Đến với bài thơ hay Rượu của Nguyễn Cao Kỳ

01-05-2017 11:11 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Vị Thiếu tướng Công an cầm chai rượu ra bàn - “Ông Nguyễn Cao Kỳ mới về gửi tặng”.

Vị Thiếu tướng Công an cầm chai rượu ra bàn

- “Ông Nguyễn Cao Kỳ mới về gửi tặng”.

Mọi người đang vui, gật gù bảo “Uống!”

Nhưng một người bảo “Không!”

Vì sao không? Rượu cứ ngon là rượu!

Whisky Mỹ hay vodka Nga, giờ có mặc cảm gì?

Chiến tranh lạnh qua rồi, ba mươi năm sau chống Mỹ

Đây là chén rượu thăm quê

của tướng Nguyễn Cao Kỳ!

Nhưng vẫn có một người không chịu uống!

Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư?

Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều

cựu chiến binh cả chứ!

Cũng bom đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử

Sống đến hôm nay, đâu phải để hận thù!

Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm?

Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa?

Không vượt qua chính mình, không vượt qua quá khứ,

Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa...

Đám đông ồn ào của chúng tôi cứ uống

Anh bạn chỉ ngồi im, cũng chẳng nói thêm gì...

Và bữa rượu, bỗng dưng thành đắng đót

Chẳng phải tại vì ai, kể cả Nguyễn Cao Kỳ!

Hà Nội, 2007

Bằng Việt

Lời bình của nhà thơ Mai Nam Thắng:

Bài thơ Rượu của Nguyễn Cao Kỳ được Nhà thơ Bằng Việt sáng tác và công bố vào khoảng đầu năm 2007, cách nay chẵn 10 năm. Bài thơ đã được chọn in trong tập Nheo mắt nhìn thế giới - tập thơ thứ 11 của Bằng Việt xuất bản năm 2008 và có mặt trong tập Bằng Việt - Tác phẩm chọn lọc xuất bản năm 2010.

Rượu của Nguyễn Cao Kỳ là câu chuyện có thật, diễn ra vào một ngày cuối năm 2006 tại tư gia của một vị tướng công an. Vị tướng này tôi có quen biết, ông vốn là thầy giáo dạy văn, rồi đi làm báo trước khi chuyển sang ngành công an và lên đến hàm Thiếu tướng. Ông thường giao du với giới văn nghệ sĩ nên nhiều người trong bữa “rượu của Nguyễn Cao Kỳ” hôm ấy tôi cũng ít nhiều quen biết. Xung quanh mâm rượu hôm ấy là câu chuyện của một thế hệ cầm súng, họ đang cố gắng vượt qua chính mình để “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”, trong xu thế hội nhập và phát triển của đất nước. Đó là đường lối ngoại giao của Đảng và Nhà nước ta, là nguyện vọng của nhân dân Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước trên thế giới; dẫu rằng đối với những người chiến sĩ đã hy sinh xương máu và tuổi trẻ để chiến đấu giành độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất cho dân tộc, thì điều đó không dễ dàng gì.

Xin lưu ý thêm: Vào thời điểm của bữa rượu ấy, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chính thức bình thường hóa quan hệ được hơn 6 năm. Và đến thời điểm ấy, nhiều cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và nhiều quan chức chế độ Sài Gòn cũ sống lưu vong ở nước ngoài đã nhiều lần trở lại Việt Nam. Họ đã có nhiều lời nói và việc làm thiện chí đối với đất nước Việt Nam hiện tại. Trong nhiều lần Nguyễn Cao Kỳ về nước và ngỏ ý muốn tham gia đóng góp đầu tư xây dựng đất nước, do công việc phải giao dịch và quan tâm đến vị “Phó Tổng thống” cũ của chính quyền Sài Gòn, nay là một doanh nhân, vị tướng công an nói trên đã trở thành một người bạn của tướng Nguyễn Cao Kỳ.

Câu chuyện quanh mâm rượu hôm ấy được tác giả kể lại hết sức chân thật và giản dị. Chuyện rằng: Trong bữa rượu hôm ấy, vị tướng công an mang chai rượu của “ông Nguyễn Cao Kỳ mới về gửi tặng” để đãi bạn bè. Tất cả mọi người đều hào hứng uống. Ồ, rượu whisky Mỹ chính hãng, lại là hàng xách tay của tướng Nguyễn Cao Kỳ - một viên tướng cựu Phó Tổng thống chế độ Sài Gòn cũ - mang về tặng, thì hẳn là rất ngon, rất đáng thưởng thức. Ấy thế mà trong lúc mọi người hồ hởi vui vẻ cụng ly cạn chén, thì có một người lại kiên quyết không uống. Không sao, không uống whisky Mỹ thì uống thứ khác vậy, vodka Nga chẳng hạn. Còn mọi người vẫn tự nhiên uống “rượu của Nguyễn Cao Kỳ”, nhưng vì cái sự kiên quyết cự tuyệt của một người mà không khí mâm rượu bỗng như chùng xuống. Và bữa rượu, bỗng dưng thành đắng đót...

