Theo thống kê, hiện nay, Việt Nam có khoảng 7 triệu người khuyết tật, chiếm hơn 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng chiếm khoảng 28,9%, khoảng 10% người khuyết tật thuộc hộ nghèo.
Tỷ lệ người bệnh, người khuyết tật được tiếp cận với dịch vụ phục hồi chức năng chỉ đạt khoảng 40% trong khi nhu cầu về phục hồi chức năng sẽ tiếp tục gia tăng.
Theo PGS.TS Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng, hiện các cơ sở khám, chữa bệnh mới chỉ đáp ứng từ 15-20% nhu cầu phục hồi chức năng của người bệnh, 80% còn lại phải dựa vào cộng đồng, nhưng hiện nay hoạt động này chưa được quan tâm và phát triển để đáp ứng nhu cầu.
Cũng theo PGS.TS Trần Trọng Hải trong thời gian tới, Hội Phục hồi chức năng đặt ra mục tiêu ngoài phát triển các kỹ thuật cao chuyên sâu về phục hồi chức năng, cần phải phát triển, đào tạo phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã để hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân tập cho người thân của mình, như bố mẹ hoặc con cái tập cho cha mẹ, để giải quyết 70-80% nhu cầu còn lại.
"Mục đích cuối cùng là người khuyết tật được hòa nhập, trẻ em khuyết tật được học hành, vui chơi, người lớn khuyết tật được sinh hoạt thuận tiện trong gia đình, xã hội và có việc làm"- PGS.TS Trần Trọng Hải nhấn mạnh.
Vai trò của người khuyết tật, gia đình họ và cộng đồng trong phục hồi chức năng
Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), nguyên tắc của phục hồi chức năng là đánh giá cao vai trò của người khuyết tật, gia đình họ và cộng đồng.
Trong số các phương pháp phục hồi chức năng thì phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đang là phương pháp được thực hiện phổ biến tại các cơ sở y tế. Đây là phương pháp cán bộ y tế cơ sở, gia đình người tàn tật được chuyển giao kỹ thuật phục hồi chức năng. Người tàn tật được phát hiện và phục hồi chức năng tại cộng đồng theo kỹ thuật thích nghi.
Hình thức này có tính xã hội hóa cao, người tàn tật, gia đình người tàn tật, chính quyền, các tổ chức đoàn thể đều có tham gia.
Ưu điểm của phương pháp này là kinh phí không quá cao, chất lượng phục hồi chức năng cao vì đáp ứng nhu cầu hội nhập xã hội của người tàn tật. Với những ưu điểm ấy, phương pháp phục hồi chức năng cho người khuyết tật dựa vào cộng đồng có ý nghĩa khoa học, kinh tế và nhân văn. Tuy nhiên, đối với những trường hợp khó, cần kỹ thuật cao thì phương pháp này vẫn bị hạn chế.
Theo Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng là một thành tố của chiến lược chăm sóc sức khỏe ban đầu. Số lượng người khuyết tật được phục hồi nhiều nhất khi có đến 85% người tàn tật được phục hồi chức năng tại cộng đồng.
Ngoài phương pháp này, phục hồi chức năng cho người khuyết tật còn có hình thức phục hồi chức năng tại viện, các cơ sở y tế và phục hồi chức năng ngoài viện.
Phương pháp phục hồi chức năng tại viện có ưu điểm là người khuyết tật có thể tiếp cận được trang thiết bị kỹ thuật hiện đại, có cán bộ đào tạo chuyên sâu nhưng nhược điểm là chi phí cao và không đạt được mục tiêu hòa nhập xã hội.
Phương pháp phục hồi chức năng cho người khuyết tật ngoài viện có ưu điểm là người tàn tật không phải đi xa, giá thành thấp nhưng không đủ cán bộ chuyên khoa để đáp ứng nhu cầu.
Được biết, mới đây, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 569/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển hệ thống phục hồi chức năng giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu chung của Chương trình là bảo đảm người khuyết tật và người có nhu cầu được tiếp cận dịch vụ phục hồi chức năng có chất lượng, toàn diện, liên tục và công bằng, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội.
Chương trình phấn đấu đến năm 2030, tăng cường phòng ngừa khuyết tật trước sinh và sơ sinh, phát hiện và can thiệp sớm khuyết tật, giảm tỷ lệ khuyết tật trong cộng đồng, đảm bảo trên 90% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật; 90% các tỉnh, thành phố triển khai mô hình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.
Chương trình đặt mục tiêu duy trì, củng cố, kiện toàn và phát triển hệ thống mạng lưới cơ sở phục hồi chức năng, đảm bảo trên 90% cơ sở phục hồi chức năng (gồm: bệnh viện phục hồi chức năng; trung tâm phục hồi chức năng, khoa phục hồi chức năng thuộc các cơ sở y tế) được duy trì, củng cố, kiện toàn và đầu tư phát triển...
Để đạt được các mục tiêu đặt ra, Chương trình đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật và tăng cường phối hợp liên ngành; thực hiện chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng; duy trì, củng cố, nâng cấp, phát triển hệ thống phục hồi chức năng và phát triển chuyên môn kỹ thuật phục hồi chức năng; đảm bảo nguồn nhân lực; hoàn thiện hệ thống thông tin quản lý sức khỏe người khuyết tật kết nối với hệ thống thông tin quản lý sức khỏe cá nhân; ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và cung ứng dụng cụ phục hồi chức năng; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; tăng cường truyền thông và vận động xã hội…
Chương trình triển khai nghiên cứu xây dựng chính sách chi trả bảo hiểm y tế đối với người khuyết tật sử dụng dụng cụ phục hồi chức năng, công nghệ trợ giúp, thiết bị, vật liệu phục hồi chức năng, trang thiết bị y tế đặc thù cá nhân và hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng.