Đó là một trong những nội dung của Quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký mới đây.
Theo đó, về mục tiêu, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ được theo hướng mở, linh hoạt, tạo cơ hội cho mọi người dân tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ giáo dục nghề nghiệp theo nhu cầu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập. Bên cạnh đó sẽ có phân tầng chất lượng, bảo đảm quy mô, cơ cấu, chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và hội nhập quốc tế.
Cụ thể, đến năm 2025 mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề của nước đang phát triển. Giảm ít nhất 20% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó: giảm khoảng 40% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 45%. Hoàn thành sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn cấp huyện.
Đến năm 2030, giảm ít nhất 30% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập so với năm 2020, trong đó: giảm khoảng 50% trường trung cấp công lập; nâng tỷ lệ cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lên khoảng 50%.
Về cơ cấu mạng lưới, đến năm 2025, mục tiêu là có 1.800 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 400 trường CĐ, 400 trường trung cấp, 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 3 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 6 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Đến năm 2030, mục tiêu là có 1.700 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bao gồm 380 trường cao đẳng, 390 trường trung cấp, 930 trung tâm giáo dục nghề nghiệp; trong đó, có 6 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, 12 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Về quy mô tuyển sinh và đào tạo, đến năm 2025 mục tiêu đạt từ 2,5 đến 2,7 triệu lượt người/năm, trong đó: trình độ CĐ, trung cấp chiếm khoảng 25%; đến năm 2030, đạt từ 3,8 triệu đến 4 triệu lượt người/năm, trong đó: trình độ CĐ, trung cấp chiếm khoảng 25-30%...
Về phân bổ mạng lưới theo vùng đến năm 2030, vùng trung du và miền núi Bắc bộ chiếm khoảng 14% cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước. Trong đó, có 1-2 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.
Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp của vùng đồng bằng sông Hồng chiếm khoảng 26%, Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ chiếm khoảng 26%, vùng Tây Nguyên 6%, Đông Nam bộ chiếm khoảng 17% và đồng bằng sông Cửu Long chiếm khoảng 11%.