Trao đổi với phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống, luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều (Giám đốc Công ty Luật TNHH Bắc Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, theo khoản 3 Điều 30 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định người điều khiển xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy không được thực hiện các hành vi sau đây:
Đi xe dàn hàng ngang.
Đi xe vào phần đường dành cho người đi bộ và phương tiện khác.
Sử dụng ô, điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.
Sử dụng xe để kéo, đẩy xe khác, vật khác, mang, vác và chở vật cồng kềnh.
Buông cả hai tay hoặc đi xe bằng một bánh đối với xe hai bánh, bằng hai bánh đối với xe ba bánh.
Hành vi khác gây mất trật tự, an toàn giao thông.
Theo khoản 1 Điều 31 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định người lái xe đạp phải thực hiện quy định tại khoản 3 Điều 30 của Luật Giao thông đường bộ năm 2008; người ngồi trên xe đạp khi tham gia giao thông phải thực hiện quy định tại khoản 4 Điều 30 của Luật giao thông đường bộ năm 2008.
Như vậy, lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy, xe đạp đều không được sử dụng tai nghe khi tham gia giao thông (trừ thiết bị trợ thính).
Theo quy định hiện hành, không có quy định xử phạt đối với người điều khiển xe ô tô sử dụng tai nghe hay thiết bị âm thanh. Việc đeo tai nghe khi lái xe ô tô không được xem là hành vi vi phạm pháp luật hành chính.
Đối với xe ô tô, Nghị định 100/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP chỉ xử phạt đối với hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường.
"Như vậy, nếu chỉ đeo tai nghe mà không sử dụng khi lái xe ô tô thì sẽ không bị xử phạt. Việc bị xử phạt chỉ khi cơ quan công an chứng minh được người đeo tai nghe để nghe điện thoại (tức là có sử dụng điện thoại di động)", luật sư Nguyễn Thị Thúy Kiều nhấn mạnh.