Đèo mây vờn núi Hải Vân

20-04-2019 21:07 | Xã hội
google news

SKĐS - Một trong những con đèo kỳ vĩ ở nước ta, nhưng lại nhiều hiểm nguy rình rập, đó là Hải Vân.

Ngoài độ dài chừng 20km, kéo từ Lăng Cô (Huế) sang tới Đà Nẵng, đỉnh đèo Hải Vân cao tới gần 500m. Nằm vắt qua dãy núi Trường Sơn, phần kéo dài ra vịnh biển, đèo chìm trong mây phủ. Một bên là vực sâu, một bên là biển động ngày đêm. Người xưa đã than: “Chiều chiều mây phủ Hải Vân. Chim kêu gành đá gẫm thân lại buồn”...

Ma trên đèo vắng

Xưa đến nay, đèo Hải Vân vẫn luôn là địa danh kỳ thú, mà nhiều du khách thường thử sức mình vượt qua. Cho dù họ biết rằng, trên con đường vắng tràn ngập mây, như ru ngủ mọi người. Sểnh một chút là lăn xuống vực. Những góc nhọn rẽ ngoặt bất chợt chỉ một con bướm bay qua cũng làm giật mình những tay lái lụa. Nhiều người kể, một thời bọn cướp của chặn xe trên đèo đã làm kinh hoàng những cánh lái xe tải chở hàng, mỗi khi qua đây. Có nhiều đêm đã xảy ra cuộc chiến trên đèo, không đánh đuổi hổ báo từ trên rừng chặn lối, thì cũng là sự giao tranh giữa bọn cướp và chủ hàng. Súng đầu súng. Gươm so gươm. Thật sự khốc liệt. Đèo là nơi đã chôn cất không ít xác người. Nên hồn ma vẫn quanh quẩn, ám ảnh những người phải vượt đèo qua đêm. Ấy là chưa nói đến thiên tai luôn rình rập trên núi cao. Đá lở. Cây đổ. Suối lũ tràn qua. Sách xưa đã mô tả rằng: “Ngọn núi này khí át sông Ngân, thể nuốt bờ biển, tầng đá trập trùng khó vịn, cây cối xum xuê rợp bóng. Sóng biển vỗ ầm ầm như tiếng sấm vang trời, suối chảy rào rào như mưa từ lưng trời đổ xuống”. Một con đèo có tuổi thọ hơn 700 năm (hình thành từ thời nhà Trần), chứng nhân cho biết bao sự kiện trong đời sống, chiến tranh phân định kẻ Bắc, người Nam, qua dãy Trường Sơn.

Khúc rẽ trên đèo.

Khúc rẽ trên đèo.

Đã hàng chục năm qua, không ít những mộ chí mọc ở hai bên đường đèo, hương khói côi cút. Đó là những hồn ma bé bỏng luôn cất tiếng khóc nỉ non. Thật đắng cay làm sao, khi tình yêu lỡ làng, có những người mẹ trẻ đã vứt con để lại bên đèo vắng trong đêm đen. Mỗi lần vậy, nếu đứa bé được cứu sống và được người đời bao bọc, nuôi nấng, còn là may mắn. Nhưng không ít trẻ sơ sinh đã chết vì kiến đốt hoặc bị thú ăn thịt. Theo như ông Nguyễn Văn Thọ, người làm công đức nói, hiện có đến hàng chục nấm mộ đã được ông chôn cất và thắp hương hàng ngày. Ông Thọ cùng với ông Bứa, trú tại khối phố 4, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng đã là việc nhân đạo này từ ba mươi năm qua. Họ là những ông phật sống trên con đường đèo này. Hai người luôn phải giải quyết những tình huống bất ngờ xảy ra. Khi chặn xe đưa người bị tai nạn đi cấp cứu. Khi lại chôn cất hài nhi bị bỏ rơi bên vệ đường. Hoặc lại cùng đội cứu hộ tìm xác người dưới vực sâu. Hai người đã chung sống với những oan hồn trên con đèo hoang vu này. Họ là những kỳ nhân, sống để làm phúc cho đời, như định mệnh trời ban.

