Đã đến Hy Lạp thì phải ra đảo, đi đảo tất phải ghé Santorini. Biển ở Santorini không đẹp nếu không muốn dùng một từ không nhã là “xấu”. Xấu bởi cát của nó đen sì. Nhìn từ xa, bờ biển rặt một màu đen như xỉ than, như thể đây là công trường khai thác quặng khổng lồ. Ấy là dưới nắng trời đầu hạ nó còn xám xịt như thế, hình dung tới mùa đông mà đứng trên cái bãi biển đen sì này, tôi những muốn xì-trét. Nhìn gần, thực tế đó không phải cát mà là đá răm và sỏi cuội màu đen, là tàn dư của những cơn phun trào nham thạch khủng khiếp trong lịch sử. Bãi biển Đen chiếm đa số diện tích đường bờ biển, chạy dọc gần chục cây số theo bờ phía Đông. Nhìn từ trên đỉnh thành Thira cổ đại, đường bờ biển là một vệt dài xen kẽ hai màu đen và xanh thẫm, đẹp hùng vĩ. Nhưng khi đứng trên bãi cát đen - đá răm - xỉ than núi lửa, tôi vẫn không thể nào quen được với màu sắc u ám của nó. Hôm ấy, tôi ra bãi Kamari gần khu vực sân bay, lựa một quãng không người để ghé xem loại cát đen đó thực chất là thứ gì thì có một cảm giác rất kỳ lạ. Bãi biển yên tĩnh đến lặng người, hầu như không có sóng. Phần trên là đá răm, còn phía sát mực nước biển chỉ toàn sỏi đen. Mỗi lần sóng đưa bờ, tiếng sỏi lại kêu rào rạo nghe vui tai. Ở đây không phải sóng hát, đá hát hay cây hát mà là sỏi hát. Ở đâu mà biển lại yên tĩnh đến thế, chẳng chút sóng ầm ào hay tiếng người pha tạp. Phía trên vài trăm mét là khu vực nghỉ dưỡng Kamari. Chúng tôi phàn nàn rằng sao bãi xấu đến thế mà các nhà nghỉ đua nhau mọc xung quanh và khách du lịch thì nườm nượp tìm đến. Đường đi lại trên đảo ngoài một số khung cảnh nên thơ ít ỏi còn thì rặt đất trống đồi trọc. Nằm phơi nắng trên bãi cát đầy răm thế kia sao tránh khỏi đau lưng. Vì cái gì mà họ tìm đến? Không biết vì điều gì nhưng rõ ràng tôi sẵn sàng quay lại Santorini lần thứ hai, mặc dù chẳng ai trong chúng tôi có hứng thú tắm biển trên bãi cát đen u ám này.

Từ bãi Kamari, khó khăn lắm tôi mới tìm được đường tới “Ancient Thira” - một thị trấn cổ xưa trước công nguyên nằm trên đỉnh núi. Ký tự chữ cái Hy Lạp giống tiếng Nga, nhìn biển chỉ đường mà không phiên âm thì cũng như mù chữ, nhưng hỏi đường hoài rồi cũng đến nơi. Ngồi xe ATV lên đỉnh núi quả là một sự căng thẳng, mặc dù ở nhà tôi cũng tự mình đi xe máy lên Tam Đảo, Ba Vì với những dốc cao ngoắt ngoéo không biết bao lần. Đường lên trị trấn Thira cổ đại trải đá như thời trung cổ, phần vì lý do thẩm mỹ và có lẽ cũng tăng độ ma sát khi luôn luôn bên tay mặt là miệng vực. Bãi Kamari trải dài lóng lánh dưới mặt trời nhưng tôi không còn tâm trí đâu để ngắm biển. Chiếc ATV đi đường bằng cũng đã liên tục đảo bánh và vì căn bệnh sợ độ cao cố hữu, tôi căng thẳng đến nỗi đã tính đến chuyện bỏ xe đi bộ. Nhưng cắn răng mãi rồi cũng tới nơi. Đỉnh núi là một mặt phẳng hẹp, nơi đã có vài chiếc ATV đậu từ trước. Gió thốc thác tứ bề như ru đổ người muốn ngã. Đặc sản ở Santorini ngoài cát đen thì còn có gió. Những cơn gió ở đây vô cùng đặc biệt. Chúng vần vũ khiến trời đang nắng đẹp cũng hóa