Đền Voi Phục, đền Quán Thánh chuẩn bị đón Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt

27-05-2022 18:16 | Xã hội
google news

SKĐS - Ngày 29/5 tới đây, quận Ba Đình (Hà Nội) tổ chức Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ trấn đền Voi Phục, đền Quán Thánh.

Theo quan niệm dân gian, thành Thăng Long trở nên linh thiêng là nhờ có 4 ngôi đền thiêng trấn giữ các hướng Đông Tây Nam Bắc của thành, gọi là "Thăng Long tứ trấn". Bốn ngôi đền thiêng này thờ 4 vị thần trấn giữ những vị trí tâm linh quan trọng để che chở, bảo vệ cho kinh thành Thăng Long.

Đại diện Phòng Văn hóa và Thông tin quận Ba Đình cho biết, Lễ đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Thăng Long Tứ trấn đền Voi Phục, đền Quán Thánh diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 61 năm Ngày thành lập quận (31/5/1961 – 31/5/2022), Đảng bộ quận (9/6/1961- 9/6/2022). 

1. Đền Voi Phục (Trấn Tây)

Quận Ba Đình đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 1.

Đền Voi Phục hiện nay nằm tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội. Đền nằm trên gò Long Thủ (đầu rồng) quay hướng Nam, ngả chút ít sang Đông, đó là các hướng của nguồn sinh lực vũ trụ vô biên, của thánh thần, cũng là hướng của đế vương, nơi đây thờ Linh Lang – một hoàng tử thời nhà Lý, đền được xây dựng từ thế kỷ 11.

Quận Ba Đình đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 2.

Theo truyền thuyết thì vua Lý Thái Tông cùng một vị Vương Phi sinh được hoàng tử Linh Lang. Khi đất nước có ngoại xâm, Linh Lang bỗng vươn mình thành một tráng sĩ, xin Vua cha cấp cho 5.000 quân cùng voi chiến xông trận diệt giặc, mang dáng dấp của Phù Đổng Thiên Vương khi xưa.

Quận Ba Đình đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 3.

Sau khi thắng trận khải hoàn trở về, Linh Lang đột nhiên lâm bệnh nặng. Phụ Hoàng đến thăm, Linh Lang tiết lộ rằng mình không phải phàm nhân bình thường, rồi qua đời. Nhà Vua thương tiếc phong là "Thượng đẳng thần" – Linh Lang Đại Vương. Năm 1065, vua Lý Thánh Tông cho lập đền Linh Lang hay còn có tên khác là đền Voi Phục.

2. Đền Quán Thánh (Trấn Bắc)

Quận Ba Đình đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 4.

Đền Quán Thánh hiện nay nằm ở cuối đường thanh niên thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình, nơi đây thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, đền được xây dựng từ thế kỷ thứ 10. Theo truyền thuyết từ xưa Huyền Thiên Trấn Vũ là Thần cai quản phương Bắc giúp dân trừ tà diệt yêu, trừ rùa thành tinh vào thời vua Hùng Vương thứ 14, trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ, giúp vua An Dương Vương trừ Bạch Kê Tinh để xây thành Cổ Loa, diệt Hồ Ly Tinh trên sông Hồng vào thời vua Lý Thánh Tông.

Quận Ba Đình đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 5.

Đền Quán Thánh là di tích Lịch sử - Kiến trúc nghệ thuật nổi tiếng gắn liền với sự hình thành của kinh thành Thăng Long, Đền được xây dựng vào năm 1160 dưới triều nhà Lý. Đây là nơi được xem là linh thiêng đến nỗi các đời vua Lê thường đến đây làm lễ cầu mưa mỗi khi hạn hán xảy ra. Năm 1823, vua Minh Mạng lên ngôi đổi tên đền là Trấn Vũ Quán. Sang thời vua Thiệu Trị năm 1842, thì đền đổi tên là Quán Thánh như bây giờ.

3. Đền Bạch Mã (Trấn Đông)

Quận Ba Đình đón nhận Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt - Ảnh 6.

Đền Bạch Mã nằm trên phố Hàng Buồm quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nơi đây thờ thần Long Đỗ và được xây từ thế kỷ thứ 9. Đền Bạch Mã xưa kia thuộc phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức – nơi cửa sông Tô Lịch. Đền được xây dựng vào năm 866 thờ Thần Long Đỗ, vị Thần đã phá phép thuật trấn yểm phong thủy nước nam của Cao Biền.

4. Đền Kim Liên (Trấn Nam)

Đền Voi Phục, đền Quán Thánh chuẩn bị đón Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt - Ảnh 7.

Đền Kim Liên nằm ở phường Phương Liên, Đống Đa, Hà Nội, nơi đây thờ Cao Sơn Đại Vương. Đền được xây dựng từ thế kỷ 17. Theo thư tịch cũ để lại thì đền Kim Liên được xây dựng từ thời vua Lý Thái Tổ nhằm để bảo vệ phía Nam kinh thành Thăng Long. Đến năm 1509, vua Lê Tương Dực đã cho xây dựng lại đền Kim Liên. Sau này, dân làng đã lập thêm cổng Tam Quan ở phía trước cổng đền và bổ sung các nếp nhà mới, tạo thành một ngôi đình làng, gọi là đình Kim Liên. Đền Kim Liên được xây dựng trên gò cao, từ dưới sân bước lên phải qua 9 bậc gạch.

Với giá trị ý nghĩa lịch sử, văn hoá như vậy, ngày 18/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 93/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt đợt 12 cho 5 di tích trên cả nước. Trong đó có di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật Thăng Long tứ trấn. 

Đây là niềm vinh dự to lớn cho toàn hệ thống chính trị và nhân dân của 3 quận Ba Đình, Đống Đa và Hoàn Kiếm khi cụm di tích Thăng Long Tứ trấn với các chứng tích huyền kỳ, với giá trị lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, kiến trúc to lớn được Nhà nhước ghi nhận.


Tuấn ANh
Ý kiến của bạn