Đến lúc phải siết chặt kê đơn và bán thuốc kê đơn

22-09-2017 11:49 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Đây là câu hỏi cho người bệnh, bác sĩ, dược sĩ và các nhà quản lý trước thực trạng sử dụng kháng sinh còn tràn lan như hiện nay.

Thuốc, đặc biệt là thuốc kháng sinh có vai trò quan trọng trong việc điều trị chữa bệnh. Tuy nhiên, thuốc cũng là “con dao hai lưỡi”, có những tác dụng phụ, nếu sử dụng không đúng cách hoặc tự ý sử dụng sẽ gây ra những hậu quả không chỉ kéo dài thời gian điều trị mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, thậm chí tử vong và còn làm tăng chi phí điều trị, đặc biệt là gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.

Trong y tế, đơn thuốc có ý nghĩa rất quan trọng cả về chuyên môn (chỉ định điều trị, hướng dẫn liều dùng, cách dùng, khoảng thời gian dùng thuốc sao cho hiệu quả điều trị cao nhất và đảm bảo an toàn cho người bệnh...), lẫn kinh tế (làm cơ sở để tính chi phí điều trị, BHYT) và pháp lý (căn cứ để giải quyết các khía cạnh pháp lý của hoạt động khám chữa bệnh và hành nghề dược, đặc biệt trong các trường hợp liên quan đến thuốc độc, thuốc gây nghiện và tai biến y khoa...). Một đơn thuốc hợp lý là yêu cầu bắt buộc đối với bác sĩ và bán thuốc kê đơn là yêu cầu bắt buộc đối với các dược sĩ. Đơn thuốc được ghi nội dung đúng theo mẫu quy định, các thuốc được kê hợp lý, ghi tên thuốc theo tên chung quốc tế (INN, generic), hàm lượng, cách dùng, liều dùng... sẽ giúp nâng cao chất lượng điều trị, giảm thiểu sự nhầm lẫn, sai sót trong cung ứng, sử dụng, tiết kiệm thời gian, giảm tai biến sử dụng thuốc, an toàn và giảm chi phí điều trị cho người bệnh.

Nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật. Ảnh: TM

Nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật. Ảnh: TM

Hiện nay, kháng thuốc kháng sinh đang trở lên trầm trọng trên toàn thế giới, đáng báo động do hầu hết vi khuẩn đã kháng với kháng sinh, nhiều vi khuẩn kháng nhiều loại kháng sinh, một số vi khuẩn kháng với tất cả kháng sinh. Hậu quả, hàng năm có hàng trăm triệu người chết do kháng thuốc, các nước phải chi phí hàng trăm tỷ đô-la do kháng thuốc. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến kháng thuốc như việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt để điều trị, phòng chống dịch bệnh trên động vật, cũng như cho mục đích tăng trưởng sản xuất làm cho các vi sinh vật thích nghi với thuốc, tạo điều kiện cho nhiều loại vi khuẩn trở thành kháng thuốc. Nhưng cần chú ý một số nguyên nhân khi sử dụng kháng sinh trên người như:  bác sĩ kê đơn không phù hợp, không nhiễm khuẩn vẫn chỉ định dùng kháng sinh; kê đơn kháng sinh không đúng với bệnh, kê quá liều hoặc dưới liều, kê kháng sinh thế hệ mới, đắt tiền ngay khi trẻ em lần đầu dùng kháng sinh,...; Dược sĩ bán thuốc khi không có đơn của bác sĩ, thậm chí còn tùy tiện chỉ định kháng sinh cho người bệnh; Người bệnh, người dân tự ý dùng kháng sinh khi không có hướng dẫn hoặc không tuân thủ hướng dẫn của thầy thuốc... Một cuộc khảo sát bệnh nhân ở 11 quốc gia trên toàn thế giới cho thấy, 22,3% số bệnh nhân được dùng thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng cấp tính tại cộng đồng thừa nhận không tuân thủ đầy đủ liệu trình. Nhiều bệnh nhân dùng liều thấp hơn hoặc chỉ dùng trong thời gian ngắn 3 ngày thay vì 5 ngày.

Bên cạnh đó, mặc dù ngành y tế đã có nhiều văn bản quy định về kê đơn và bán thuốc kê đơn được phổ biến và quán triệt, thậm chí hành vi bán lẻ thuốc kháng sinh mà không có đơn thuốc còn là hành vi bị nghiêm cấm, nhưng việc chấp hành và thực hiện của các cơ sở bán lẻ thuốc chưa nghiêm. Công tác thanh kiểm tra còn nhiều hạn chế do số lượng cơ sở khám chữa bệnh và nhà thuốc quá lớn trên địa bàn trong khi nhân lực của cơ quan quản lý còn hạn chế; chế tài xử phạt vi phạm chưa đủ sức răn đe, theo quy định đối với hành vi bán lẻ các loại thuốc phải kê đơn mà không có đơn thuốc bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng; đối với hành vi kê đơn thuốc không ghi đầy đủ, rõ ràng, không chính xác trong đơn bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Tựu trung lại, do nhận thức về kháng sinh và kháng kháng sinh của người dân kể cả đội ngũ cán bộ y dược còn chưa đúng, chưa đầy đủ và còn yếu tố lợi ích chi phối; Công tác quản lý kiểm tra giám sát còn hạn chế bất cập... dẫn đến việc quản lý, sử dụng kháng sinh không đạt được mục tiêu và mong muốn đặt ra, làm trầm trọng hơn tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn gây bệnh.

Xuất phát từ tình hình thực tế như nêu trên, Bộ Y tế đã xây dựng Đề án “Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020” (Quyết định số 4041/QĐ-BYT ngày 7/9/2017) với mục tiêu nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, nâng cao trách nhiệm của cán bộ y tế đặc biệt là người kê đơn thuốc và bán lẻ thuốc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn trọng tâm là kháng sinh, đồng thời tăng cường công tác thanh kiểm tra, xử lý nghiêm khắc đối với các vi phạm qua đó góp phần giảm lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý và tình trạng kháng kháng sinh.

Khi đã có đầy đủ các quy định và Đề án tăng cường kiểm soát việc kê đơn và bán thuốc theo đơn được triển khai nghiêm túc và mạnh mẽ, thì việc sử dụng thuốc sẽ đảm bảo an toàn, hợp lý và hiệu quả, vấn đề kháng thuốc kháng sinh sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi góp phần nâng cao chất lượng điều trị, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội.


PGS.TS. Lương Ngọc Khuê (Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh - Bộ Y tế)
Ý kiến của bạn