Đến Mai Châu múa điệu xòe tình yêu

23-12-2016 07:41 | Xã hội
google news

SKĐS - Nghĩ tới thị trấn Mai Châu, tỉnh Hòa Bình ai cũng nhớ tới câu thơ bất hủ của nhà thơ Quang Dũng: “Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói.

Nghĩ tới thị trấn Mai Châu, tỉnh Hòa Bình ai cũng nhớ tới câu thơ bất hủ của nhà thơ Quang Dũng: “Nhớ ơi Tây Tiến cơm lên khói. Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”. Và khi đến con phố huyện này ngỡ như đã ngửi thấy hương thơm ấy. Ấm áp thân thương. Những ký ức của một thời của đoàn quân Thủ đô lên đây bỗng dội về trong tâm tưởng, khi chúng tôi đứng trước Nhà bia Kỷ niệm Tây Tiến, trên phố huyện...

Ký ức nơi “mùa em”

Thị trấn Mai Châu ở đúng cái rốn thung lũng nên thời tiết diễn ra khá dịu chứ không lạnh, cho dù ở độ cao hàng trăm mét so với nước biển. Có một nhà thơ đã viết về phố huyện trong một chiều thu, với những hình ảnh thi vị đáng yêu: “Tôi theo chân hụt hẫng bậc thang. Hương cứ ngát và hoa cứ thắm. Bỗng chợt nghiêng qua chớp chiều vạn dặm. Lang thang phố huyện. Là đôi mắt em. Trong cánh ô đỏ thắm. Níu chặt hồn tôi”. Chúng tôi đi chậm rãi trên con dốc phố. Những ngôi nhà lúp xúp ngày xưa trên đường quốc lộ số 15 không còn nữa. Giờ đã có tuyến xe buýt, đi từ thành phố Hòa Bình về đây, nên cứ vào cuối tuần các bạn trẻ hay về vui chơi. Và, chúng tôi cũng một thuở chiến binh bồi hồi trong nỗi nhớ, mỗi bước dạo, mỗi ký ức lại trở về, trên con đường mà đoàn quân Tây Tiến đã từng hành quân trong màn sương mờ...Những điệu múa xòe Thái.

Những điệu múa xòe Thái.

Theo như lời kể của cố thi sĩ Quang Dũng, thung lũng Mai Châu là điểm đầu nơi đoàn quân Tây Tiến tiến về phía Tây. Trung đoàn Tây Tiến (thành lập 2/1947) đã được nhân dân ở bản Tùng Đậu nuôi nấng bảo vệ. Nhiệm vụ của trung đoàn, vừa củng cố lực lượng, huấn luyện nâng cao khả năng chiến đấu, vừa giúp đỡ lực lượng vũ trang địa phương, sẵn sàng phối hợp cùng các đơn vị bạn và quân dân Hòa Bình đánh địch bảo vệ vùng Tây Bắc. Mai Châu là một địa bàn trọng yếu đối với miền Tây Bắc, một chốt chặn hữu hiệu để tiêu diệt giặc Pháp từ vùng cao đánh xuống, đồng thời cũng là bàn đạp tiến công, triển khai những chiến dịch khi thời cơ đến. Từ đây án ngữ đường số 6 huyết mạch cho các đoàn quân tiến lên Tây Bắc, cơ động sang Lào, xuôi về Thanh Hóa... Đặc biệt, con đường 15 chạy qua thị trấn Mai Châu lại hợp lực với đường thủy sông Đà, sông Mã, tạo nên thế vững vàng “Tiến có thể đánh. Lui có thể giữ”.

