Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an cho biết, World Cup 2022 diễn ra tại Qatar là khoảng thời gian tiềm ẩn nguy cơ phát sinh tội phạm đánh bạc và tổ chức đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá.
Các đường dây cá độ bóng đá được hình thành bởi những đối tượng cầm đầu tổ chức cờ bạc chuyên nghiệp, thường là những đối tượng hình sự, giới “anh chị”, móc nối với “nhà cái” quản lý các trang web cá độ (M88.com, Fun88.com, Bong88.com…) có máy chủ đặt tại nước ngoài để thiết lập chia nhỏ cho các chân rết tổ chức cá độ bóng đá trên không gian mạng tại Việt Nam, với nhiều hình thức quảng cáo, chào mời hấp dẫn công khai bằng tiếng Việt.
Các đối tượng tội phạm cá độ bóng đá trên không gian mạng thường có mối quan hệ chặt chẽ với nhau và có nhiều thủ đoạn tinh vi để đối phó với cơ quan chức năng như: Sử dụng các thiết bị di động thông minh có kết nối mạng internet để trao đổi thông tin, thực hiện hành vi phạm tội; lợi dụng sơ hở trong quản lý, kiểm soát không gian mạng, quản lý sim rác, quản lý thanh toán để phạm tội...
“Nếu thua không có tiền thanh toán, người chơi có thể bị các đối tượng cầm đầu cưỡng ép trả tiền bằng các hình thức như bắt giữ người trái pháp luật, cưỡng đoạt tài sản hoặc thuê các đối tượng hình sự đòi nợ,…" - Trung tướng Tô Ân Xô cảnh báo, đồng thời đề nghị người dân cần nâng cao ý thức tự chấp hành pháp luật, tuyệt đối không tham gia cá độ bóng đá dưới mọi hình thức.
Thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến cá độ bóng đá, Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ các đối tượng, địa bàn trọng điểm; tổ chức đấu tranh, triệt phá các ổ nhóm, đường dây, đối tượng hoạt động cờ bạc, cá độ bóng đá, nhất là trong thời gian diễn ra vòng chung kết World Cup 2022; đẩy mạnh đấu tranh với các loại tội phạm phát sinh liên quan đến hoạt động cá độ bóng đá, như “tín dụng đen”, lừa đảo, cướp, cướp giật, trộm cắp tài sản...
Liên tiếp triệt phá các đường dây cá độ
Điển hình ngày 22/11, Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ và công an các địa phương triệt phá đường dây tổ chức đánh bạc, đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá trên mạng internet. Cảnh sát tiến hành khám xét khẩn cấp nhiều địa điểm ở TPHCM và tỉnh Đồng Nai, qua đó bắt giữ 14 đối tượng có liên quan trong đường dây đánh bạc quy mô lớn.
Cảnh sát cho biết, đây là đường dây do một số đối tượng người Việt Nam cầm đầu và đặt máy chủ hoạt động tại Campuchia. Đường dây này được tổ chức tại TPHCM và một số tỉnh thành lân cận với hình thức đánh bạc truyền thống, tín chấp và tham gia cá cược bóng đá trên các trang web cá cược như bong88.com, Agbong88.com,… với số tiền đặt cược lên đến hàng trăm tỷ đồng mỗi tuần.
Kết quả điều tra ban đầu xác định, tính đến thời điểm bị triệt phá, số tiền giao dịch ăn thua qua đường dây đánh bạc này lên đến gần 30.000 tỷ đồng.
Tiếp đó, ngày 25/11, tại quán giải khát “Thành 1982”, ở ấp Tịnh Châu, xã Tịnh Thới, TP Cao Lãnh (Đồng Tháp), Công an TP Cao Lãnh bắt quả tang vụ tổ chức cá độ bóng đá do Nguyễn Tấn Phúc (SN 1985, trú Lấp Vò, Đồng Tháp) cầm đầu, cho 17 người tham gia cá độ bóng đá.
Kiểm tra tại hiện trường và trên người các đối tượng, cảnh sát tạm giữ gần 43 triệu đồng, 19 điện thoại di động các loại, 12 mô tô các loại, 2 quyển tập ghi phơi cá độ bóng đá.
Ngoài ra, ngày 27/11, Công an TP Đà Lạt phối hợp Phòng PA05 (Lâm Đồng), triệt phá nhóm cá độ bóng đá mùa World Cup 2022 qua mạng với tổng số tiền lên tới hơn 34 tỷ đồng.
Cá độ có thể bị phạt tới 7 năm tù
Luật sư Lê Vĩnh Thụy - Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết người có hành vi cá độ bóng đá có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội đánh bạc với hình phạt lên đến 7 năm tù, quy định tại Điều 321 Bộ luật Hình sự. Đối với những người có hành vi tổ chức cá độ bóng đá có thể bị xử lý về hành vi "Tổ chức đánh bạc" tại Điều 322 Bộ luật Hình sự và có nguy cơ đối mặt với khung hình phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.