Đến hội Lim, thấy thương quan họ

19-02-2011 07:22 | Văn hóa – Giải trí
google news

Hội Lim, tất nhiên vẫn có những yếu tố nghi lễ nhưng bản chất là để thỏa mãn nhu cầu ca hát của liền anh liền chị quan họ trong vùng. Và chính những câu hát quan họ mới làm cho hội trở thành một trong những lễ hội nổi tiếng nhất nước.

Hội Lim năm nay vui hơn vì đây là hội đầu tiên sau khi quan họ trở thành Di sản thế giới. Đến hội lần này, nhiều người khát khao được nghe những câu quan họ hơn và được thấy những nỗ lực nhiều hơn trong việc phát huy thế mạnh quan họ. Nhưng những gì đã diễn ra ở hội Lim 2011 khiến người yêu quan họ lo lắng.

Từ Về quê đến… Lambada!

Tôi đến hội Lim chiều tối 12 tháng Giêng, đây là cách đi chơi hội của nhiều người Kinh Bắc, nhất là giới trẻ. Thoạt trông thì thấy quan họ năm nay được chú trọng và mở rộng hơn. Bên cạnh sân khấu lớn ở ngay cổng chính vào dành cho đoàn quan họ tỉnh thì trên triền đồi năm nay vẫn có 5 lán quan họ dựng bằng lều bạt gồm các làng: Hiên Vân, Phú Lâm, Thôn Lương (xã Tri Phương), CLB Quan họ Trung tâm văn hóa Tiên Du và CLB Quan họ TTVH tỉnh Bắc Ninh; cộng thêm 1 lán bán băng đĩa quan họ của Công ty chiếu bóng Bắc Ninh. Đặc biệt, năm nay có thêm 2 lán có mái che hình lục giác (gọi là lán quan họ) được xây kiên cố ngay hai bên cổng chùa Lim, vị trí cao nhất và trang trọng nhất so với các lán dựng tạm. Một lán được bố trí cho CLB Người cao tuổi huyện Tiên Du, lán còn lại dành cho quan họ hai làng Hoài Thị và làng Diềm. Nếu chỉ đọc những thông tin này thì ai cũng thấy mừng cho quan họ và cảm xúc mừng vui ấy vẫn vẹn nguyên nếu đi thưởng ngoạn hội Lim nhưng… bịt kín lỗ tai. Song, đó là điều không thể, đến hội Lim ai lại làm cái cách ấy? Mở lỗ tai ra thì thấy thật đáng thương cho quan họ!

Tất cả các lều lán đều vẫn là quan họ có nhạc đệm. Như vậy có nghĩa không có quan họ đúng chất cổ ở chính hội. Tuy nhiên, điều mọi người băn khoăn là ở tất cả các lều lán không chỉ có riêng quan họ, rất nhiều thời gian dành cho những thứ âm nhạc khác. Nhiều và loạn tới độ đáng ngại. Hơn 8h tối, tôi bắt đầu lên đồi Lim, thưởng thức vài tiết mục khá đặc sắc của đoàn quan họ rồi tiếp tục rảo bước lên đồi. Thật buồn, chỉ trong chừng hơn 1 giờ đồng hồ nhưng tới hơn nửa số lán khi chúng tôi tới đang hát những loại nhạc… “phi” quan họ. Ở lán Thôn Lương có hai anh chị cỡ gần 30 tuổi say sưa hát ca khúc Về quê (của Phó Đức Phương), ở lán Hiên Vân cũng có hai bạn trẻ đang song ca một ca khúc mới. Ngay cả hai lán quan họ mới xây kiên cố cũng không tìm được quan họ cổ như nhiều người đến hội vẫn mong. Tới lán dành cho Người cao tuổi thì các cụ nghỉ. Bên lán của hai làng Hoài Thị - làng Diềm đang phần giao lưu khán giả khá thú vị, một liền chị trẻ trung đứng ra hát cùng với nữ khách trẻ một làn điệu quan họ quen thuộc, sau đó là đến một vị khách nam góp vui. Thế nhưng sau khi lên lễ chùa trở xuống thì thật ngạc nhiên, hai liền chị lán Hoài Thị - làng Diềm tay cầm mảnh khăn voan đỏ hồng nhảy tưng bừng như đang lên đồng theo lời bài hát văn Cô đôi Thượng ngàn do một anh mặc trang phục bình thường hát. Hết bài văn, anh này hát thêm một bài quan họ, nghe cách anh giới thiệu để vào bài thì biết anh phải là người có học và hay hát quan họ. Xuống tới chân đồi gặp lán Phú Lâm rất đông người xem. Thật ngạc nhiên, ở lán này đang phát ra những ca từ của bài Lambada của xứ sở Brazil tận Nam Mỹ xa xôi nhưng lại được hát trên nền tiết tấu của âm nhạc hát văn do đàn óc-gan đệm. Tò mò lại gần xem trò gì còn diễn ra tiếp, ngó vào thì thấy mấy anh thanh niên đang nhảy tơi bời và ngạc nhiên hơn, hóa ra cái giai điệu Lambada đó chỉ là “sự… phiêu”, còn đấy là một tiết mục hát văn.