thành giông tố và làm những đám mây sà thấp hơn xuống đỉnh núi. Những lúc băng qua các cánh đồng hoang vu khô cằn và ngắm những ngôi làng trơ trọi trên đỉnh núi tít đằng xa, ngày đêm hứng chịu những cơn gió bạt người, tôi lại liên tưởng đến video clip đầy tính liêu trai, huyền thoại The Islander (Cư dân đảo) của ban nhạc Night Wish. Đỉnh đô thị cổ Thira nằm trên ngọn núi cao thứ nhì Santorini, ngọn cao hơn nằm ngay bên cạnh, nhưng địa hình hiểm trở, chỉ độc một ngôi nhà nhang nhác đài khí tượng. Từ bãi để xe, người ta phải leo bộ một đoạn dốc nữa mới đến quầy soát vé, rồi từ đó leo tiếp lên trung tâm của đô thị Thera cổ, giờ chỉ còn là phế tích với những con đường ngang dọc xuyên qua thành phố tí hon, những ngôi nhà bằng đá chỉ sót lại chân tường, những giếng nước, nhà tắm công cộng, nhà công xã, trung tâm hành chính và thương mại nằm ở phố chính. Đặc biệt, ngay từ thế kỷ 2 trước Công nguyên, một nhà hát bằng đá với kiến trúc hình tròn đặc trưng của nền văn minh Hy Lạp được xây dựng trên đỉnh núi với sức chứa... 1.500 người. Từ thuở vật liệu xây dựng chỉ rặt bằng đá mà họ đã đam mê âm nhạc và nghệ thuật đến vậy ư? Ở đâu có nghệ thuật, ở đó có sự văn minh.
Đứng trên đỉnh núi gió thốc bạt người, với khu dân cư sầm uất từ mấy ngàn năm giờ biến thành những bãi cúc dại vàng rực, tôi ngắm những cột trụ và móng tường còn sót lại, cố gắng hình dung ra những cư dân của Thera lòe xòe những trang phục cổ xưa đi lại trong thành, mua bán, nấu ăn, tắm giặt và trò chuyện. Và tôi huy động trí tưởng tượng tối đa của mình để làm thành một cỗ máy thời gian đi ngược hành lang quá khứ, từ thuở núi Mesa Vouno chỉ là một bãi đá trơ trụi lộng gió trước khi thành phố được xây dựng vào năm thứ 8 trước Công nguyên bởi một tộc trưởng người Dorian di cư lên đảo tên Theras. Dường như không nơi nào trên Trái đất sức gió lại khủng khiếp như đỉnh Mesa Vouno. Hiếm nước, người Thera đã phải xây những bể chứa nước mưa khổng lồ để dùng dần. Có lẽ với sở thích định cư trên tận đỉnh núi, mà phải là đỉnh núi cao, đỉnh trơ trọi và độc lập để xung quanh không có dãy núi trùng điệp nào dính dáng vào, để mở mắt dậy chỉ thấy mây và gió bao phủ, dưới chân là vực sâu, ngước mặt là bầu trời nên người Hy Lạp mới đặt thế giới của những vị thần lên đỉnh Olympia. Tư duy này thực khác với toàn bộ phần còn lại của thế giới, khi mà những nền văn minh đầu tiên luôn cố gắng chọn đồng bằng làm điểm tựa. Nhìn những dinh cơ còn sót lại sau mấy ngàn năm của người Thera, tôi hình dung ra cuộc sống khó khăn của họ đến thế nào khi cả đời gắn vào núi đá. Hoa màu ở đâu, thịt thú rừng ở đâu và cách nào mà vận chuyển khi bản thân tôi leo lên đỉnh Mesa Vouno bằng ATV mà còn chật vật. Người Hy Lạp cổ có lẽ cũng tự coi mình là những vị thần, những sinh thể cao quý, sẽ làm chủ thế giới khi ngự trên những đỉnh cao nhất.
Ngày nay, nếu muốn tồn tại trên chính đỉnh núi này, có lẽ người hiện đại cũng phải xây nhà bằng đá, cũng bởi chỉ có đá mới chịu được sức gió khủng khiếp ở nơi này.
Di Li