Ngay từ khi mới thành lập, Trung đoàn Tây Tiến, sau để giữ bí mật đổi thành Trung đoàn 52, đã phải ứng chiến với cuộc đánh chiếm Hòa Bình của quân đội Pháp. Chúng cũng muốn chiếm giữ hai con đường, số 6 và 15, để chia cắt hành lang chiến lược giữa Khu 4, Khu 3 với miền Tây Bắc và Việt Bắc. Trận chiến đầu tiên của trung đoàn, vào ngày 15/4/1947, đã đánh chặn và tiêu hao lực lượng địch ở ngay trung tâm thành phố và các vùng lân cận như Kỳ Sơn, Dốc Cun, Suối Rút, Chợ Bờ. Liên tiếp sau đó là cuộc phối hợp với du kích Mai Châu bao vây địch và cầm chân chúng ở Bãi Sang - Chiềng Sai để cho các lực lượng của quân đội ta triển khai thuận lợi ở những mặt trận khác. Mục đích của quân đội ta là củng cố vùng tự do Mai Châu là điểm chốt quan trọng nhất, làm bàn đạp phát triển sang Thượng Lào giúp đỡ cách mạng nước bạn. Vào thời gian này, nhà thơ Quang Dũng được cử làm Phó đoàn Tuyên truyền Lào - Việt. Bài thơ Tây Tiến ra đời, được thi sĩ Quang Dũng sáng tác khi về dự Đại hội toàn quân ở Liên khu 3, tại làng Phù Lưu Chanh (Hà Nam).

Bước tiến quan trọng khi quân đội ta mở chiến dịch Lê Lợi (Thu đông 1949) đánh tan lực lượng giặc Pháp chiếm lại con đường 6 và các đường quan trọng chuẩn bị đầy đủ lương thực thực phẩm cho bộ đội và các phân đội vũ trang quân khu X. Vào tháng 1/1950, Mai Châu được hoàn toàn giải phóng và trở thành căn cứ địa cách mạng ngày càng vững mạnh. Đồng thời chiến dịch Lê Lợi làm bàn đạp thắng lợi cho quân và dân ta triển khai mặt trận Tây Bắc (1950-1954) cho đến ngày chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu.

Trước mắt chúng tôi là những nấm mộ của các chiến sĩ đã hy sinh trên mặt trận và đó chính là những người con của Mai Châu. Họ đã chiến đấu bảo vệ huyết mạch của chiến dịch Điện Biên Phủ. Năm 1990, Nhà nước đã xây Nhà bia Tây Tiến tại Mai Châu như một sự tôn vinh thành kính, với một trung đoàn lừng danh làm khiếp vía quân thù. Và, bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng chính là bản tráng ca bất tử về đoàn quân anh dũng này.Khách đi chợ bản Lát

Khách đi chợ bản Lát.

Điệu xòe có tự bao giờ...?

Đó là câu mở đầu của bài hát xòe mà chúng tôi chợt nghe từ bản Lác vang lên rộn ràng. Người người tấp nập đi vào bản du lịch. Những cô gái Thái xinh xắn đi lại mời chào khách. Những áng mây bồng bềnh trôi từ trên núi xuống làm cánh đồng xã Chiềng Châu mờ ảo trong tiếng khèn và tiếng cồng mời gọi. Chúng tôi theo dòng người vào bản trong lời ca: “Điệu xòe có tự bao giờ. Mà vẫn mê say như tự thuở nào. Chân đi nhịp nhàng mà sao bối rối. Tay trong tay đêm nay. Chân bước đi rộn ràng. Em bâng khuâng trong điệu xòe. Để lại hơi ấm bàn tay...”. Đúng là tôi cứ ngỡ như đang cầm tay xòe cùng những cô gái Thái xinh tươi trong vòng tròn của bếp lửa. Chiều dần buông và khói lam chiều bay lên. Cánh đồng Mai Châu nghiêng nghiêng xanh trong hồn tôi.

Chợt bên vệ đường có nhóm thanh niên chen chúc. Họ len vào để nghe một ông già kể chuyện. Khi chúng tôi đến gần, mới hay đó là câu chuyện tình yêu từ tác phẩm dân gian của người Thái “Xống chụ xôn xao”. Một ông già gầy đen với đôi mắt hiền từ chậm rãi giải thích cho các bạn trẻ về những áng văn thần thoại của người Thái. Thật khó có thể nhớ được những lời thơ trong bản trường ca. Ông đọc thơ mà như hát vậy. Sau đó ông tóm tắt nội dung về sự thủy chung và sắt son một lòng giữa cô gái và chàng trai. Chàng bị chê nhà nghèo, không có tiền để cưới vợ. Chàng hẹn nàng rồi lên đường làm ăn kiếm tiền về để cưới nàng. Nhưng cay nghiệt thay, nàng phải nghe theo cha mẹ và bị ép đi lấy chồng nhà giàu. Nhưng tình nàng vẫn hướng về chàng. Một hôn nhân không tình yêu thật bất hạnh. Gia đình nhà chồng đuổi nàng về nhà. Nàng bị cha mẹ bán cho một gia đình cửa quan. Ở đây nàng còn khổ hơn. Họ lại đem nàng rao bán ở chợ với giá chỉ là một cuộn lá dong. Chàng bất ngờ xuất hiện tìm được nàng sau bao năm đi làm ăn dựng nghiệp. Chàng đưa nàng về ngôi nhà mới của mình. Hai người nên nghĩa vợ chồng. Chàng vẫn yêu nàng tha thiết như thuở nào. Nàng cũng vậy. Tình yêu và hạnh phúc hai người càng thắm thiết hơn. Tiếng thơ như tiếng lòng người da diết. Những bạn trẻ lắng nghe rồi nhìn nhau như tự hỏi tình yêu là gì. Giọng kể ông già trầm ấm thu hút lòng người.

Sau khi mọi người mua bán và chụp những bức ảnh kỷ niệm, họ gọi chúng tôi vào mâm cơm, với những thực đơn đặc sản của đồng bào Thái. Nhưng có lẽ với chúng tôi, món ngon nhất vẫn là xôi nếp nương, với thịt gà nướng. Chõ xôi bằng gỗ tỏa lan hương nếp gợi nhớ những kỷ niệm một thời chiến binh mà chúng tôi đã trải qua. Vì lẽ đó mà chúng tôi trở lại cái thung lũng trong sương bay này. Mai Châu vẫn thơm hương trong câu thơ lãng mạn của Quang Dũng. Cuộc chiến đấu kiên cường, giữa cái sống và cái chết, vậy mà hình ảnh Mai Châu vẫn chôn giấu trong lòng những người chiến binh cái hương thơm ấy. Bâng khuâng trong nỗi nhớ Mai Châu.Góc phố huyện Mai Châu.

Góc phố huyện Mai Châu.

Tay em nâng chén rượu mời

Thật là vui cuối cùng vò rượu cần được đưa ra. Cũng là lúc những chiếc khăn hồng của các cô gái xòe lại tung bay. Họ vây quanh múa ca. Họ mời rượu và dắt tay chúng tôi vào xòe. Lúng túng một lúc sau mấy người chiến binh chúng tôi cũng hòa nhịp được với những bước chân thanh thoát. Nét uyển chuyển nhịp nhàng của các cô gái làm chúng tôi bồng bềnh bên lửa bếp nhà sàn. Tay trong tay. Chúng tôi được truyền hơi ấm và tình người Mai Châu gửi lại. Đó là một thời các chiến sĩ và du kích Mai Châu đã từng kề vai sát cánh. Giờ đây giữa chúng tôi chỉ còn lại những điệu xòe cổ. Riêng điệu xòe mà chúng tôi đang nắm tay nhau vòng tròn gọi là điệu xòe “Khẳm Khen”. Một điệu xòe biểu hiện cho tình đoàn kết các dân tộc anh em trong cộng đồng người Việt.

Bản nhạc xòe có tiếng khèn bè da diết và trống rộn rã lòng người. Kèm theo đó là tiếng ống nứa gõ vào nhau tạo nên âm thanh dẫn nhịp làm những bước xòe vững vàng hơn. Những nụ cười trao nhau trong sự quyến luyến khó thể rời xa. Ông già kể chuyện vẫn ngồi bên bếp lửa. Giọng khắp của ông dạt dào cảm xúc phả hơi thở tình yêu và nhịp “man điệu” như ngày nào trong câu thơ Quang Dũng. Mai Châu đã phủ đầy sương. Một mùa thu tháng tám như ngày nào. Chúng tôi bỗng nhớ đến cũng một mùa sương buông. Thuở ấy. Cuộc hành quân của Trung đoàn Tây Tiến bắt đầu...


Bài và ảnh: Duy Anh
Ý kiến của bạn