Đi bộ buổi sáng mùa đông có thể làm trầm trọng thêm những vấn đề sức khỏe nào?

SKĐS - Nhiều người có thói quen đi bộ buổi sáng như là một cách để khởi đầu ngày mới. Tuy nhiên, vào mùa đông, thói quen này có thể làm trầm trọng hơn các bệnh lý liên quan đến hô hấp, tim mạch...

Làm trầm trọng hơn các vấn đề về hô hấp

Đi bộ trong mùa đông, đặc biệt vào sáng sớm, khi nhiệt độ thấp nhất trong ngày có tác động không nhỏ lên hệ hô hấp. Nguyên nhân do không khí lạnh làm đường thở co lại khi hít vào, gây suy yếu luồng không khí đến phổi. Điều này dẫn đến khó thở và tăng sản xuất chất nhầy, làm xuất hiện các triệu chứng thở khò khè, ho, khó thở...

Bên cạnh đó, khi đi bộ vào sáng sớm khiến cơ thể phải làm việc nhiều hơn để làm ấm không khí lạnh, điều này có thể gây thêm áp lực cho phổi và làm trầm trọng thêm các tình trạng khác như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)...

Không chỉ thế, thời tiết mùa đông cũng góp phần làm tăng mức độ ô nhiễm không khí do hiện tượng nghịch nhiệt. Hiện tượng này thường xảy ra khi không khí lạnh giữ lại các chất ô nhiễm như khí thải ô tô, khí thải công nghiệp gần mặt đất... tạo thành hỗn hợp nguy hiểm của các hạt không khí. Những người bị hen suyễn hoặc phổi nhạy cảm khi đi bộ trong điều kiện như vậy có thể bị kích ứng đường hô hấp, khiến họ khó thở hơn và có nguy cơ bùng phát bệnh.

nguyen-nhan-gay-kho-tho-khi-gang-suc

Đi bộ vào buổi sáng mùa đông làm trầm trọng thêm các vấn đề hô hấp như khó thở, thở khò khè...

Tăng nguy cơ căng thẳng tim

Thời tiết lạnh trong buổi sáng mùa đông khiến các mạch máu co lại để giữ nhiệt cho cơ thể. Điều này làm tăng huyết áp và khiến tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu, đặc biệt đối với những người bị tăng huyết áp hoặc có bệnh tim từ trước. Thời tiết lạnh cũng khiến nhu cầu oxy của tim tăng lên, nên đối với những người mắc bệnh động mạch vành, nếu không cung cấp đủ oxy có thể gây ra đau thắt ngực hoặc các biến chứng khác.

Ngoài ra, thời tiết lạnh có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong động mạch, có thể dẫn đến đau tim hoặc đột quỵ. Điều này đặc biệt đáng lo ngại đối với những người bị xơ vữa động mạch hoặc các vấn đề tim mạch khác.

Thêm vào đó là sự gắng sức về mặt thể chất khi đi bộ hoặc chịu đựng những cơn gió lạnh cũng khiến nguy cơ mắc các vấn đề liên quan đến tim

Đi bộ buổi sáng mùa đông làm tăng nguy cơ chấn thương

Sương giá và trơn trượt trên lối đi là hiện tượng thường thấy vào buổi sáng mùa đông, làm tăng nguy cơ trượt ngã. Theo Hội đồng An toàn Quốc gia Ấn Độ, té ngã là nguyên nhân gây thương tích lớn nhất trong suốt mùa đông, đặc biệt là ở người lớn tuổi. Ngoài ra, đi bộ vào sáng sớm còn có thể gây bong gân, gãy xương và các chấn thương nghiêm trọng hơn nếu thực hiện ở những nơi có lưu lượng giao thông cao hoặc địa hình không bằng phẳng.

fotolia-192450836-subscription-5413-7479-1598244087

Nguy cơ chấn thương tăng cao hơn khi đi bộ vào buổi sáng mùa đông.

Suy giảm khả năng miễn dịch do nhiệt độ thay đổi đột ngột

Việc cơ thể tiếp xúc với nhiệt độ giảm đột ngột khi bước ra ngoài vào buổi sáng giá lạnh, có thể làm suy yếu tạm thời hệ thống miễn dịch, dẫn đến cúm hoặc cảm lạnh. Hơn nữa, mùa đông cũng là thời điểm có liên quan đến các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như viêm phổi.

Do đó, khi nhiệt độ xuống thấp sẽ khiến niêm mạc trong hệ hô hấp bị khô, làm cho khả năng bắt, loại bỏ các mầm bệnh có hại bị giảm đồng thời làm suy yếu hệ thống miễn dịch và tăng nguy cơ bị nhiễm trùng.

Cơ thể dễ bị mất nước

Không khí vào mùa đông đặc biệt khô nên góp phần gây mất nước, làm khô cổ và đường hô hấp, gây khó chịu khi thở. Đây là thách thức đối với người cao tuổi và những trường hợp mắc các bệnh mạn tính, người nhạy cảm với không khí lạnh do làm trầm trọng hơn tình trạng ho, ho khan, khó thở...

Việc cần làm khi đi bộ vào buổi sáng trong mùa đông

  • Hãy cân nhắc các lựa chọn thay thế như đi dạo vào cuối buổi sáng, khi nhiệt độ cao hơn hoặc thực hiện các hoạt động trong nhà thay vì ngoài trời.
  • Nếu bạn quyết định ra ngoài, cần mặc nhiều lớp quần áo, đi giày phù hợp, sử dụng khăn quàng cổ và găng tay giúp duy trì nhiệt độ cơ thể... Khăn quàng cổ hoặc khẩu trang cũng làm ấm không khí và giúp thở dễ dàng hơn.
  • Khởi động làm ấm trong nhà trước khi ra ngoài để cơ thể có thời gian thích nghi.
  • Uống nhiều nước vì việc cung cấp đủ nước cho cơ thể có thể chống lại tác động của không khí khô.


Mời bạn xem tiếp video:

Nên đi bộ bao nhiêu km mỗi ngày để cơ thể khỏe đẹp? | SKĐS


Lê Mỹ Giang
Theo MSN
Ý kiến của bạn