Đến năm 2030 tăng tỉ lệ chi trả thuốc cổ truyền trong KCB từ quỹ bảo hiểm y tế lên 30%

29-10-2023 14:33 | Y học cổ truyền

SKĐS - Việc kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại thực hiện hài hòa, hợp lý theo bệnh, giai đoạn bệnh. Người chỉ định bao gồm bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bác sỹ chuyên khoa…

Đối với các vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những nơi chưa có bác sĩ thì người chỉ định là y sĩ y học cổ truyền, y sĩ đa khoa...

Thông tin trên được ThS.BS Đoàn Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Quản lý Y học cổ truyền Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền – Bộ Y tế đưa ra tại Hội thảo chuyên đề ‘Kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng’, do Hội Đông y Hà Nội tổ chức mới đây, trong khuôn khổ sự kiện: Ngày hội Đông y năm 2023 - Vì sức khỏe cộng đồng, nhằm hướng đến kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Hội Đông y Hà Nội (7/11).

photo-1698550476852

ThS.BS Đoàn Thị Tuyết Mai, Trưởng phòng Quản lý Y học cổ truyền Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền – Bộ Y tế.

Theo đó, các phương pháp y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại được thực hiện trong: Khám bệnh (Tứ chẩn: Vọng, văn, vấn, thiết) và chữa bệnh gồm các phương pháp không dùng thuốc (ngâm, đặt, xông hơi thuốc; khí dung, bó thuốc, chườm thuốc, thuốc dùng ngoài da, thuốc dùng đường uống, thuốc dùng đường tiêm và truyền tĩnh mạch). Các phương pháp không dùng thuốc (xoa bóp, bấm huyệt, dưỡng sinh, khí công; các phương pháp châm, cứu, giác hút, cấy chỉ, chích lể…).

Ở nước ta đã có rất nhiều chính sách của Đảng và Nhà nước, nhằm đẩy mạnh kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại như: Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư trung ương về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y trong tình hình mới; Luật Dược số 105/2016/QH14; Chương trình phát triển Y dược cổ truyền, kết hợp YHCT với YHHĐ đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 1893/QĐ-TTg năm 2019); Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 và Luật Bảo hiểm y tế…

Mục tiêu phát triển toàn diện y dược cổ truyền đến năm 2030:

- Tăng tỉ lệ chi trả thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ quỹ bảo hiểm y tế trong tổng số chi phí cho thuốc: Đến năm 2025 tối thiểu là 20% và đến năm 2030 là 30%; trong đó chi phí sử dụng dược liệu sẵn có tại địa phương trong chữa bệnh tối thiểu là 5% trong tổng số chi phí thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

- Tăng số lượng đề tài nghiên cứu khoa học về y dược cổ truyền được ứng dụng trong thực tiễn; chú trọng nghiên cứu chứng minh khoa học tác dụng chữa bệnh của y dược cổ truyền và các phương pháp chữa bệnh y dược cổ truyền có giá trị.

- Tăng tỉ lệ dược liệu nuôi trồng trong nước, khuyến khích dược liệu nuôi trồng đạt thực hành tốt nuôi trồng, thu hái dược liệu theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (GACP - WHO); giảm dần tỉ lệ nhập khẩu dược liệu, thuốc cổ truyền.

- Phát triển y dược cổ truyền khối tư nhân, tăng cường vai trò của các hội, hiệp hội nghề nghiệp trong lĩnh vực y dược cổ truyền…

Tại hội thảo, 16 báo cáo khoa học của các chuyên gia tập trung vào những vấn đề từ chủ trương, chính sách, đến các hoạt động khám chữa bệnh hàng ngày của các thày thuốc đông y; những khó khăn và các giải pháp kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng…

photo-1698550478014

TTND. Nguyễn Văn Dung - Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội.

TTND. Nguyễn Văn Dung - Chủ tịch Hội Đông y Hà Nội cho biết, Hội đã phát triển phủ kín 100% các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP với 19 Chi hội trực thuộc. Hội đã vận động hội viên cống hiến được 10.225 bài thuốc chữa 21 loại bệnh khác nhau; nghiên cứu thành công hàng chục đề tài khoa học cấp cơ sở, điển hình là đề tài: Điều trị chứng viêm loét dạ dày bằng thuốc YHCT; Điều kinh ngừa thai bằng thuốc YHCT; Điều tra cây thuốc và bài thuốc dân tộc tại tỉnh Hà Tây; Ứng dụng bài thuốc Sâm, Linh, Bạch truật tán điều trị trẻ em bị tiêu chảy kéo dài; Nghiên cứu bài thuốc Lục vị tiêu dao đan chi điều trị hội chứng tiền mãn kinh…. Hiện, Hội đang hoàn thiện hồ sơ kết quả nghiên cứu của 06 đề tài NCKH về Diện chẩn trình Bộ Y tế để ứng dụng trong điều trị.

Nằm trong khuôn khổ ngày hội, nhiều hoạt động diễn ra: Lễ kỷ niệm 63 năm ngày thành lập Hội Đông y Hà Nội; phát động phong trào "Vì sức khỏe cộng đồng", khám, tư vấn và tặng quà cho hơn 1.000 người cao tuổi trên địa bàn TP; ra mắt giao diện mới trang thông tin điện tử chuyên ngành của Hội Đông y TP tại địa chỉ http://hoidongyhanoi.vn; Giao ban Cụm Đông y số 3 của Hội Đông y Việt Nam...

Đẩy mạnh kết hợp Đông Tây y trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng - Ảnh 4.

Hoạt động khám chữa bệnh và phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi tại sự kiện...

Mời độc giả xem thêm video:

Suy giảm trí nhớ ở người cao tuổi cần lưu ý gì?


Hà Phương
Ý kiến của bạn