Đến Gành Yến, lặn biển ngắm san hô

06-09-2017 11:58 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Địa danh này được biết đến như một vùng lặn biển mới, còn nguyên vẻ hoang sơ

Cách trung tâm TP Quảng Ngãi về hướng bắc khoảng 35 km, thắng cảnh Gành Yến nằm bên làng chài thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Ấn tượng đầu tiên của du khách lần đầu tiên tới nơi đây là eo biển vầng trăng khuyết tuyệt đẹp. Không nhiều du khách biết đến thắng cảnh này dù chỉ cách quốc lộ 1 chừng 20km.

San hô tím tuyệt đẹp dưới lòng biển Gành Yến (Ảnh: Nguyễn Mỹ Trà)

Gành Yến, cũng như Lý Sơn được hình thành từ sự phun trào của núi lửa. Trải qua hàng triệu năm kiến tạo địa chất, những bãi đá trầm tích núi lửa xếp chồng đều nhau, mang một vẻ đẹp hoang sơ kỳ thú.

Theo người dân Bình Hải, Gành Yến lúc nào cũng có gió tạo thành tiếng hú. Không rõ có phải vì thế mà chim yến đến đây làm tổ rất nhiều. Mùa xuân, chúng kéo về bay rợp cả một góc trời.

Gành Yến vẫn giữ được vẻ đẹp hoang sơ. Tuyệt vời hơn nữa, ẩn dưới mặt nước trong leo lẻo là cả một  vương quốc san hô nhiều màu sắc làm mê đắm lòng người. San hô nở hoa dày đặc ở vùng biển ven bờ Gành Yến. Không cần lặn, chỉ cần đeo kính và hụp đầu xuống nước là đã thấy san hô nối nhau và những chú cá nhỏ óng ánh sắc màu tung tăng bơi lội. Dù không biết bơi, chúng tôi cũng thỏa chí chụp hình và quay các clip san hô tuyệt đẹp.

San hô dưới lòng biển Gành Yến (Ảnh Nguyễn Mỹ Trà)

Đứng từ Gành Yến có thể nhìn thấy rõ đảo Lý Sơn. Giáo sư Nakada (Nhật Bản), Phó chủ tịch Mạng lưới công viên địa chất toàn cầu, nhận xét các tiêu chí về di sản địa chất cũng như tài nguyên thiên nhiên ở đảo Lý Sơn, Bình Châu và Gành Yến đã hội đủ điều kiện đa dạng về loại hình, đặc biệt hiếm có. Trầm tích núi lửa tạo nên nhiều cảnh quan kỳ thú độc nhất vô nhị. Quảng Ngãi đang đứng trước cơ hội phát triển loại hình du lịch biển đảo gắn với di sản địa chất độc đáo ở Việt Nam.

Bà  Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi cho biết Gành Yến là một điểm du lịch mới phát triển trong 3 tháng gần đây và thu hút khách chính nhờ cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, tuyệt đẹp với những trầm tích đá núi lửa. Chính quyền địa phương huyện Bình Sơn đã thực hiện một số hoạt động để khuyến khích du lịch phát triển như làm đường giao thông, vẽ tranh bích họa 3D, tranh phát sáng, vận động người dân làm dịch vụ.  Đặc biệt việc vẽ tranh bích họa 3D, tranh phát sáng đã thu hút lượng lớn du khách, nhất là giới trẻ đến tham  quan, check-in và selfie. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện ngắn với bà Phương Hoa.

Khi nhà báo trở thành thợ lặn

Ngành mình có kế hoạch gì để phối hợp cùng chính quyền địa phương triển khai công tác bảo vệ cảnh đẹp nơi đây nói chung và những rạn san hô dưới biển nói riêng?

Việc phát triển du lịch đối với Gành Yến nhằm khai thác tài nguyên về địa chất núi lửa biển, cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hấp dẫn và hệ sinh thaí biển phong phú nơi đây là phù hợp. Sở đã tiến hành khảo sát và thống nhất trình UBND tỉnh bổ sung Gành Yến vào điểm du lịch trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch của tỉnh đến 2020, tầm nhìn đến 2030. Bên cạnh đó, Sở đã có nhiều văn bản hướng dẫn huyện về việc lập hồ sơ di tích thắng cảnh cấp tỉnh, lập quy hoạch phát triển du lịch, bảo tồn nguyên trạng vùng lõi (bao gồm gềnh đá và hệ sinh thái biển, san hô), phát triển du lịch cộng đồng, bảo vệ hệ sinh thái biển và giữ gìn vệ sinh, ban hành quy định hoạt động du lịch tại điểm ... ; kiểm soát và chấn chỉnh ngay các trường hợp xâm hại khu vực Gành Yến với mục tiêu vừa bảo tồn được cảnh quan thiên nhiên của Gành Yến - một trong những điểm địa chất trong Công viên địa chất cấp tỉnh Lý Sơn, hướng đến được công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.

Bà Huỳnh Thị Phương Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Ngãi

Thực tế du lịch lặn biển hiện nay ở Gành Yến còn thô sơ, mang tính tự phát (dân chèo thuyền thúng đẩy khách ra chỗ rừng san hô để lặn ngắm…). Vậy theo bà làm thế nào để phát triển  loại hình du lịch lặn biển ở khu vực này và đào tạo cho người dân địa phương làm nghề kinh doanh dịch vụ lặn biển nhằm bảo đảm an toàn cho du khách ?

Việc tổ chức hoạt động dịch vụ lặn biển phải tuân thủ đúng quy định của Thông tư 14 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và phải trên cơ sở đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện kinh doanh, đảm bảo an toàn cho du khách và bảo vệ rạn san hô và hệ sinh thái biển. Do vậy, cần thiết phải kêu gọi doanh  nghiệp có chuyên môn và bảo đảm trang thiết bị theo quy định thực hiện dịch vụ này và sử dụng nguồn lao động của địa phương. Hoặc có thể khuyến khích nhân dân địa phương thành lập tổ đội hợp tác góp vốn để kinh doanh loại hình này theo đúng tiêu chuẩn của Thông tư 14.


Bài, clip: Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn