Sau 10 ngày đến với Trường Sa, chúng tôi đã thăm 4 đảo nổi, 5 đảo chìm và một nhà giàn. Chuyến đi đã để lại trong lòng mọi người biết bao cảm xúc và kỷ niệm, nhất là hiểu thêm về quần đảo Trường Sa, tuy xa mà gần, với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Rời Trường Sa thân yêu về đất liền, tình cảm gắn bó, thân thương của các chiến sĩ Trường Sa vẫn lưu luyến mãi. Đêm biển lặng. Nhưng mỗi người con từ đất liền vẫn nghe nhịp sóng trong tim mình vỗ mãi!
Chúng tôi đã đi qua gần hết lịch trình công tác, hôm đó, tàu KN 491 của chúng tôi cập đảo Trường Sa Lớn. Bây giờ là mùa khô, khí hậu rất khắc nghiệt, ngày nắng nóng, oi bức kéo dài từ 4 giờ 30 sáng đến 19 giờ hàng ngày. Nhưng đây là thời kỳ sóng yên, biển lặng. Ai cũng có thể cảm nhận được cái nắng oi bức của Trường Sa trong những ngày này. Để thấy được sự chịu đựng dẻo dai, kiên cường của những người lính ở quần đảo Trường Sa không chỉ đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt, nắng nóng, bão giông và đời sống vật chất thiếu nước ngọt, rau xanh, mà còn vắng thiếu đời sống tinh thần. Văn công ra đảo làm nhiệm vụ biểu diễn nghệ thuật phục vụ cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, mang “món ăn tinh thần” ra đảo bổ khuyết vào cái phần vắng thiếu ấy và làm cho Trường Sa gần gũi đất liền hơn.
Các đại biểu và đoàn công tác dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sa.
Nhìn từ trên xuống, đảo Trường Sa có hình dáng gần như một tam giác vuông, nhiều mảng cây xanh trên đảo như: cây phong ba, cây bão táp, cây tra, cây bàng quả vuông, muống biển, dừa... cũng như các loại rau. Là một hòn đảo được mệnh danh là “Thủ đô của huyện đảo Trường Sa” là đảo Lớn của quần đảo Trường Sa, nổi lên như một pháo đài sừng sững kiên trung giữa biển Đông, cách Cam Ranh 254 hải lý. Nằm ở trung tâm quần đảo Trường Sa, đảo Trường Sa là nơi thuận tiện cho ngư dân tránh gió bão. Trên đảo có nước lợ nằm ở độ sâu khoảng 2 mét, thuận tiện cho tắm giặt, tưới cây, đây là sự ưu đãi của thiên nhiên dành cho con người ở đảo. Bên cạnh các đơn vị quân đội, trên đảo có các hộ dân, các công trình dân sự, văn hóa tâm linh như: Trạm khí tượng thủy văn nằm trong hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia và thế giới, thường xuyên cung cấp tình hình thời tiết, khí hậu, khí tượng ở khu vực biển Đông; Nhà khách Thủ đô (do TP. Hà Nội xây tặng); Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Tượng đài liệt sĩ, chùa Trường Sa Lớn... Trước đó, trong buổi chiều ngày 19/4, sau khi đoàn công tác tổ chức thăm hỏi, tặng quà, viếng Tượng đài liệt sĩ Trường Sa, thắp hương tại Nhà tưởng niệm Bác Hồ, chùa Trường Sa Lớn. Một số thành viên ghé các nhà dân để thăm hỏi tặng quà, một số thành viên khác thì giao lưu, tìm hiểu đời sống sinh hoạt của các cán bộ chiến sĩ trên đảo Trường Sa...; Cuối buổi chiều, thành viên đoàn công tác được lệnh về tàu tập trung ăn cơm để chuẩn bị cho buổi giao lưu văn nghệ với quân và dân đảo Trường Sa vào buổi tối.
Trước đó, trên boong tàu chia sẻ về Trường Sa, Đại tá Phan Ngọc Quang, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146 (Đoàn Trường Sa) Vùng 4 Hải quân cho biết: “Khu vực biển quanh đảo có nguồn hải sản phong phú có giá trị kinh tế cao thu hút nhiều tàu đánh bắt cá xa bờ của ngư dân các tỉnh Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Bộ... Chính điều kiện trên đã làm cho mảnh đất nơi đây in đậm những dấu vết của người Việt xưa. Những phát hiện khảo cổ là căn cứ lịch sử và pháp lý để khẳng định chủ quyền quần đảo Trường Sa là của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam ngày nay”.
Ca sĩ trong đêm giao lưu văn nghệ tại đảo Trường Sa.
