Đêm trực khó quên

02-03-2019 17:00 | Y tế
google news

SKĐS - Ngày mới vào nghề, chúng tôi rất thích học mổ. Chúng tôi thường mua mắt heo tập khâu, tập thao tác.

Nhưng mắt heo to hơn mắt người và vì để lâu, giác mạc bị đục, dày lên, không quan sát rõ bên trong nên chủ yếu là tập kỹ năng, còn cảm nhận tinh tế thì phải chờ xin mắt của bệnh nhân chết vô thừa nhận bằng cách signal trước với các anh chị nhà xác, họ sẽ gọi. Vì  tập mổ trên kính hiển vi phẫu thuật nên chúng tôi phải lấy cả mắt đem lên khoa chứ không mổ trên xác được.

Có một đêm, tôi đang trực thì được báo có mắt. Ngày ấy, tôi mới ra trường nên chỉ ham muốn đạt được mục đích của mình, ít quan tâm đến thân phận người cho mình mắt, chỉ biết anh ta là một xác vô thừa nhận, bệnh viện định cho Trường Y ngâm formol để sinh viên học giải phẫu. Vậy mà không hiểu sao, tôi vẫn nâng niu con mắt như trứng mỏng, gói ghém cẩn thận rồi đặt lên bàn mổ như đang mổ một mắt sống vậy. Khoảng một tiếng sau, con mắt đã bị khâu ngang khâu dọc, bới móc tan hoang. Không như mắt heo - xong là chúng tôi bỏ thùng rác. Con mắt này như còn đang sống nên tôi không dám. Có điều gì đó rất thiêng liêng nhắc nhở tôi phải biết cảm ơn người đã cho tôi mắt. Tôi gói nó vào một miếng gạc rồi đi nằm. Sáng hôm sau dậy sớm, tôi âm thầm đem nó xuống vườn. Chọn chỗ cao nhất dưới gốc cây dầu, tôi đào đất chôn nó xuống rồi cắm một nén nhang và thành tâm nói lời tạ ơn.

Cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh minh họa

Cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh minh họa

Đêm trực nào phải bỏ một con mắt đã bị coi là xui rồi. Vậy mà đêm nay, tôi đã tiếp nhận 3 bệnh nhân bỏ mắt. 3 người, mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách, một hình hài, một suy nghĩ khác nhau nhưng lại gặp nhau đêm nay, cùng chung số phận.

Bệnh nhân đầu tiên của tôi là anh B - một công nhân mới vào làm cho xí nghiệp xây dựng của Nhà nước. Anh đang cưa sắt thì mâm cưa bị vỡ chém vào mắt phải. Anh bụm mắt gọi xe ôm chạy thẳng đến phòng cấp cứu của bệnh viện. Sau khi được giải thích phải múc bỏ vì mắt đã vỡ nát, anh tỏ ra hợp tác tốt, không quá buồn rầu hay thất vọng. Trên bàn mổ, anh bảo người ta có số. Tôi hỏi anh có dự cảm gì trước khi bị tai nạn này không, anh nhớ lại trước tai nạn 1 tuần, anh mơ thấy mình chết nhưng anh theo đạo Phật, sống hiền lành nên đáng ra phải chết thì anh chỉ mất 1 mắt thôi. Lúc bị mâm cưa chém vào đầu, anh tưởng đầu đã chẻ làm đôi rồi. Tôi lại thắc mắc không biết đó có phải là công việc hàng ngày của anh không, anh thú thật đó là công việc của người bạn nhưng thấy nó làm ngứa mắt quá nên anh giành làm cho tốt hơn.

Bệnh nhân thứ hai là anh Đ - một nông dân trẻ mới 23 tuổi, hiền lành, chân chất, tôn trọng lề luật, cái gì không phải anh không thể để trong lòng. Anh giữ  ao cá, khi phát hiện người hàng xóm có ý định chích trộm cá, lời qua tiếng lại vẫn chưa giải quyết được vấn đề, gia đình kia rất hung dữ và vì có tiền án tiền sự nên họ ngại tiếp xúc với công an. Tuy vậy, anh vẫn kiên quyết lên đồn báo công an. Vừa ra khỏi đồn, họ đánh lén vào mặt, anh bị vỡ nát mắt trái. Anh không than vãn gì vì nghĩ rằng người ta có số.

