Từ khi Quảng Bình có ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng, đến nay đã có hơn 1.000 ca nhiễm mới được nghi nhận, cùng với đó là hàng nghìn F1 và các trường hợp có yếu tố dịch tễ liên quan khác.
Để đưa những trường hợp F0 và F1 đi điều trị, cách ly kịp thời, các tài xế xe cứu thương đã tất bật suốt ngày đêm như con thoi trên các nẻo đường, chỉ tranh thủ những giây phút ngắn ngủi nghỉ ngơi, chợp mắt.
Chia sẻ với PV Báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế) về những hành trình ý nghĩa đó, anh Trần Xuân Vĩ (SN 1985) lái xe tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Quảng Bình cho biết, từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại Quảng Bình, anh cũng không nhớ nổi mình đã chở bao nhiêu ca F0, F1 đến khu điều trị, cách ly tập trung. Cứ hễ có thông báo là anh cùng "đồng đội" lại lên đường thực hiện nhiệm vụ.
Đã hơn 1 tháng nay anh Vĩ luôn túc trực tại cơ quan để sẵn sàng đưa cán bộ, nhân viên y tế đi lấy mẫu bệnh phẩm, truy vết, chuyển các F tới khu cách ly, điều trị. Cũng chừng đó thời gian anh phải xa người vợ mới sinh cùng 2 con nhỏ.
"Từ ngày 21/7, mình ở lại cơ quan sau những lần làm nhiệm vụ, để khi có nhiệm vụ mới là đi ngay. Mặt khác cũng là để phòng tránh cho người thân trong gia đình, bởi mình thường xuyên tiếp xúc với các ca bệnh. Vợ mới sinh 3 tháng đành nhờ ngoại chăm vì nhà nội ở xa, dịch không vào được. nhớ vợ và 2 con lắm, lúc rảnh rỗi là gọi ngay về nhà", anh Vĩ cho biết.
Để đảm bảo an toàn cho bản thân, trong những hành trình chuyển F anh và đồng nghiệp luôn phải trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ. Bởi đón những người F0, F1 đi điều trị, cách ly không phải là những cuộc đưa đón bình thường mà những tài xế luôn đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao.
Những ngày Quảng Bình nắng nóng, trong cabin xe cấp cứu nóng hầm hập, khoác trên mình bộ đồ bảo hộ kín mít, trên gương mặt tài xế chuyển F nhễ nhại mồ hôi.
Ám ảnh gương mặt thất thần, hoảng hốt của bệnh nhân COVID-19
Nói thêm về công việc của mình anh Vĩ cho biết, công việc thất thường về thời gian, khi nào có thông tin về ca mắc mới hay F1 cần vận chuyển là lại lên đường đi ngay. Thời gian ngồi trước vô lăng dường như nhiều hơn là thời gian nghỉ ngơi. Có nhiều lần anh và đồng nghiệp phải thực hiện nhiệm vụ xuyên đêm. Cứ tận dụng được thời gian ngắn nào để nghỉ ngơi là họ tận dụng để đảm bảo sức khỏe thực hiện tốt nhiệm vụ.
Trong những lần chuyển F đó, những tài xế như anh Vĩ ngoài đối mặt với nguy hiểm cũng phải đối mặt với những tình huống tréo ngoe mà dịch bệnh gây ra. Nhiều F0, F1 đủ mọi lứa tuổi tỏ ra hoảng sợ khi phát hiện mình bị bệnh, có nguy cơ cao mắc bệnh. Anh vẫn nhớ gương mặt thất thần, hoảng hốt của nhiều bệnh nhân.
Câu chuyện anh Vĩ nhớ nhất là lần đón một F0 6 tuổi đi điều trị. Thân hình bé nhỏ trong bộ đồ bảo hộ rộng thùng thình. Khi được hướng dẫn cháu nhỏ ngoan ngoãn bước lên xe. Vì thương con, người mẹ là F1 khóc nấc khi con phải đi điều trị mà không có mẹ, thấy thế cháu nhỏ cũng khóc nấc lên. Khi ấy khóe mắt của anh Vĩ cũng cay xè.
"Thấy mẹ khóc, con khóc, mắt mình cũng cay, vì mình cũng có con nhỏ, hiểu được cảm giác lo lắng của người làm cha, làm mẹ và thương cháu còn nhỏ mà phải xa cha mẹ đi một nơi xa lạ điều trị bệnh", anh Vĩ tâm sự.
Rồi có những bệnh nhân mắc COVID-19 sức khỏe không được tốt, việc lên xuống xe cứu thương gặp khó khăn, biết có nguy hiểm nhưng anh Vĩ vẫn sẵn sàng hỗ trợ họ lên xe.
"Tiếp xúc quá gần bệnh nhân cũng sợ, nhưng mình trang bị đủ các trang thiết bị phòng dịch nên cũng an tâm giúp đỡ người bệnh", anh Vĩ nói.
Thời gian gần đây anh Vĩ đã có thêm 3 đồng đội cùng làm nhiệm vụ chuyển F khi UBND tỉnh Quảng Bình có Quyết định thành lập Tổ vận chuyển các ca nhiễm và nghi nhiễm SARS-CoV-2 trên địa bàn do anh Vĩ là tổ trưởng. Trong đó có anh Trần Thanh Hải công tác tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình và 2 cha con tình nguyên viên Đặng Tri Thông, Đặng Minh Trí.
Trước đó, Minh Trí đã đưa xe cứu thương ra Bắc Giang rồi cùng ba vào TP. Hồ Chí Minh chống dịch. Khi dịch bùng phát tại quê nhà hai ba con này lại tất bật đưa xe về Quảng Bình hỗ trợ quê hương chống dịch.
Xem thêm video đang được quan tâm:
Thông điệp 5T: Pháo đài chống dịch COVID-19 trong tăng cường giãn cách xã hội