Đêm nay, tại đảo Trường Sa Lớn, một sân khấu được dựng lên, nói là sân khấu cho hoành tráng, thật ra chỉ là một tấm phông cỡ lớn căng ngang ngay tại cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa vĩ độ: 08*38’30”N. Kinh độ: 111*55’55”E. Trước đó, ngồi ăn cơm trên boong tàu, nghệ sĩ hài Quang Hậu nói với chúng tôi bằng giọng hài hước kiểu Tây Nam Bộ: “Trong không khí chan hòa của đêm Trường Sa. Hôm nay, Đoàn văn công Long An sẽ “bung lụa” với nhiều tiết mục đặc sắc. Nhiều tiết mục văn nghệ ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, chủ quyền biển đảo, về những người lính Trường Sa kiên trung đã được các diễn viên Đoàn văn công Long An cũng như quân và dân trên đảo dàn dựng biểu diễn. Tối nay, tụi tui quậy “banh” sân khấu cho mấy anh coi he” - nghệ sĩ hài Quang Hậu nhắc nhở lưu ý.
Trước khi buổi biểu diễn bắt đầu, lính đảo đã nhao nhao nhanh chân tìm chỗ để ngồi cho thật gần sân khấu, được tận mắt nhìn cho được các nghệ sĩ nữ, chỉ muốn nhanh nhanh hát để được gào thét sung sướng. Chia sẻ với chúng tôi, Trung tá Trịnh Công Lý, Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng đảo Trường Sa Lớn chia sẻ: Lính ở quần đảo Trường Sa toàn là trai trẻ, sức sống bừng bừng, xa quê nhớ nhà, thiếu thốn tình cảm, đợi thư chờ quà, mong gặp người đất liền... Trong nhiều nỗi mong đợi ấy, bao giờ cũng thường trực nỗi mong ngóng văn công, ngóng nhất là ngóng các người đẹp ra đảo... hát. Phải nói rằng chúng tôi rất xúc động khi hôm nay đoàn công tác đã tổ chức buổi giao lưu văn nghệ này, hy vọng trong thời gian tới sẽ nhận được thêm nhiều sự quan tâm của các cấp, các ngành để giúp chúng tôi vững tin hơn bảo vệ biển đảo quê hương.
Đêm hát trên đảo Trường Sa, văn công hát hết mình, bộ đội và nhân dân trên đảo thì háo hức lắm. Không chỉ xem văn công hát, múa mà còn có những tiết mục văn nghệ giao lưu của quân và dân trên đảo. Trong đó đáng nhớ nhất là tiết mục của các cháu thiếu nhi trên đảo hát vang bài Quê em ở Trường Sa là đặc sản tinh thần của các “công dân nhí” nơi đây. Những gương mặt thơ ngây, nụ cười hồn nhiên, mang cái nắng, cái gió nơi biển khơi của các cháu khi lên trên sân khấu biểu diễn đã gây xúc động lớn đối với các đoàn khách đến thăm đảo. Đây là một minh chứng cho sức sống của Trường Sa, là sự nối tiếp truyền thống của các thế hệ người Việt, làm cho Tổ quốc ta trường tồn mãi mãi. “Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Bốn mùa xanh bao la/ Sinh ra ở Trường Sa/ Em là con của biển...” với cảm xúc đặc biệt hơn, khiến các chú, các cô, các bác từ trong đất liền ra thăm không khỏi ngỡ ngàng, nhiều người đã không kìm nén được cảm xúc trào dâng.
Ca sĩ Hồng Nhung cùng giao lưu với đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã đảo Trường Sa Lớn với bài Tình ta biển bạc đồng xanh; nghệ sĩ trẻ cải lương Thu Mỹ thể hiện bài hát về quê hương với bài Về Long An nghe cung đàn Miền Hạ. Hát quá hay, lính đảo lại tiếp tục yêu cầu hát thêm bài nữa, không thể chối từ, nghệ sĩ Thu Mỹ xin gửi tặng các chiến sĩ trẻ bài Dạ cổ Hoài lang nghe lắng lòng bao chiến sĩ. Sân khấu bỗng xôn xao với chàng vỗ tay hào hứng với màn biểu diễn uốn éo của “nàng tiên cá” đến từ Tổng Công ty hàng không Việt Nam... Đọng lại nhất trên khấu đó là màn kịch của Đoàn văn công Long An với vở Đâu có giặc là ta cứ đi, với cô Út mặn mà duyên dáng, đến khi ra tàu rồi mà các chiến sĩ trẻ cứ “Út ơi, Út à, ở lại với tui anh nghe...”. Một đêm giao lưu văn nghệ để lại ấn tượng thật khó quên. Hẳn là vì nó diễn ra ở nơi đảo xa trong tinh thần tự hào dân tộc, tình cảm thắm thiết quân dân, đảo xa với đất liền cấu kết cùng một quyết tâm sắt đá. Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo quê hương!
Mầm non tương lai của đảo Trường Sa.