Những chiếu quan họ cổ thuần chất ở hội Lim giờ đây rất hiếm hoi.

Phải là hội của quan họ!

Tất nhiên, nếu biết cách thì vẫn có thể nghe được quan họ cổ ở nhiều địa bàn quanh vùng Lim, có thể thưởng thức canh hát của các cụ ngay tại đình Lim hay nhà một vài nghệ nhân Lũng Giang, Duệ Đông... Song, tâm điểm thu hút mọi người tới hội vẫn là khu vực đồi Lim. Tôi có cảm giác Ban tổ chức hội Lim chưa có biện pháp rốt ráo để tôn vinh quan họ. Du khách đến hội từ khắp mọi nơi nên sẽ rất khó tránh những tình cảm được thể hiện qua những câu hát của họ dành cho người quan họ, cũng vì thế đôi khi sẽ có những âm nhạc ngoài quan họ. Song hội Lim rất nên hạn chế ca khúc mới và không nên có hát văn ở các lán. Nếu có thể được, tốt nhất nên 100% quan họ. Tại sao lại thế? Thưa, hội Lim là một lễ hội đặc biệt và có sự khác biệt so với các lễ hội ở khắp miền Bắc. Bởi lẽ nếu như đến các hội làng, đình, đền…, chúng ta sẽ thích câu hát văn vẳng bên tai. Và điều đó là hoàn toàn hợp lý bởi những câu hát văn được cất lên để tôn vinh những bậc hiền nhân yêu nước thương dân được người đời tôn làm thánh. Hội Lim, tất nhiên vẫn có những yếu tố nghi lễ nhưng bản chất là để thỏa mãn nhu cầu ca hát của liền anh liền chị quan họ trong vùng. Và chính những câu hát quan họ mới làm cho hội trở thành một trong những lễ hội nổi tiếng nhất nước. Nói cách khác, tâm điểm của các lễ hội thông thường là phần lễ với các nghi thức tôn vinh các vị thánh, thành hoàng làng gắn với âm nhạc hát văn còn với hội Lim thì tâm điểm lại là phần hội với “đặc sản” văn hóa quan họ. Cho nên nếu không tôn vinh quan họ, để quá nhiều hát văn vang lên thì hội Lim cũng sẽ giống như bất cứ hội nào của người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ, có hát văn, quan họ, dân ca… Còn nếu để quá nhiều ca khúc mới, kể cả ca khúc viết về Bắc Ninh thì chất truyền thống sẽ mất đi theo tỷ lệ số lượng ca khúc được hát.

Khắc phục vấn đề này không khó khăn, song phải có quyết tâm và đồng bộ từ các cấp của địa phương. Quyết tâm đó phải được thể hiện bằng văn bản, ban chỉ đạo lễ hội sẽ phải làm việc trực tiếp với các đơn vị có lán trại tham gia, để họ tự kiềm chế phần biểu diễn của mình và khéo léo từ chối đối với du khách giao lưu nhưng không hát bài quan họ. Mặt khác, có thể treo những quy định tại những nơi dễ đọc nhất để mọi người cùng biết. Duy trì những điều này trong vài năm thì sẽ thành nếp. Đồng thời, nếu có thể, cũng nên nhân rộng ra trên khắp cả 49 làng quan họ cổ trong toàn vùng.  

  Long Nguyễn


Ý kiến của bạn