Đến 9-1, mạng internet mới ổn

31-12-2013 07:31 | Thời sự
google news

Mạng Internet chập chờn: Rất khó đánh giá chính xác thiệt hại về kinh tế bởi mức độ ảnh hưởng rộng nhưng khó định lượng

Mạng Internet chập chờn: Rất khó đánh giá chính xác thiệt hại về kinh tế bởi mức độ ảnh hưởng rộng nhưng khó định lượng

Dự kiến ngày 9-1-2014, sự cố đứt cáp quang biển Asia-America Gateway (AAG) sẽ được xử lý triệt để và đường truyền internet giữa Việt Nam với quốc tế trở lại bình thường.

Tổng Giám đốc FPT Telecom, ông Nguyễn Văn Khoa, cho biết theo kế hoạch, ngày 1-1-2014, tàu hàn cáp bắt đầu vào khu vực cáp AAG bị đứt để tiến hành khắc phục sự cố và dự kiến việc hàn cáp đứng sẽ hoàn tất vào ngày 4 hoặc 5-1, sau đó nhà cung cấp phải dùng rô-bốt thả cáp xuống biển và chạy thử. Tuy nhiên, trong quá trình chạy thử, dung lượng của cáp quang có thể bị gián đoạn và không đáp ứng đủ 100% dung lượng thiết kế.

Theo ông Khoa, do sự cố đứt cáp quang AAG, FPT Telecom mất khoảng 55% dung lượng đường truyền. Để đáp ứng nhu cầu khách hàng, công ty đã mua dung lượng từ đường truyền khác với giá đắt gấp 4 lần giá cước bình thường để bù đắp đường truyền thiếu hụt. Tính đến thời điểm này, đường truyền của FPT Telecom còn thiếu xấp xỉ 20% dung lượng.

Ông Khoa cũng cho biết cả thế giới chỉ có 6 đội tàu hàn cáp quang biển nhưng có thuận lợi cho đường cáp AAG là đang có 1 đội túc trực tại Singapore.

Trong khi đó, theo Phó Giám đốc VDC Nguyễn Hồng Hải, nhà cung cấp này cùng đối tác đã khắc phục được khoảng 80% lưu lượng bị ảnh hưởng, phục hồi được toàn bộ đường đi qua Singapore, tối ưu hóa lại mạng lưới, tăng khẩn cấp dung lượng các đường dự phòng... Còn ông Lê Hữu Hiền, Phó Giám đốc Viettel Telephone, cho hay hiện 3 đường của China Telecom đã lên tới 310 MB/giây, nâng khả năng phục hồi tới 80% dung lượng bị thiếu hụt.

Tính đến ngày 30-12-2013, hầu hết các khách hàng sử dụng dịch vụ internet của FPT, VDC, Viettel như ADSL, leased line... đã có thể truy cập vào Yahoo!, Hotmail, Facebook... nhưng tốc độ chậm hơn so với bình thường và chưa thật sự ổn định vì vẫn phải dùng chung với các nước khác. Những nhà cung cấp internet Việt Nam cũng cho biết rất khó đánh giá chính xác thiệt hại về kinh tế bởi mức độ ảnh hưởng rộng nhưng khó “đo đếm”.

Trước đó, vào lúc 18 giờ 1 phút ngày 20-12-2013, tuyến cáp AAG - phân đoạn Vũng Tàu - Hồng Kông bị đứt. Vị trí gián đoạn cách trạm cập bờ Vũng Tàu khoảng 278 km. AAG là hệ thống cáp quang biển có chiều dài 20.000 km, dung lượng thiết kế đạt đến 2 terabit/giây, kết nối trực tiếp khu vực Đông Nam Á với Mỹ.

Tuyến cáp quang này được đưa vào khai thác từ năm 2009, đi qua Malaysia, Singapore, Thái Lan, Việt Nam (điểm cập bờ tại Vũng Tàu), Brunei, Hồng Kông, Philippines và Mỹ (Guam, Hawaii và California).

Theo thống kê, khoảng 5 năm trở lại đây, trong số các tuyến cáp quang biển quốc tế thì AAG là tuyến bị đứt cáp nhiều nhất. Có những năm, tổng thời gian ảnh hưởng tới lưu lượng internet quốc tế do sự cố của AAG lên tới 2-3 tháng.

Theo Người lao động


Ý kiến của bạn