Hà Nội

Đến Cannes, phim Việt được gì, mất gì?

05-07-2014 15:00 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Khi được chọn tham dự LHP Cannes, thì đã như một sự khẳng định tính nghệ thuật của phim, là cơ hội để tiến vào thế giới phim nghệ thuật đẳng cấp

Dù không được tranh giải chính thức, dù chỉ là những hạng mục phụ bên lề, nhưng khi được chọn tham dự LHP Cannes-Pháp, thì đã như một sự khẳng định tính nghệ thuật của phim, là cơ hội để tiến vào thế giới phim nghệ thuật có đẳng cấp. Phải chăng vì thế mà phim Việt ngắn hay dài đều chọn Cannes như một mục tiêu có thể?

Cảnh phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng

Cảnh phim Mùi đu đủ xanh của đạo diễn Trần Anh Hùng

LHP Cannes đến 2014 là năm thứ 67 và là năm thứ 52 chuyên mục Tuần phê bình quốc tế của Cannes - International Critics Week được tổ chức như một “kênh” lựa chọn, phát hiện, tạo cơ hội cho nhiều đạo diễn trẻ, mới ở các quốc gia phát triển trở thành tên tuổi sau này. Riêng với châu Á thì Cannes đã là nơi phát hiện ra những: Vương Gia Vệ, Giả Trương Kha, Đỗ Kỳ Phong, Takashi Miike, Hirokazu Koreeda, Takashi Miike, Apichatpong Weerasethakul, Hong Sang Soo, Im Sang Soo, Kim Ky Duk, Abbas Kiarostami... Phải chăng đây chính là nơi mà các đạo diễn có thể thể hiện mình qua dòng phim nghệ thuật và cũng là lựa chọn của các nhà làm phim Việt Nam khi muốn bước chân vào dòng phim nghệ thuật vị nghệ thuật?

Cannes, chân trời có thể chạm

Hơn 20 năm trước, khi “Mùi đu đủ xanh”, đạo diễn (ĐD) Việt kiều Trần Anh Hùng được nhận giải Camera vàng - cho quay phim xuất sắc nhất LHP Cannes năm 1993, phim mang “quốc tịch Pháp” nhưng là của một người Việt Nam làm, đã mở ra một chân trời hy vọng có mặt tại các LHP quốc tế hạng A danh giá cho các nhà làm phim Việt Nam trong nước. “Cuốc xe đêm” - ĐD Bùi Thạc Chuyên đoạt giải ba ở hạng mục Phim ngắn Cinefondation tại LHP Cannes 2001, một giải bên lề, thì giấc mơ tưởng chừng xa xôi đã có thể sắp thành hiện thực. Nhưng LHP Cannes không phải “ngon ăn” và dễ chinh phục, phải mất đến 9 năm sau, ở Cannes 2010 thì điện ảnh Việt Nam mới lại có mặt với “Bi, đừng sợ” của ĐD Phan Đăng Di, đoạt hai giải thưởng ở hạng mục Tuần phê bình quốc tế của Cannes - dành cho kịch bản xuất sắc nhất và do các đạo diễn, thành viên trong Hiệp hội phát hành các phim độc lập ACID lựa chọn. Nhưng rồi, từ đó đến LHP Cannes 2014, phim điện ảnh Việt Nam lại tiếp tục “mờ nhân ảnh”, chỉ “âm thầm” tham dự ở “Góc phim ngắn” - của LHP Cannes: Cannes 2011 “A good day to die” của nhóm Young Media (Phim thuộc dự án 48 Go Green được xem là “phiên bản xanh” bảo vệ môi trường của dự án Điện ảnh 48HF - The 48 Hour Film Project); Cannes 2012 “Hai, tư, sáu”, ĐD nữ trẻ Nguyễn Hoàng Điệp và “Canh ba ba”, ĐD Tsering Tashi Gyalthang và nhóm Yeti - Nhóm làm phim độc lập tại TP.HCM với đa số thành viên là người nước ngoài đang làm việc và sinh sống tại Việt Nam (đây là phim hay nhất của dự án Điện ảnh 48 HF năm 2011); Cannes 2013, ĐD trẻ Trần Dũng Thanh Huy đã mang “16:30”, phim đoạt nhiều giải thưởng ở thể loại phim ngắn của Việt Nam. Và Cannes 2014, Việt Nam được chọn “Tôi 30” của ĐD nữ trẻ Hoàng Trần Minh Đức.

Cảnh trong phim Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di

Cảnh trong phim 'Bi, đừng sợ' của đạo diễn Phan Đăng Di

Một số ĐD trẻ như Nguyễn Hoàng Điệp, Phan Đăng Di... thường đến LHP Cannes với tư cách cá nhân để tìm cơ hội ở các hội chợ phim, hay các workshop của LHP Cannes trình dự án của mình để xin tiền làm phim ở hạng mục: Nhà sản xuất phim thế giới.