Không ngày nào, hai ông không đi lau dọn những ngôi mộ nhỏ bé. Mỗi nén hương như niềm an ủi, chia sẻ nỗi muộn sầu, mà người đời gánh chịu. Ông Thọ kể, trước năm 2005, khi con đường hầm chưa hình thành. Giao thông buộc phải qua đây, nên không ngày nào những đoàn ô tô không bị sự cố, hay tai nạn xảy ra. Vậy nên cánh lái xe, mỗi khi gặp mộ chí mới đều xuống thắp hương cầu sự an toàn trên con đèo vắng. Nhất là mỗi khi mây giăng phủ kín, hay mưa rừng đổ xuống, xe phải dừng lại không dám đi. Ngay cả từ thời Pháp, đường sắt vào Nam vượt đèo Hải Vân, cũng đã từng bị lật. Tai họa ấp đến bất ngờ. Đèo Hải Vân luôn luôn đe dọa bất cứ ai đi qua. Sau hơn mười năm, đường hầm Hải Vân trở thành cứu cánh cho những đoàn xe, nhưng đèo vẫn không ít sự cố. Dân vẫn đi xe máy thường qua chở hàng, và người, trong những ngày mưa gió. Hơn nữa, những số mệnh hài nhi vẫn là nỗi đau nhức nhối, không thể chấm dứt. Cánh thương nhân thường than: “Đi bộ thì sợ Hải Vân. Đi thủy thì sợ sóng thần hang Dơi”. (Hang Dơi ở ngay phía dưới chân đèo Hải Vân).

Bí ẩn kỳ quan

Càng lên cao gió càng mạnh. Mây dào dạt hơn. Cuồn cuộn theo chiều gió. Mỗi lúc dốc đèo một cao. Phía trước là đỉnh đèo Hải Vân. Một nhà thơ đến đây đã ghi lại: “Mây vờn nắng, nắng đùa mây. Quanh co uốn lượn đèo bay lên trời”. Nghĩa là không phải mây bay nữa mà con đèo đang cõng du khách bay lên cao. Một đi tích văn hóa lịch sử độc đáo hiện ra trước mặt mọi người. Đó là Hải Vân Quan. Thực ra đó là cổng một trại lính cũ và là đài quan sát trên đỉnh đèo. Vây quanh là những đồn bốt và ụ súng. Một cổng trại chính cao lớn được khắc sáu chữ: “Thiên hạ đệ nhất hùng quan” bằng đá xanh. Một bên cổng thành được khắc ba chữ: “Hải Vân Quan”. Từ đây có thể quan sát toàn bộ vùng biển, từ Huế vào Đà Nẵng, án ngữ con đường bộ đi từ Bắc vào Nam. Hải Vân Quan được coi là cổng trời. Nhiều triều đình nước ta từ xưa đến nay đều coi đồn trú trên đỉnh đèo Hải Vân là quan trọng số một.

Hải Vân Quan được hình thành từ xa xưa. Khi ấy chỉ là đồn trú, bảo vệ cho dân qua lại, giữ an ninh trật tự chống cướp bóc, nổi loạn. Đến thời nhà Nguyễn (Minh Mạng - 1820), Hải Vân Quan được xây dựng mới, với kiến trúc độc đáo, bề thế vững chãi. Từ đó Hải Vân Quan trở thành điểm chốt mang yếu tố quân sự chiến lược. Nhưng khi giặc Pháp xâm chiếm nước ta, chúng đã nhắm xây dựng Hải Vân Quan trở thành đồn bốt, ngăn chặn các cuộc nổi dậy, kháng chiến của dân tộc ta. Những công sự vững chắc được xây thành quách vững chãi. Dọc đèo cũng có nhiều điểm chốt giữ kiểm soát những người qua lại. Chúng chiếm đóng Hải Vân Quan, dọc đèo với hai trung đội, lính lê dương (Âu - Phi), nhằm ngăn chặn công cuộc kháng chiến của dân tộc ta. Nơi đây đã ghi dấu chiến công vang dội của quân và dân miền Trung. Quân giặc đã thất thủ trong trận đánh đồn Nhất, trại lính Pháp đóng ngay tại Hải Vân Quan vào các năm 1947 đến 1949. Đến năm 1952, giặc Pháp hoàn toàn bị tiêu diệt, quân và dân ta đã chiếm được Hải Vân Quan. Nhiều người dân quanh vùng như Lăng Cô (Huế) và Liên Chiểu (Đà Nẵng) vẫn con thuộc câu ca dao kháng chiến như: “Hải Vân cao ngất tầng mây. Giặc đi đến đó bỏ thây không về”. Bản thống kê được ghi lại dưới chân đèo rất chi tiết. Trận đánh lớn, quân và dân ta đã phá nổ một đầu máy, 14 toa xe bị lăn xuống hố sâu. Tiêu diệt hơn 300 tên địch và 15 xe cơ giới...