Bệnh nhân cuối cùng là anh V - một tài xế xe tải, vào viện lúc 2 giờ sáng. Đẹp trai, phong độ, trên mình và tay xăm hình thú. Anh bị đánh trong một cuộc xô xát ở quán nước ven đường. Vết thương rộng, ở vị trí nguy hiểm có thể ảnh hưởng mắt còn lại nên chúng tôi quyết định bỏ mắt. Khi được giải thích như vậy, anh ngơ ngác hỏi: Nghe nói ngành y phát triển lắm mà không cứu được mắt tôi à? Tôi giải thích chỉ một số lĩnh vực phát triển thôi, như phẫu thuật đục thủy tinh thể rất tiến bộ nhưng vẫn có những bệnh y học bó tay, nhất là chấn thương. Anh xẹp lép như bong bóng xì hơi, đành phải ký cam kết mổ. Khi lên phòng mổ, thấy anh có vẻ kích động không nằm yên, tôi hỏi “Anh sợ à?”, anh lặng người xuống nói qua hơi thở “Không sợ mà ân hận”, “Lúc đó anh nóng quá hả?”, vẫn lặng lẽ anh tự sự “Ừ, nóng quá nên mất 1 con mắt, uổng quá!”. Chính tôi cũng xúc động vì những tâm tình quá ư dễ thương lại được thổ lộ bởi một người bặm trợn và kiêu hãnh như anh. Trong lúc mổ, tôi an ủi anh rằng sau khi vết thương lành, chỉ cần đặt mắt giả là lại đẹp như thường.

Trong 3 bệnh nhân của tôi chỉ có anh thể hiện cảm xúc mãnh liệt nhất, còn 2 anh kia có vẻ chấp nhận hơn. Ngay hôm sau, anh lên những cơn kích động, la hét chửi bới dữ dội trong bệnh phòng, chúng tôi cho thuốc an thần và dặn vợ anh phải luôn ở bên anh trong lúc này. Thấy vợ chồng họ thương yêu nhau, chúng tôi cũng yên tâm hơn. Những ngày sau, anh không la hét nữa mà đi bới thùng rác, một tay ôm mắt, một tay lục tìm, khi có người hỏi thì anh bảo tìm bóp tiền. Tôi nhớ lại có lần bị giật điện thoại di động, người tôi bị hụt hẫng chới với như đang rơi xuống vực. Có lẽ anh đang rơi vào tâm trạng ấy, ký ức tế bào nhắc anh nhớ đến mắt đã mất nên anh đi tìm nó đấy thôi! Dù sao nó cũng đã đồng hành với anh hơn 30 năm.

Khi cho cả 3 bệnh nhân xuất viện, anh B bảo có lẽ anh phải tìm một việc làm khác không cần dùng mắt nhiều, anh có nhiều bạn bè nên họ có thể giúp anh tìm được một việc làm thích hợp. Anh Đ sẽ tiếp tục nuôi cá vì việc này không đòi hỏi phải nhìn chính xác lắm. Anh V thật sự lo lắng vì anh là trụ cột trong nhà, từ trước đến nay, mọi người vẫn coi anh như cây tùng cây bách nên không ai nghĩ anh cũng cần chia sẻ gánh nặng cuộc sống như bất cứ người nào khác. Anh không có bạn thân, chỉ có bạn nhậu. Anh bối rối không biết có tiếp tục nghề tài xế được không!

Trong một lần đi du lịch Trung Quốc, chúng tôi được cô hướng dẫn viên giới thiệu về tiểu sử Quan Vân Trường (Quan Công). Ông là một vị tướng tài, trên chiến trường, ông thoắt ẩn thoắt hiện, đi ngang về dọc, không kẻ thù nào có thể giết được ông. Nhưng ông cũng là người kiêu ngạo, sĩ diện. Một lần bị kích, tính sĩ diện nổi lên, ông ra khỏi trại và lọt vào ổ phục kích của kẻ thù, ông bị bắt và bị chặt đầu - một cái chết bi thảm, nhục nhã đối với một vị tướng như ông. Còn Trương Phi là một nhà mưu lược lưu danh muôn thuở thì rất nóng nảy, có tật nịnh trên đè dưới nên đã bị cấp dưới đầu độc đến chết.

Quả thật mỗi người sẽ phải khổ vì lối sống của mình. Chúng ta chỉ trông chờ vào khoa học kỹ thuật hay một triết lý sống nào đó vẫn chưa đủ. Cần có một tấm lòng biết tôn trọng, cảm thông, giúp đỡ nhau, chúng ta mới tránh được những nỗi khổ do chính mình gây ra cho nhau.


Nhà văn, PGS.TS. Nguyễn Hoài Nam
Ý kiến của bạn