GS.TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam cảnh báo: “Bệnh tim mạch hiện đang là gánh nặng cho xã hội với tỷ lệ tử vong và tàn phế cao hàng đầu trong các loại bệnh. Bên cạnh đó, bệnh cũng đã tiêu tốn chi phí chăm sóc và điều trị hàng trăm tỷ USD mỗi năm."
Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 17,5 triệu người tử vong do các bệnh liên quan đến tim mạch và số bệnh nhân tim mạch tích lũy ngày một nhiều.
Đặc biệt, bệnh nhân tử vong do tim mạch đang đứng đầu các loại bệnh và nhiều gấp 4 lần số lượng bệnh nhân chết do Lao, Sốt rét và HIV gộp lại”.
Theo dự báo của Hội tim mạch, đến năm 2017, Việt Nam sõ có 1/5 dân số mắc bệnh tim mạch và tăng huyết áp. Đặc biệt, trong những năm gần đây, bệnh lý tăng huyết áp đang được trẻ hóa với rất nhiều đối tượng trong độ tuổi lao động. Tại Việt Nam, tỷ lệ tăng huyết áp ở những người từ 25 tuổi trở lên chiếm 25,1%.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người thờ ơ, chủ quan và thiếu quan tâm đến sức khoẻ tim mạch của mình. Theo thống kê của Hội tim mạch, nếu tại thời điểm 1980, tỉ lệ mắc bệnh tim mạch ở tuổi 50 trở lên chỉ ở mức 11%, thì đến năm 2009, tỷ lệ này lên đến 25% và độ tuổi mắc từ 22 tuổi trở lên.
“Nguyên nhân là do người dân thiếu ý thức về bệnh, chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt thiếu điều độ, không khoa học dẫn đến béo phì, rối loạn mỡ máu… Tại Việt Nam, lượng bệnh nhân mắc tim mạch chủ yếu tập trung ở các địa phương Bắc Bộ và Nam Bộ. Và phải cảnh báo rằng nhiều người giàu về tiền, nhưng lại nghèo về kiến thức tim mạch.