Hà Nội

Đến mùng 2 Tết Canh Tý, ghi nhận 236 trường hợp bị ngộ độc rượu, bia

27-01-2020 07:41 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Mặc dù khuyến cáo về việc sử dụng rượu bia an toàn, đặc biệt trong dịp Tết đã được Bộ Y tế đưa ra nhưng nhiều người dường như vẫn coi thường sức khoẻ của mình khi ghi nhận tại các cơ sở y tế cho thấy có 236 trường hợp bị ngộ độc rượu bia tính đến sáng ngày mùng 2 Tết Canh Tý

 

Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh về công tác y tế từ ngày 29 tháng Chạp đến 7h sáng ngày mùng 2 Tết Canh Tý cho biết, tổng số bệnh nhân còn lại tại các cơ sở khám chữa bệnh từ ngày 29 tháng Chạp đến sáng mùng 2 Tết là 95.334 trường hợp.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu cho 107.063  trường hợp, trong đó có 63.428 ca nhập viện điều trị nội trú. Tổng số ca phẫu thuật tính đến sáng ngày mùng 2 Tết là 6.650 ca, trong đó số ca phẫu thuật chấn thương sọ não là 136 ca.

Các cơ sở khám chữa bệnh đã đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 8.403 trẻ chào đời. Vận chuyển 3.020 lượt bệnh nhân bằng xe cứu thương của bệnh viện.

 

Ghi nhận trong ngày Mùng 1 đến Mùng 2 Tết đã có 56 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, ít hơn 8 ca so với cùng ngày Tết Kỷ Hợi, trong ngày không có tử vong do pháo nổ. Mặc dù cơ quan chức năng của các địa phương đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ, xử lý, khởi tố nhiều vụ án, đối tượng tàng trữ, vận chuyển mua bán pháo trái phép; Các bác sĩ của nhiều bệnh viện đều khuyến cáo người dân tuyệt đối không sử dụng pháo trong những ngày Tết do nguy cơ chấn thương cao đặc biệt ở vùng đầu mặt cổ, nhưng tình trạng đốt pháo trái phép vẫn diễn ra và gây nên nhiều tai nạn nghiêm trọng.

Điển hình như rạng sáng ngày 25/1/2020, Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Văn B. ở huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế, được đưa vào cấp cứu do các mảnh pháo tự chế bắn vào người. Bệnh nhân được chụp X quang cổ thẳng, nghiêng và C.T Scan thanh - khí quản. Kết quả cho thấy 2 mảnh dị vật, một xuyên từ vùng cổ trái vào đến thanh quản, ngay phía trên 2 dây thanh âm, mảnh dị vật còn lại nằm ở vùng thái dương trái.

Tính đến 7 giờ sáng ngày Mùng 2 Tết, đã có 262 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ các loại, ít hơn 8 ca so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi, không có ca tử vong. Có 69 trường hợp cấp cứu do chất nổ khác, trong đó không có trường hợp nào tử vong.

 

Tính đến 7 giờ sáng ngày Mùng 2 Tết, sau 3 ngày nghỉ Tết đã có 14.432 ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, giảm -14,5% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi. Số ca khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông chiếm 13,5% trong tổng số khám, cấp cứu chung.

Trong đó 5.572 trường hợp phải nhập viện điều trị chiếm 38,6% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, tăng nhẹ 1,9% so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi. Đã có 64 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, nhiều hơn 3 ca so với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi.

Cũng theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, tính đến 7 giờ sáng Mùng 2 Tết đã có 1.660 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 2% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, trong số đó 1.213 ca phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 5 trường hợp tử vong.

Tính đến sáng ngày mùng 2 Tết, đã có tổng cộng 9.714 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, chiếm 8,6% trong tổng số khám, cấp cứu bệnh viện, trong đó 21 trường hợp tử vong.

Tình trạng ngộ độc rượu bia ngày Tết vẫn đang diễn ra

Tổng số trong 3 ngày Tết đã có 910 ca khám, cấp cứu do ngộ độc thức ăn, rối loạn tiêu hoá, chiếm 1,1% trong tổng số khám, cấp cứu. Trong đó 236 ca ngộ độc rượu, bia; 221 ca ngộ độc thức ăn tự chế biến, không có trường hợp nào tử vong do ngộ độc thuốc trừ sâu (tự tử).

“So sánh 3 ngày nghỉ Tết cho thấy, tính đến 7 giờ sáng ngày Mùng 2 Tết Canh Tý 2020 với cùng kỳ Tết Kỷ Hợi, số ca khám cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông là 14.432 giảm 14,5%; số ca tử vong do tai nạn giao thông tăng 4,9%.

Số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 7,8%. Số ca khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ khác tăng 102,9%; số ca cấp cứu tai nạn đánh nhau giảm 23,1%; số ca tai nạn do đánh nhau phải nhập viện tăng 18%”- PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết

Báo cáo của Cục Quản lý Khám chữa bệnh khẳng định, trong những ngày Tết, tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh đều thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Y tế về tăng cường công tác khám, chữa bệnh trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, bảo đảm công tác thường trực cấp cứu.

 

Để bảo đảm sức khỏe trong dịp Tết cổ truyền Canh Tý 2020 và các ngày lễ hội đầu Xuân, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo như sau:

- Tuân thủ thực hiện tốt các quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia.

- Hãy hạn chế uống rượu, bia vì không có ngưỡng nào là an toàn. Nếu có uống: không nên uống quá hai đơn vị cồn/ngày với nam giới, một đơn vị cồn/ngày đối với nữ giới và không uống quá 5 ngày/tuần. (Một đơn vị cồn tương đương 10 gram cồn nguyên chất chứa trong dung dịch uống. Như vậy một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai/lon bia 330 ml (5%); một cốc bia hơi 330 ml; một ly rượu vang 100 ml (13,5%); hoặc một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

- Đặc biệt, không sử dụng rượu bia trong các trường hợp: điều khiển phương tiện cơ giới, vận hành máy móc, phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, đang điều trị thuốc có phản ứng với cồn, có các tình trạng bệnh lý mà rượu bia làm cho bệnh nặng lên.

- Không nên tham gia vào các hoạt động ngoài trời hoặc ở những nơi nguy hiểm, không an toàn vì dễ bị ngã, va chạm, chấn thương,… Tuyệt đối không điều khiển phương tiện giao thông sau khi uống rượu, bia.

- Chỉ uống rượu, bia rõ nguồn gốc, đảm bảo chất lượng.

 


Thái Bình
Ý kiến của bạn