Giờ đây, tuy không còn là đường chính cho ô tô lớn qua lại, nhưng đèo Hải Vân lại thu hút các phượt thủ, cùng những người muốn khám phá cảnh quan. Nhất là các nhiếp ảnh gia thường xuyên lên đây để săn mây. Vì ảnh hưởng hơi nước và gió biển, mây trên đèo Hải Vân có những nét kỳ lạ, chuyển động biến ảo. Mây hồn nhiên tạo hình. Lúc dày lúc mỏng. Cuồn cuộn như biển sóng bao la. Núi nhấp nhô lăn ngụp trong mây. Những đàn chim vụt bay như tia chớp trên biển khơi. Không gian luôn đổi sắc màu, đúng với nghĩa “Bồng lai tiên cảnh”, mê hoặc lòng người. Đặc biệt vào mùa cưới, hàng chục đôi trai gái thường lên đây chụp ảnh, với những khung cảnh ngoạn mục bất ngờ, trong mây bay. Nhiều đôi đã từ Huế, thậm chí có người còn từ Quảng Trị, xa hơn trăm cây số cũng vượt đèo. Họ muốn đám cưới của mình, phải có những bức ảnh bay bổng, mê ly nhất cho hạnh phúc lứa đôi. Có những bức ảnh còn lưu lại bên thành Hải Vân Quan. Đó là những nụ hôn trong mây. Họ đứng trên một lô cốt cũ cao vút trên đỉnh đèo. Nhìn cô dâu chú rể như đang bay trong mây. Nụ hôn và nụ cười họ sáng ngời trước Hải Vân Quan. Đó là những bức ảnh “Tình yêu”.

Chợ trên đỉnh đèo Hải Vân.

Chợ trên đỉnh đèo Hải Vân.

Chiếc đòn gánh cô tiên

Nếu ví ba ngọn núi rẽ ngang của dãy Trường Sơn chạy ra biển Đông là phên dậu của hai miền Nam Bắc, thì đèo Hải Vân chính là chiếc đòn gánh, mà hai đầu là bãi biển Lăng Cô và vịnh Đà Nẵng. Điều khác biệt dãy núi Hải Vân phân vùng khí hậu hai miền rõ rệt. Một bên nóng khô (dốc đèo hướng về nam). Mây bay cuộn bay tơi tả. Một bên là lạnh ẩm (dốc đèo hướng về phía Bắc). Mây đọng như núi bông trắng muốt. Chỉ đợi đến mùa xuân. Thời tiết giao hòa. Mây mới êm đềm nhẹ nhàng cuộn sóng hai chiều. Người như hòa với thiên nhiên bao la. Biển và rừng đều xanh mướt thướt tha. Thi sĩ Bùi Giáng có lần du ngoạn đến bãi biển Lăng Cô bình lặng. Ông đã viết ra những câu thơ cảm khái không gian yên ả trong vắt này: “Một bình minh mang theo. Một hoàng hôn cô tịch. Những sóng nước trong veo...”. Còn bên bờ biển, ven đường khu phố Liên Chiểu lại cuồng nhiệt, cồn cào con sóng vỗ bờ. Nỗi khao khát đổi mới của thành phố Đà Nẵng luôn luôn bay bổng với những dự án bất ngờ.

Điều thú vị nhất, mỗi khi chuyến tàu vượt đèo Hải Vân, bao giờ trạm ga đầu đèo từ hai bên đốc đèo đều bật bài ca “Tàu anh qua núi” (sáng tác Phan Lạc Hoa). Một giọng hát trẻ trung bất tận với thời gian của NSND Thanh Hoa cất lên làm rung động du khách qua đèo. Tiếng hát vút cao dần theo chiều dốc con đèo. Bài hát cách đây đã hơn 30 năm dường như không thể thay thế, mỗi khi những đoàn tàu vượt đèo Hải Vân. Tiếng còi tàu vang vọng đèo xa: “Đi dọc Việt Nam theo bánh con tàu quay. Qua đèo Hải Vân mây bay đỉnh núi. Nhớ khi xưa qua đèo qua suối. Mà lòng ta mơ, tàu qua núi cao…”. Lời ca tự bay lên. Đường sắt là phương tiện công cộng duy nhất còn sót lại bên đèo Hải Vân. Một bên sóng biển gầm gào. Một bên là mưa rừng gió núi. Con tàu vẫn băng băng đi suốt bốn mùa xuân đất nước. Và bao giờ cũng vậy. Du khách ngồi trên con tàu luôn hồi hộp chờ đón những bông mây của con đèo ùa vào mơn man, đọng lại trên má trên môi, thơm mát hương hoa của núi rừng Trường Sơn.


Bài và ảnh: Vương Tâm
Ý kiến của bạn