tuy nhiên, về phía doanh nghiệp, cũng có phần nguyên nhân từ thành phố. Như Công ty CP Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường, công ty đã chủ động đầu tư xây dựng xưởng sản xuất tại Cụm công nghiệp Hà Bình Phương (huyện Thường Tín) bằng vốn vay thương mại. Hiện chỉ còn một phần hoạt động sản xuất cơ khí tại địa điểm 460 Trần Quý Cáp. Đối với việc cho thuê khu đất để làm các dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, đơn vị này cho biết, do UBND TP. Hà Nội đã có quyết định về giải phóng mặt bằng, tái định cư nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Công ty hiện đang cho thuê các hợp đồng dưới 12 tháng để tránh lãng phí.

Mong rằng tất cả những vướng mắc trên sẽ sớm được giải quyết triệt để bằng sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền thành phố cùng các ngành, các cấp. Để kế hoạch phát triển Thủ đô xanh - sạch - đẹp sớm thành hiện thực.


Bình An
Ý kiến của bạn