Ca sĩ Minh Tuấn xúc động: “Ra đảo, hát phục vụ bộ đội và nhân dân, được đón nhận tình cảm yêu thương của quân dân trên đảo, chúng em thực sự xúc động. Chưa bao giờ chúng em được hát, được múa với tình cảm đặc biệt này. Và anh chị em trong đoàn đã biểu diễn bằng cả lời của trái tim, phần nào thể hiện tình cảm của đất liền với quân và dân nơi đảo xa”. Những buổi giao lưu, biểu diễn văn nghệ trên các đảo Trường Sa, cả người diễn và người xem cứ muốn kéo dài chương trình mãi. Lần nào cũng vậy, đêm giao lưu luôn khép lại trong sự tiếc nuối, trong tình cảm hết sức đặc biệt của tình đất, tình người và tình biển nơi tiền tiêu của Tổ quốc.
Vì điều kiện thời tiết mà đoàn phải trở về tàu sớm để tiếp tục hành trình. Thật cảm động, tại cầu cảng lúc 21h, trời rất tối, hàng dài, thẳng tắp cán bộ chiến sĩ, nhân dân, những người mẹ trẻ bồng con cùng hát vang, ngẫu hứng những bài ca về Tổ quốc, Bác Hồ và biển đảo để chào tạm biệt. Các đại biểu cũng đứng ra boong tàu cùng hát, vẫy tay làm cho Chỉ huy tàu KN-491 chần chừ không đi vội, đành phải kéo những hồi còi dài tạm biệt, ra xa đảo mới điểm danh được theo phòng ở. Phía đảo xa, vẫn thấp thoáng hàng dài màu trắng quân phục Hải quân. Hẹn với Trường Sa Lớn, hẹn một ngày sẽ trở lại,...
Chứng kiến giờ phút chia tay của Đoàn công tác với cán bộ, chiến sĩ trên các đảo, những cánh tay giơ lên, những giọt nước mắt lăn dài trên má đã thực sự làm chúng tôi xúc động. Trường Sa xa dần trong sóng nước mênh mông, khuất dần sau những con sóng bạc đầu. Những cây bàng vuông, những cánh hoa san hô, quà tặng của các chiến sĩ và nhân dân trên đảo đã rút ngắn khoảng cách giữa đảo xa với đất liền. Những người ở lại giữ đảo mang trong tim hình ảnh của Tổ quốc, của sự quan tâm, sẻ chia của đất liền. Còn người về, trên ngực áo lấp lánh những chiếc Huy hiệu “Chiến sĩ Trường Sa”, lòng cảm phục những người đang ngày đêm chắc tay súng nơi đảo xa để giữ vững chủ quyền biển đảo và bình yên cho đất liền với một tình yêu vô bờ dành cho quần đảo này!
Kết thúc một hành trình gian khó với chúng tôi nhưng không thấm gì so với sự gian khó của các anh. Một hành trình đầy những cung bậc cảm xúc! Cảm xúc đầy thăng hoa về Trường Sa, ấn tượng về tinh thần quả cảm, kiên trung của các lực lượng giữ gìn quần đảo Trường Sa, ai trong chúng tôi chắc đều tự nhủ ít nhất một lần nên đến với Trường Sa! Ở đó không có sự bon chen, đố kỵ, không màng đến danh lợi, không có khái niệm hưởng thụ. Đầy ắp tình thương yêu, tình yêu và trách nhiệm với Tổ quốc! Họ chỉ nghĩ nhiều đến cống hiến!
Trở về với công việc, trách nhiệm hàng ngày, chắc ai cũng nhủ lòng phải làm tốt hơn công việc được giao, tuyên truyền tốt hơn tình yêu biển đảo, ý thức chủ quyền, ngọn lửa của Trường Sa cho cán bộ viên chức trong công tác, vượt qua những khó khăn thử thách để hoàn thành nhiệm vụ, để đất liền và biển đảo cùng chung sức, chung lòng giữ gìn toàn vẹn chủ quyền biển đảo và thềm lục địa của Tổ quốc Việt Nam.
Khoảng thời gian ít ỏi trên đảo, thành viên đoàn công tác cùng các cán bộ chiến sĩ và người dân trên đảo được thưởng thức chương trình giao lưu văn nghệ. Các nghệ sĩ đi theo đoàn đã biểu diễn hết mình cùng với các chiến sĩ. Đoàn đại biểu lên tàu để tiếp tục chuyến hải trình. Tạm biệt Trường Sa bao lưu luyến, tất cả các thành viên đoàn công tác đã lên boong tàu. Tiếng vọng “Cả nước vì Trường Sa - Trường Sa vì cả nước” cứ vang lên. Chỉ còn là những bàn tay vẫy của người đất liền đứng trên boong tàu và những người lính đảo đứng trên đảo Trường Sa. Thuyền trưởng cho tàu hú còi dài tạm biệt những người lính đảo Trường Sa buồn vui lẫn lộn trong khi các chị em trong đoàn công tác nước mắt lăn dài trên má. Rời Trường Sa thân yêu về đất liền, tình cảm gắn bó, thân thương của các chiến sĩ Trường Sa vẫn lưu luyến mãi. Đêm biển lặng, nhưng mỗi người con từ đất liền vẫn nghe nhịp sóng trong tim mình vỗ mãi!