Nếu có một cuộc thi về chợ tại Hà Nội, thì có lẽ chợ đêm sinh viên sẽ là nơi giành giải cao nhất, bởi chợ có nhiều điều rất đặc biệt. Chính thức đi vào hoạt động từ năm 2006, cho đến nay, chợ đêm sinh viên đã trở thành một điểm đến quen thuộc, một nơi thú vị khó có thể tìm thấy ở những khu chợ khác.
Rất sinh viên
Nếu ai đã từng đi chợ đêm sinh viên, bước chân vào chợ, có lẽ cảm xúc đầu tiên sẽ là “sao chợ này nhiều người trẻ thế!”. Chợ đêm sinh viên không phải chỉ nổi tiếng là nơi phục vụ chủ yếu cho đối tượng là sinh viên, mà còn nổi tiếng vì không ít những người bán hàng ở đây sáng sáng vẫn “mài quần” trên ghế các giảng đường đại học. Chợ trở thành nơi cho khá nhiều bạn sinh viên bươn chải kiếm sống. Là sinh viên bán hàng cho “dân mình” nên ít nhiều cũng nắm được sở thích khách hàng, người mua cũng không lạ gì tâm lý của những người bán hàng đồng trang lứa với mình. Thế nên cả người mua và người bán đều thoải mái, thuận thì mua, vừa thì bán.
Chợ tấp nập từ khi mở cửa. |
Tuyên ngôn của những người bán hàng tại đây là “nhất văn minh, nhì bán chạy”. Cái văn minh đặt lên hàng đầu tại một khu chợ khiến cho nhiều bạn đến chợ vì “không khí ở đây rất thân mật”.
“Đi chợ đêm sinh viên rất vui” là câu nhận xét của nhiều bạn sinh viên mỗi khi tới đây. Vui vì có một nơi để ngắm nghía, lựa chọn; hài hước với những lời rao bán của các doanh nhân sinh viên mừng vì giữa chốn chợ đông đúc này lại gặp được những người quen, bạn bè; và mỗi khi ra khỏi chợ lại hồ hởi một niềm sung sướng rất sinh viên khi mua được một món đồ quá rẻ.
Có nhiều thứ rẻ
Một trong những điều hấp dẫn nhất lôi kéo rất nhiều các bạn sinh viên tới chợ chính là vì các mặt hàng ở đây rất rẻ. Ở đâu đắt đỏ không biết, nhưng ở khu chợ này vẫn 25 ngàn, thậm chí 10 ngàn một chiếc áo phông, áo sơ mi với vô vàn các kiểu dáng, 50 ngàn một chiếc quần bò không thiếu một “size”. Giày nam, dép nữ la liệt với đủ mọi chất liệu, cũng chỉ 25 đến 30 ngàn một đôi. Mỹ phẩm, nước hoa, đồ trang sức, kính thời trang, dây lưng, ví da, túi xách đủ màu sắc bày trải dài hết quầy này đến quầy khác. Tranh ảnh, băng đĩa nhạc, đồ trang trí không thiếu bất cứ thứ gì rực rỡ dọc khắp chợ và giá mềm hơn rất nhiều nếu như mua ở ngoài.
Người mua, người bán đều là... sinh viên. |
Không kể là ngày thường hay những ngày cuối tuần, tối nào chợ cũng đông đúc người mua người bán, người ngắm và người đi chơi. Một trăm ngàn giữa thời buổi bão giá này có thể chẳng đáng là bao, nhưng ta có thể sắm được rất nhiều thứ ở khu chợ đêm sinh viên này. Một cái áo, một cái quần, thậm chí thêm đôi giày hay thêm một món đồ trang sức. Thế là quá đủ.
Để chợ đêm sinh viên mang nét đẹp văn hóa
Trước đây, dọc tuyến đường Xuân Thủy, có rất nhiều hàng quán tự mọc lên để bán cho sinh viên. Nó vừa gây mất mỹ quan đường phố lại ảnh hưởng tới giao thông. Ban quản lý chợ Dịch Vọng – vốn ban ngày là một trong những chợ đầu mối lớn cung cấp rau và thực phẩm cho thành phố - đã sáng kiến cho mở chợ vào ban đêm để đáp ứng nhu cầu mua sắm của sinh viên. Thế nên mới có cái cảnh sáng vào chợ mua thịt, tối cũng gian hàng đấy lại để mua …quần áo.
Cũng vì chung địa điểm với chợ thực phẩm, ban ngày vừa vãn phiên đã mở ngay gian hàng mới cho kịp phiên tối, chưa dọn dẹp, chưa lau chùi, chỉ trải một tấm áo mưa lên và bày biện hàng hóa nên chợ đêm sinh viên cũng có một …mùi rất riêng.
Nơi các bạn sinh viên tìm thêm thu nhập. |
Chợ đêm sinh viên đã gần tròn 3 tuổi. Suốt 3 năm qua, sức hấp dẫn của chợ vẫn không hề thay đổi, vẫn luôn là một điểm đến thú vị và là nơi dừng chân của rất nhiều bạn sinh viên, thậm chí nó đã trở thành một nét văn hóa đẹp của các bạn sinh viên. Nhưng 3 năm qua, những nhược điểm đó vẫn không hề được khắc phục hay thay đổi. Và phải chăng, chúng ta phải coi những nhược điểm ấy là đặc điểm của chợ đêm sinh viên?!
Nguyễn Thị Thu Hằng