Ở Cannes những hạng mục nhỏ, phụ, chỉ là những hoạt động bên lề cho phong phú trong một LHP, nhưng với sự thoáng, cởi mở và thân thiện trong cái nhìn đa dạng văn hóa, hơn nữa lại rất ưu ái - như một ưu tiên cho điện ảnh các quốc gia đang phát triển, thì Cannes là sự lựa chọn khôn ngoan để các ĐD phim Việt Nam có thể biến giấc mơ “chạm” vào “chân trời” thành hiện thực. Tính khả thi để chiến thắng có thể rất gần, nhất là bắt đầu con đường bằng cách tiếp cận từ “Góc phim ngắn” hay các “góc” phụ, bên lề khác. Và ở những cái “góc” này, không chỉ với một số ĐD phim Việt Nam mà nhiều ĐD phim châu Á và các quốc gia có ngành điện ảnh phát triển theo đuổi dòng phim tác giả khá kiên trì với con đường của liên hoan phim và bắt đầu từ các phim ngắn như thế này.

Tại sao chọn Cannes?

Các phim trình chiếu ở “Góc phim ngắn” tại LHP Cannes không phải là những phim tranh giải, dù được lựa chọn khá khắt khe và là cuộc cạnh tranh khó khăn để giành một xuất lọt vào đây. Nhưng đến được Cannes, dù chỉ là hoạt động bên lề, hoạt động phụ, điều có lợi không cụ thể bằng vật chất, song giá trị mang tới ĐD thì có thể khó định lượng. Ngoài sự khẳng định “nghề” của ĐD có sự vượt trội so với các đồng nghiệp khác, thậm chí có thể được xem như là “tài năng” của quốc gia mình, thì phim còn được nhiều người xem và quan tâm, thậm chí có thể bán tại hội chợ của LHP nữa. Chưa kể ĐD có nhiều cơ hội tiếp xúc với các nhà làm phim khác và học hỏi kinh nghiệm trao đổi kiến thức nghề nghiệp, cũng như các nhà sản xuất phim danh tiếng. Từ LHP có thể tìm được các thông tin đầu tư và các dự án phim tiếp theo từ đây nếu như may mắn gặp được các nhà sản xuất cũng như các quỹ dự án cho các phim phù hợp.

Đến Cannes với phim ngắn thì ĐD có thể hoàn toàn độc lập, không cần phải thay đổi bất kỳ gì, vì nó đã là một tác phẩm hoàn chỉnh và được lựa chọn để có mặt tại LHP. Nhưng với một kịch bản hay một dự án phim dài để có mặt tham dự trao đổi với nhà sản xuất hay được chọn trình chiếu thì đôi khi để được lòng một nhà sản xuất, một nhà đầu tư hay một số quỹ tài trợ cho điện ảnh của các quốc gia..., phải “uyển chuyển” chiều theo ý của họ, thay đổi cho hợp ý họ ngay từ ban đầu. Và điều đó có nghĩa là ĐD (hay biên kịch) đã phải chấp nhận đánh mất cái “tôi” của mình, để đánh đổi cái lợi trước mắt. Điều này đã từng xảy ra với Phan Đăng Di, Nguyễn Hoàng Điệp và ngay cả với phim ngắn của Hoàng Trần Minh Đức trong một số dự án. Ở một mức độ nào đó thì nội dung đã không còn mang “quốc tịch Việt”, mang bản sắc văn hóa dân tộc đặc trưng truyền thống mà trở thành “đa quốc gia” mang tính toàn cầu. Nó như những nghịch lý đã xảy ra với một số phim Việt, có thể được nước ngoài thích nhưng ở quốc gia mình thì rất xa lạ, thậm chí bị “ném đá” tơi bời vì nó đi ngược với những chuẩn mực chân - thiện - mỹ truyền thống.

LHP Cannes và một số LHP quốc tế khác như Venice, Toronto, Berlin, Bafta, Sundance- phim độc lập...) là nơi cho các thể nghiệm phim với nhiều phong cách nghệ thuật điện ảnh khác nhau, nên dòng phim nghệ thuật - phim tác giả thường được chú ý và được đánh giá cao như những sáng tạo nghệ thuật thuần túy với tiêu chí “phi chính trị”. Và vì thế, nếu ĐD, các nhà biên kịch phim Việt Nam muốn theo đuổi con đường Cannes hay một số LHP quốc tế danh giá uy tín khác thì có thể phải chấp nhận nhiều trở ngại khó khăn, không chỉ là việc tranh đua với các đồng nghiệp quốc tế, mà ngay cả khi tác phẩm của mình được chấp nhận, thậm chí thành công ở xứ người, thì vẫn phải đối diện với thất bại ngay chính ở Việt Nam.

Nhưng cho dù thành công hay thất bại xứ người xứ mình, thì con đường đến Cannes vẫn là mơ ước rất có thể thành hiện thực, để có quyền hy vọng một ngày không xa, quốc kỳ Việt Nam sẽ tung bay như một sự hiện diện của Điện ảnh Việt Nam trên bản đồ nghệ thuật điện ảnh thế giới ở khu “Làng quốc tế” trong LHP Cannes và phim Việt Nam sẽ được lọt vào tranh giải chính thức Cành cọ vàng. 

Hoài Hương


Ý kiến của bạn