Khó khăn trong chỉ trả lương
Giáp Tết Nguyên đán 2024, hàng chục giáo viên và nhân viên hợp đồng ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) bị Kho bạc Nhà nước huyện này từ chối chi trả lương từ tháng 1/2024. Nguyên nhân do không còn nằm trong danh sách lao động hợp đồng trả lương được UBND tỉnh Nghệ An duyệt từ năm 2024, dù họ vẫn đứng lớp và làm việc bình thường.
Sau khi nhận phản ánh, lãnh đạo tỉnh Nghệ An vào cuộc, việc chi trả lương được giải quyết. Tuy nhiên, việc chi trả này chỉ là giải pháp tình thế.
Tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh cách đây 18 năm, thầy giáo Vũ Ngọc Việt (42 tuổi) về công tác tại Trường TH&THCS Quỳnh Mỹ theo diện hợp đồng ký với UBND huyện. Trong các đợt xét biên chế, thầy giáo Vũ Ngọc Việt không có tên, hiện mức lương chỉ 4,7 triệu đồng/tháng. "Chúng tôi tốt nghiệp đại học sư phạm chính quy được UBND huyện hợp đồng vào giảng dạy ở bậc THCS. Người nhiều nhất là 18 năm và ít nhất 13 năm công tác trong thân phận hợp đồng. Cánh cửa biên chế đến nay vẫn đóng kín, nguy cơ không được trả lương khi bị đưa ra khỏi diện chi trả", thầy Vũ Ngọc Việt cho biết.
Còn tại Trường THCS Quán Bàu (TP Vinh) do thiếu giáo viên nên nhà trường đã ký hợp đồng với 9 giáo viên. Việc chi trả lương cho các giáo viên này được trích một phần từ nguồn thu của nhà trường và thành phố hỗ trợ. Nhiều tháng qua, việc chi trả lương tạm thời bị gián đoạn, để giải quyết kho khăn về thu nhập cho giáo viên hợp đồng, nhà trường đã tạm ứng lương cho giáo viên. Trong số này chỉ có một người tạm ứng, còn lạị đang chờ văn bản hướng dẫn.
Ông Nguyễn Hồng Hải, Hiệu trưởng Trường THCS Quán Bàu cho biết, tình trạng thiếu giáo viên là thực trạng chung của cả tỉnh. Ký hợp đồng giáo viên là cần thiết. Việc lương bị gián đoạn ảnh hưởng đến tâm lý mọi người, ảnh hưởng đến công việc giảng dạy".
Nghệ An có gần 1.500 trường học. Để thực hiện nhiệm vụ, từ nhiều năm nay, các trường hợp đồng lao động thời vụ với hàng ngàn nhân viên nhóm hỗ trợ, phục vụ (nấu ăn bán trú, nội trú, bảo vệ, tạp vụ,...) và hàng trăm giáo viên các cấp học do thiếu biên chế. Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 340 giáo viên, nhân viên được UBND huyện hợp đồng không xác định thời hạn nhiều năm nhưng chưa được tuyển dụng.
Sau khi bị cắt lương, nhiều giáo viên, nhân viên kế toán nhà trường làm đơn từ chối tiếp tục làm việc. Điều này ảnh hưởng đến hoạt động dạy học và các công tác khác của nhiều trường.
Gỡ khó cho ngành giáo dục
Liên quan đến vấn đề này, tháng 3/2024, Sở GD&ĐT Nghệ An có văn bản đề nghị UBND tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo thống nhất việc thực hiện chế độ cho người lao động hợp đồng theo quy định và phù hợp với thực tế.
Theo đó, để đảm bảo việc dạy và học ở các trường, Sở GD&ĐT Nghệ An đề nghị UBND tỉnh cho phép các đơn vị được hợp đồng lao động dưới 12 tháng để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nếu các cơ sở giáo dục và UBND cấp huyện tự cân đối được nguồn kinh phí chi trả từ nguồn ngân sách và nguồn thu của đơn vị.
Ngành giáo dục Nghệ An cũng đề nghị UBND tỉnh chấp nhận thanh toán chế độ cho giáo viên, nhân viên được UBND huyện hợp đồng không xác định thời hạn nhiều năm trước đây trong chỉ tiêu biên chế được giao.
Từ năm học 2024 - 2025, đề nghị UBND tỉnh giao chỉ tiêu hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ theo đề xuất của đơn vị nếu có nguồn kinh phí tự cân đối chi trả.
Theo ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, ngành giáo dục đã phối hợp với địa phương rà soát các trường hợp giáo viên, nhân viên hợp đồng để có phương hướng giải quyết.
Thực tế nhiều trường học đang thiếu trầm trọng nhân viên kế toán, y tế, thiết bị thư viện… trong khi các vị trí việc làm này không được sắp xếp biên chế nữa. Còn đối với biên chế được giao hàng năm đối với cấp THCS lại ưu tiên tuyển dụng giáo viên môn mới. "Việc giải quyết tuyển dụng chính thức giáo viên hợp đồng cấp THCS phải căn cứ vào nhu cầu thực tế cũng như trách nhiệm của chính quyền mỗi địa phương", Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An nhấn mạnh.