Dẹp bỏ bất đồng, Triều Tiên nhóm lửa hòa bình

21-09-2018 07:38 | Quốc tế

SKĐS - Dù còn nhiều khúc mắc chưa được hoá giải với Mỹ nhưng quan hệ giữa hai miền Triều Tiên nồng ấm trở lại, nhất là sau Tuyên bố chung tháng 9, trong đó có nhiều đột phá khiến dư luận tin rằng hoà bình và hoà giải thực sự trên bán đảo Triều Tiên không còn xa.

Từ những điều chưa từng xuất hiện

Hội nghị thượng đỉnh liên Triều đã kết thúc sau 3 ngày nhóm họp với một kết quả không thể tốt hơn. Hai bên đã ra Tuyên bố chung và có những cam kết mang tính lịch sử, đưa quan hệ hai miền sang một giai đoạn mới - giai đoạn của hòa bình và hòa giải thực sự.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố sẽ thăm Hàn Quốc trong tương lai gần - điều chưa từng xảy ra trước đây. Thậm chí lãnh đạo Triều Tiên còn khẳng định, chuyến thăm có thể thực hiện trong năm nay. Động thái này cho thấy quan hệ hai miền Triều Tiên đang ngày càng được cải thiện, thể hiện quyết tâm và thiện chí rất lớn của hai bên hướng tới mục tiêu chung là hòa bình và hòa giải.

Dẹp bỏ bất đồng, Triều Tiên nhóm lửa hòa bìnhHai nhà lãnh đạo Hàn Quốc - Triều Tiên ký Tuyên bố chung tháng 9.

Một trong những cam kết được đánh giá là “chưa từng thấy” ở lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un là ông hứa sẽ đóng cửa vĩnh viễn cơ sở thử động cơ tên lửa và bệ phóng tên lửa Dongchang-ri với sự chứng kiến của các thanh sát viên quốc tế. Vừa chứng tỏ thiện chí cải thiện quan hệ với Hàn Quốc, Bình Nhưỡng vừa “bắn tin” cho Mỹ mong muốn theo đuổi tiến trình đàm phán với Mỹ về chương trình hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên, khi Bình Nhưỡng nhất trí triển khai các biện pháp bổ sung như đóng cửa vĩnh viễn cơ sở hạt nhân Yongbyon, nước này tiết lộ, điều này “thành hay bại” còn phụ thuộc các hành động tương xứng từ phía Washington.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh lần 3, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khẳng định, đây là lần đầu tiên Hàn Quốc và Triều Tiên thảo luận các biện pháp phi hạt nhân hóa và hai bên đã thống nhất dỡ bỏ mọi mối đe dọa và vũ khí hạt nhân ra khỏi bán đảo Triều Tiên.

Một trong những kết quả nổi bật của hội nghị lần này là Hiệp ước quân sự Bộ trưởng Quốc phòng hai bên ký kết. Theo đó, hai bên cam kết giảm căng thẳng và ngăn chặn xung đột vũ trang; thiết lập vùng “cấm bay” trong đường ranh giới quân sự từ ngày 1/11; ngừng tập trận gần đường ranh giới này; thiết lập vùng đệm trên biên giới biển để tránh xung đột; thiết lập khu vực đánh bắt cá chung thử nghiệm trên biên giới khu vực biển phía Tây.

Vượt trở ngại, mở ra cơ hội hòa bình

Thừa nhận để phi hạt nhân hóa hoàn toàn trên bán đảo Triều Tiên, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho rằng, con đường trước mắt sẽ không bằng phẳng, nhưng đôi bên cần vượt qua mọi trở ngại. Hiện, tiến trình đàm phán giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên đang lâm vào bế tắc do Bình Nhưỡng yêu cầu Mỹ phải tuyên bố chấm dứt chiến tranh trước và dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt thì Washington hối thúc nước này phải có các hành động cụ thể tiến tới phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Đàm phán đôi bên đã lâm vào bế tắc khi không bên nào nhượng bộ.

Phản ứng về Tuyên bố Triều Tiên và Hàn Quốc vừa đạt được,  trong đó có việc hai bên sẽ cùng nhau tổ chức một Thế vận hội Olympic vào năm 2032, Tổng thống Mỹ D.Trump đã viết trên twitter rằng đây là “tin tốt” và đầy “thú vị”. Tuy nhiên, những cam kết giữa 2 miền Triều Tiên có đủ sức làm thay đổi cục diện quan hệ Mỹ - Triều? Liệu rằng Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ thực hiện chuyến thăm Bình Nhưỡng và thảo luận về việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2? Điều này còn phụ thuộc vào kết quả cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ  - Hàn và cuộc  họp liên quan tới CHDCND Triều Tiên tại Đại hội đồng LHQ vào ngày 27/9 tới.

Là trung gian cho cuộc đàm phán lịch sử Mỹ và Triều Tiên lần đầu tại Singapore, Tổng thống Hàn Quốc sẽ tiếp tục làm “người thương thuyết” để thu hẹp bất đồng, hóa giải mâu thuẫn tiến tới mục tiêu đưa bán đảo Triều Tiên trở thành “một vùng đất hòa bình, không vũ khí hạt nhân và đe dọa hạt nhân” - giống như lời của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã nói.


Hải Yến
Ý kiến của bạn