Một cụ ông bị bệnh tai biến mạch máu não (TBMMN), cao huyết áp (CHA) độ 2, thiếu máu cơ tim cách đây đã 5 năm, lần đó, cơn CHA 220/110 mmHg (huyết áp bình thường là từ 90/60 mmHg đến 139/89 mmHg) đã làm cụ bị đột quị nặng, yếu nửa người trái và thất ngôn. Sau tai biến, cụ vất vả tập vật lý trị liệu nhưng không cải thiện đáng kể sức cơ tay phải và chân phải, nói chỉ ú ớ vài từ, phải ra hiệu bằng tay. Hiện tại cụ đi đứng phải chống gậy, có người dìu hay ngồi xe lăn. Lần này cụ ông vào viện do táo bón, không đi cầu được 5 ngày nay.
Theo lời kể của cụ bà - vợ ông: đã 5 ngày dù ông vẫn ăn uống sinh hoạt bình thường nhưng không đi cầu được (bình thường thì cứ 2 - 3 ngày thì ông đi cầu một lần), tôi có mua hai ống thuốc bơm hậu môn, cho ông dễ đi cầu, nhưng lần này không có tác dụng nên đưa ông vào viện. Các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán ông bị táo bón - di chứng TBMMN, tiến hành thụt tháo phân bằng nước ấm, sau 1 giờ ông đi cầu được.
Nguyên nhân táo bón ở người TBMMN là do ở những người này, vùng não dùng để điều khiển đại tràng và hậu môn bị tổn thương làm mất đi sự co thắt và giãn nở của các cơ trơn trong đại tràng và cơ vòng của hậu môn. Ngoài ra, sự yếu đuối của bắp thịt bụng và vùng xương chậu làm sự di chuyển của phân trong đại tràng cũng khó khăn.
TBMMN (hay gọi là đột quị) là một bệnh xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị đột ngột ngừng trệ, có thể gây đột tử hoặc liệt nửa người, thất ngôn, rối loạn tâm thần.
Nguyên nhân: do tắc mạch máu não: cục máu đông tại chỗ, thuyên tắc do xơ vữa động mạch (chẳng hạn xuất phát từ động mạch cảnh), huyết tắc do bệnh tim (rung nhĩ, nhồi máu cơ tim). Do vỡ mạch máu não: tăng huyết áp, chấn thương, vỡ phình động mạch não. Nguyên nhân ít gặp: giảm huyết áp (tụt huyết áp đột ngột hơn 40 mmHg), viêm động mạch, viêm tắc tĩnh mạch, thuyên tắc xoang tĩnh mạch. Ở người trẻ: bệnh tiểu cầu, chảy máu dưới màng nhện, dị dạng động mạch cảnh.
Biến chứng, di chứng: viêm phổi, trầm cảm, co cứng, táo bón, loét do nằm lâu, liệt.
Để giảm bớt các di chứng và phòng tái phát, khi trở về nhà sau giai đoạn cấp cứu, bệnh nhân vẫn phải được chăm sóc và điều trị theo chế độ đặc biệt.
Sinh hoạt, tập luyện
Trong trường hợp bệnh nặng, bệnh nhân chưa tự vận động được, người nhà phải giúp họ thay đổi tư thế 3 giờ một lần để tránh loét. Mỗi lần lật người, cần xoa rượu, cồn hoặc phấn rôm vào lưng, mông và các vị trí bị tì đè khác. Khi cho ăn uống, nên kê gối sau lưng bệnh nhân để giữ họ ở tư thế nửa nằm, nửa ngồi.
Đối với trường hợp nhẹ hơn, tùy mức độ di chứng liệt, cần đề ra một kế hoạch cụ thể cho bệnh nhân tập luyện hàng ngày. Cố gắng để cho họ tự làm ở mức tối đa, người nhà chỉ hỗ trợ hoặc giúp đỡ khi bệnh nhân không thể tự làm được. Quá trình tập luyện đòi hỏi sự kiên trì của cả bệnh nhân và người hướng dẫn. Nên duy trì việc này cả khi các di chứng đã được phục hồi.
Chế độ ăn
Cần đảm bảo chế độ ăn đủ chất và cân đối. Nên dùng dạng thức ăn mềm, dễ tiêu như: cháo, súp, sữa, nước hoa quả tươi. Kiêng sử dụng các chất béo và chất kích thích (rượu, bia, chè đặc, cà phê); hạn chế dùng muối.
Điều trị
Điều trị duy trì theo đơn của thầy thuốc. Trường hợp bệnh nhân có CHA, nên dùng thuốc hạ huyết áp và duy trì ở mức 140 - 150/90 mmHg.
Thực hiện các biện pháp phòng bệnh tái phát
Điều trị các nguyên nhân gây TBMMN như: tăng HA, xơ vữa động mạch, đái tháo đường, một số bệnh tim (bệnh van tim, thiếu máu cơ tim, rung nhĩ), bệnh mạch máu ngoại biên, tiền căn thiếu máu cục bộ thoáng qua.
Cẩn thận giữ mình khi thời tiết chuyển lạnh vào mùa đông và khi áp suất không khí lên cao vào mùa hè.
Tránh tắm khuya hoặc ở nơi gió lùa, nhất là với người bị CHA. Tránh trạng thái căng thẳng thần kinh, xúc động mạnh. Tránh mất ngủ. Tránh táo bón: thực phẩm nhiều chất sợi, uống nhiều nước, thể dục thể thao, và thói quen đi tiêu mỗi ngày. Nếu thất bại, có thể dùng loại thuốc làm mềm phân, nhưng phải theo chỉ định của bác sĩ.
Kiêng rượu, bia và các chất kích thích. Tránh vận động thể lực quá mức như mang vác nặng, chạy nhanh
BS. TRẦN MẠNH HÀ