Đến bệnh viện điều trị viêm dạ dày thực quản trào ngược, bất ngờ lên cơn nhồi máu cơ tim rất nặng

10-11-2024 11:12 | Y tế
google news

SKĐS - Chị Nguyễn Thị H. (49 tuổi, tỉnh Quảng Ngãi) điều trị tại BVĐK Trung ương Quảng Nam với chẩn đoán viêm dạ dày thực quản trào ngược, bất ngờ đau ngực trái dữ dội, khó thở.

Ngay lập tức bệnh nhân được thực hiện các cấp cứu ngay tại giường, xét nghiệm cho thấy men tim tăng, được hội chẩn khoa Nội tim mạch và chẩn đoán nhồi máu cơ tim cấp không ST chênh. Người bệnh được chụp mạch vành cấp cứu kết quả cho thấy hẹp nặng thân chung động mạch vành trái. Với kết quả này, bệnh nhân thường có tiên lượng xấu, kể cả quá trình nằm viện, cũng như trong can thiệp mạch vành, tỷ lệ tử vong rất cao.

Đến bệnh viện điều trị viêm dạ dày thực quản trào ngược, bất ngờ lên cơn nhồi máu cơ tim rất nặng- Ảnh 1.

Hình ảnh chụp DSA bệnh nhân tắc thân chung động mạch vành trái và sau can thiệp đã tái thông mạch vành trái.

Kíp trực của BVĐK Trung ương Quảng Nam tổ chức hội chẩn liên viện giữa các khoa: khoa Nội tim mạch, đơn vị Hồi sức tim ngoại khoa, khoa Ngoại tim mạch - lồng ngực và khoa Gây mê hồi sức, đề ra chiến lược điều trị an toàn và hiệu quả nhất cho bệnh nhân. Theo đó, bệnh nhân được lên kế hoạch can thiệp động mạch vành qua da dưới DSA với nong bóng và đặt stent, với sự hỗ trợ của các phương tiện hình ảnh trong can thiệp.

Đồng thời, bệnh viện chuẩn bị phương án thiết lập sẵn hệ thống ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo), bóng đối xung động mạch chủ tại phòng DSA, ê kip phẫu thuật tim sẵn sàng mổ tim hở cấp cứu cho người bệnh bất kỳ lúc nào và chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, vật tư, thuốc cần thiết để điều trị cho bệnh nhân. Đây là mô hình phối hợp đa chuyên khoa trong bệnh viện ở những ca bệnh khó, phức tạp về tim mạch.

Khi được chuẩn bị kỹ lưỡng, kíp can thiệp thực hiện thủ thuật nong bóng và đặt 1 stent thân chung động mạch vành trái, thủ thuật can thiệp được thực hiện trong vòng 30 phút. Hình chụp động mạch vành kiểm tra sau can thiệp cho thấy stent thân chung động mạch vành trái đúng vị trí, stent giãn nở tốt, dòng chảy qua thân đạt mức TIMI 3 (tốt nhất). Trong và sau thủ thuật không ghi nhận tai biến.

Sau can thiệp, bệnh nhân tỉnh táo, mạch, huyết áp ổn định, hết đau ngực hoàn toàn.

TS.BS. Phan Tấn Quang, Trưởng khoa Nội tim mạch, BVĐK Trung ương Quảng Nam cho biết: "Bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Những người tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn chuyển hóa lipid máu… có nguy cơ cao, dễ xảy ra các biến cố tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim cấp, tai biến mạch máu não… Bệnh thân chung động mạch vành trái thường có tỷ lệ tử vong và biến cố tim mạch rất cao nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời".

BS Quang khuyến cáo, những người bệnh có yếu tố nguy cơ cao kèm theo các triệu chứng như đau ngực, khó thở cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa tim mạch để được các bác sĩ thăm khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Cạnh đó, mọi người nên thực hiện tầm soát sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng đến 1 năm để phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và các bệnh lý liên quan đến mạch vành.

Cấp cứu vì chóng mặt bỗng phát hiện bệnh timCấp cứu vì chóng mặt bỗng phát hiện bệnh tim

SKĐS - Trước khi vào viện, cụ Phạm Ngõa (82 tuổi, ở Quảng Ngãi) hay chóng mặt, xây xẩm, buồn nôn. Các bác sĩ BVĐK Trung ương Quảng Nam đã kiểm tra và phát hiện bệnh tim mạch phức tạp.


Duy Huân
Ý kiến của bạn