Câu chuyện xung quanh mâm rượu hôm ấy diễn tả lại chỉ có thế! Người không uống là ai và vì sao không uống, tác giả không giải thích và có lẽ cũng không cần nói rõ, nhưng người đọc thì biết chắc chắn ông là người đã từng cầm súng đứng ở bên này chiến tuyến và vì thế biết rõ vì sao ông không uống. Toàn bộ bài thơ, “người không uống” ấy chỉ nói một tiếng “không!” (hoặc cũng có thể chỉ là một cái lắc đầu), nhưng lại đặt ra nhiều câu hỏi cần được trả lời, nhiều vấn đề cần được tranh luận, nhiều thái độ cần được chia sẻ, nhiều vướng mắc cần được tháo gỡ...

Đầu tiên, khi anh bạn nói “Không!” thì tác giả bài thơ tỏ vẻ ngạc nhiên và “hùng hồn” chất vấn:

Vì sao không? Rượu cứ ngon là rượu!

Whisky Mỹ hay vodka Nga, giờ có mặc cảm gì?

Chiến tranh lạnh qua rồi, ba mươi năm sau chống Mỹ

Đây là chén rượu thăm quê

của tướng Nguyễn Cao Kỳ!

Nghĩa rằng đây là chai rượu ngon, sản phẩm có tiếng thế giới. Bản thân nó chỉ là rượu, không dính đến lập trường quan điểm gì hết, dẫu nó là rượu của Nguyễn Cao Kỳ thì ông ấy bây giờ cũng chỉ là một Việt kiều về thăm quê và tỏ ra có thiện chí với đất nước và dân tộc. Vả lại chiến tranh lạnh cũng đã qua rồi, thế giới đang trong xu thế đối thoại, hợp tác và hội nhập. “Mỹ cút, ngụy nhào” cũng đã hơn ba chục năm rồi, chúng ta đang chủ trương hòa giải, hòa hợp, “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” kia mà?

Nhưng “người không uống” vẫn kiên quyết không uống. Và tác giả, với tư cách một trí thức từng xung phong vào chiến trường làm báo trong đội hình bộ đội Trường Sơn của Đường mòn 559 huyền thoại những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tiếp tục tranh biện, nhưng giọng nói, thái độ gần như là thuyết phục, tâm tình:

Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư?

Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều

cựu chiến binh cả chứ!

Cũng bom đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử

Sống đến hôm nay, đâu phải để hận thù...

Tuy nhiên, trước thái độ dứt khoát, kiên quyết của người bạn cựu chiến binh, tác giả gần như cũng bị bất lực và không muốn níu kéo thêm nữa, câu thơ lại như lời chia sẻ, cảm thông, lại như sự chịu đựng trước một thực tế quá phũ phàng mà không thể dễ dàng xóa đi trong tâm tưởng:

Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm?

Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa?

Không vượt qua chính mình, không vượt qua quá khứ,

Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa...

Hỏi mà cũng là tự trả lời rồi đấy! Làm sao chúng ta có thể quên được lịch sử đau thương của dân tộc, khi “vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa”; khi mấy chục năm rồi những người lính còn sống sót hôm nay vẫn đau đáu nỗi niềm đi tìm đồng đội; khi những nghĩa trang liệt sĩ trên khắp đất nước vẫn còn bạt ngàn những ngôi mộ chưa biết tên; khi vẫn còn hàng vạn những nạn nhân chất độc da cam/dioxin ngày ngày quằn quại với bệnh tật... Thái độ không quên ấy không phải là sự cố chấp, mặc cảm, hận thù... mà là đạo lý và nhân văn, hoàn toàn logic hợp lẽ, lại rất “thể tình”, không hề mâu thuẫn với chủ trương “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai” cùng quá trình hợp tác, hội nhập để phát triển đất nước.

Câu chuyện bên một chén rượu thời hậu chiến không hề tách rời khỏi văn cảnh của nỗi đau dân tộc trong cuộc chiến dài dặc, với con sông giới tuyến giữa hai ý thức hệ và hai phe đối địch, ngăn cách suốt 21 năm trời! Nó cũng lật lại một vấn đề cốt lõi: Nguyên nhân chính yếu của sự chia cắt và phân cách ấy là gì, sâu xa đến mức nào mà dẫn đến một hậu quả nặng nề đến vậy? Lỗi chính trong tấn bi kịch lớn lao của cả thời đại vừa đi qua là ở đâu?

Và như thế, trong câu chuyện về bữa “rượu của Nguyễn Cao Kỳ” trên đây, chúng ta hoàn toàn thông cảm, sẻ chia, đồng tình với cả người không uống lẫn những người uống và cả thái độ khách quan không thể phê phán ai, cũng không cần ủng hộ ai của tác giả. Bởi bản thân ông cũng là một người bước ra từ cuộc kháng chiến cứu nước chồng chất đau thương bi tráng ấy và cũng bị xâu xé bởi biết bao nhiêu những nghịch lý dằng dịt ấy.

Viết đến đây, tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ mới đây của Trần Đăng Khoa khi anh đến thăm một đơn vị pháo binh anh hùng: Giờ những kẻ thù xưa/ Trông mặt đều quen cả/ Có gì đâu máu người/ Chẳng phải là nước lã/ Các cậu đến làm bạn/ Thôi thì xả láng chơi/ Còn nếu sang làm giặc/ Chúng tớ cho chầu giời!/ Pháo nằm như mơ ngủ/ Núi bay dải mây tình/ Các cậu đừng có tưởng/ Chúng tớ - lính thời bình...


Mai Nam Thắng
Ý kiến của bạn