Crater of Diamonds từng là miệng núi lửa. Đến nay, nó được biết tới như một mỏ kim cương tự nhiên. Nơi đây thu hút cả người dân địa phương và khách du lịch bởi họ được vào cửa tự do, thoải mái đào xới tìm kiếm. Một số người thậm chí còn sử dụng lưới lọc đặc biệt để lọc rửa, tách kim cương.
Mỏ kim cương đầu tiên trên thế giới mở cửa cho khách khai thác thoải mái
Hơn một trăm năm qua kể từ ngày phát hiện, mỏ kim cương Crater of Diamonds mang lại hàng ngàn viên kim cương và đá quý. Trong đó, du khách tìm thấy hơn 600 viên kim cương mỗi năm đủ mọi màu sắc. Hơn 31.000 viên được tìm thấy ở khu vực miệng núi lửa. Crater of Diamonds đã trở thành công viên của tiểu bang kể từ năm 1972.
Những viên kim cương ở khu mỏ này được hình thành khoảng 3 tỷ năm trước, cách lớp vỏ trái đất khoảng 60-100 dặm. Khoảng 100 triệu năm trước, khi phun trào, dung nham đưa chúng lên bề mặt. Kim cương được tìm thấy cùng các loại đá quý khác như thạch anh tím, mã não và ngọc thạch.
Năm 1906, John Huddlestone là người đầu tiên phát hiện thấy viên kim cương tại địa điểm này. Sau khi “viên đá quý” được xác nhận đích thực là kim cương, “cơn sốt” tìm kiếm trở nên cao điểm. John Huddlestone không quan tâm đến việc khai thác kim cương, do vậy, ông đã bán đất cho nhóm đầu tư với giá 36.000 USD.
Sàng lọc kiếm tìm kim cương
Sau nhiều nỗ lực khai thác không thành công, khu mỏ được mở công khai vào những năm 1950 và đổi tên thành “Crater of Diamonds”. Chính quyền bang Arkansas đã mua lại mảnh đất vào năm 1972 và biến nó thành công viên.
Ngoài kim cương, du khách may mắn còn thấy cả các loại đá quý.
Hầu hết những viên kim cương được tìm thấy ở đây đều có kích thước rất nhỏ. Nhưng đôi khi du khách vẫn tìm thấy một vài viên từ 3-5 carat với giá trị hàng ngàn USD. Vào cuối tháng 4 năm nay, một phụ nữ Mỹ khi đi dạo trong công viên cũng vô tình bắt gặp một viên kim cương cỡ 3.68 carat. Đó là viên màu trắng, hình giọt nước. Bà đặt tên nó là Hallelujah và quyết định giữ lại không bán.
Crater of Diamonds
Huy Hoàng
Theo AP