Hà Nội

Di chuyển dân số có tác động quan trọng đối với sức khỏe công cộng

10-12-2019 21:32 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Sự gia tăng nhanh chóng của di chuyển dân số trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam có tác động quan trọng đối với sức khỏe công cộng, đòi hỏi phải có sự đáp ứng đẩy đủ từ ngành y tế.

 

Ngày 10/12, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo “Tăng cường sức khỏe người di cư ở Việt Nam” do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Tổ chức Di cư thế giới (IOM) , Tổ chức Y tế thế giới phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại Hội thảo, TS Cao Hưng Thái- Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) thông tin, hiện nay trên thế giới, ước tính có khoảng 1 tỷ người di cư, trong đó có 258 triệu người di cư quốc tế và 763 triệu người di cư nội địa, chiếm 1/7 dân số thế giới. 68 triệu người di cư trong nước và quốc tế trên thế giới bị buộc phải di dời khỏi nhà của họ.

Tại Việt Nam, theo báo cáo về Di cư ở Việt Nam của Tổ chức Di cư Quốc tế năm 2016, ước tính có khoảng 2,6 triệu người Việt Nam đang sinh sinh sống và làm việc ở nước ngoài. Tỷ lệ di cư nội địa là 13.6%  (Tổng cục Thống kê năm 2015)

Sự gia tăng nhanh chóng của di chuyển dân số trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam có tác động quan trọng đối với sức khỏe công cộng, đòi hỏi phải có sự đáp ứng đẩy đủ từ ngành y tế.

Các đại biểu tham dự hội thảo “Tăng cường sức khỏe người di cư ở Việt Nam” diễn ra ngày 10/12

Theo TS Cao Hưng Thái, Bộ Y tế Việt Nam đã công nhận tầm quan trọng của sức khỏe người di cư và cam kết thực hiện Nghị quyết 70.15 về Tăng cường sức khỏe của người tị nạn và người di cư được Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) thông qua tháng 5/2017. Để đạt được mục tiêu của “Chương trình phát triển bền vững tầm nhìn 2030" dựa trên nguyên tắc “không ai bị bỏ rơi", điều bắt buộc là nhu cầu sức khỏe của người di cư phải được cung cấp đầy đủ.

Tại hội thảo, TS Brett Dickson, Trưởng bộ phận Chương trình, IOM Việt Nam chia sẻ, các tiêu chuẩn và công ước quốc tế về quyền con người đã được đưa ra để bảo vệ quyền của người di cư và người tị nạn, bao gồm cả quyền đối với sức khỏe của người di cư.

Tuy nhiên, nhiều người tị nạn và người di cư thường thiếu tiếp cận các dịch vụ y tế và thiếu bảo vệ tài chính cho sức khỏe. Thiếu bao phủ sức khỏe toàn dân có thể dẫn đến chi phí quá cao cho người tị nạn và người di cư, nhiều người trong số họ phải trả tiến túi cho các dịch vụ y tế.

TS Brett Dickson cũng đánh giá cao việc Việt Nam đã công nhận tầm quan trọng của sức khỏe người di cư và cam kết thực hiện Nghị quyết 70.15 về Tăng cường sức khỏe của người tị nạn và người di cư được Hội đồng Y tế Thế giới (WHA) thông qua tháng 5/2017; coi đây là dấu mốc quan trọng nhằm tăng cường sức khỏe cho người di cư tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe kết quả nghiên cứu thực trạng sức khỏe người di cư ở Việt Nam do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh  phối hợp với Trường Đại học Y Hà Nội, Sở Y tế  các tỉnh, thành phố như Hà Giang, Hà Tĩnh, Đắc Lắc, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh triển khai.

Đồng thời được cập nhật về tình hình di cư trên thế giới, khu vực và tại Việt Nam, đồng thời được chia sẻ về kết quả nghiên cứu thực trạng sức khỏe di cư tại Việt Nam. Trên cơ sở đó thảo luận về các giải pháp, hành động để tăng cường sức khỏe người di cư trong tương lại.

 

Theo nghiên cứu của IOM Việt Nam, di dân nội bộ chủ yếu là người trẻ, với 83,9% di dân trong độ tuổi từ 15 – 39 tuổi. Hiện tỷ lệ nữ di dân đang tăng (52,4%). Về di dân ra nước ngoài, 7 điểm đến được nhiều người lao động Việt Nam nhất trong thời điểm từ tháng 1-10/2019 là Nhật, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Rumani, Ma Cao (Trung Quốc), Malaysia.

Người di cư đang có các rào cản trong tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe như về thể chế, chính sách, về tài chính, về nhận thức và hỗ trợ xã hội. Nhiều người di cư không có thẻ bảo hiểm y tế do không có hộ khẩu đăng ký tạm trú, đây là một trở ngại cho người di cư nội địa. Có người có bảo hiểm y tế nhưng nghĩ rằng không sử dụng được tại nơi di cư do mua bảo hiểm y tế ban đầu tại nơi ở cũ nên vẫn lựa chọn quay về quê hương để khám, chữa bệnh.

Với người di cư ra nước ngoài, mỗi khi gặp vấn đề về sức khỏe bắt buộc cần đến cơ sở y tế, họ sẽ đứng trước lựa chọn chữa trị ở nước bạn hay quay về Việt Nam và khoảng cách di lại là một vấn đề…

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn