Về Côn Ðảo, dường như trong mỗi người đều có cảm xúc rất thiêng liêng khi đặt từng bước chân bâng khuâng trong khu Nghĩa trang Hàng Dương. Ðặc biệt đêm xuống, Nghĩa trang Hàng Dương chợt lung linh và trở thành chốn tâm linh với bao điều kỳ diệu...
Huyền ảo đêm Nghĩa trang Hàng Dương
Ở Côn Đảo dường như đêm rất ngắn và nhịp sống của cư dân trên hòn đảo này rất khác so với mọi địa danh trên đất liền. Đã gần 11 giờ đêm song các cửa hàng, khách sạn, nhà nghỉ, nhà dân ở thị trấn nhỏ này vẫn sáng đèn; đường sá nhộn nhịp từng đoàn người và xe ôtô đi, về... Bà chủ khách sạn nơi đoàn chúng tôi ở cho biết, tới tận khuya người dân và khách du lịch mới đi viếng cô Sáu!
Mộ chị Võ Thị Sáu vào ban đêm.
Đi Nghĩa trang? Sáng nay đoàn mình đi viếng rồi mà? Ban đầu tôi không khỏi thắc mắc và quả thật... ngài ngại; nhưng thấy mấy đồng nhiệp nhiệt thành, tôi đã nhập cuộc. Đoạn đường từ nhà nghỉ đến Nghĩa trang Hàng Dương gần 1km quanh co, im lìm ẩn hiện dưới táng cây xanh, đồi núi. Mọi người trong nhóm nói với nhau rất nhỏ nhẹ, khẽ khàng đến nỗi tôi nghe trong các bụi cây xanh ven đường dường nhu có tiếng gì cựa quậy, tiếng dương reo trong gió rì rào... Đi một đoạn chừng 500m, chúng tôi gặp nhiều nhóm đều là những người lớn tuổi mang hoa tươi, trái cây, nhang đèn, giấy cúng... lặng lẽ hướng về Nghĩa trang Hàng Dương.
Bước vào cổng Nghĩa Trang, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng: Toàn bộ Nghĩa trang Hàng Dương rộng chừng 20ha ánh đèn điện mờ ảo, người đi viếng chật kín các khu mộ và khói hương nghi ngút. Người viếng tập trung đông nhất ở Khu A (có 690 ngôi mộ - nơi có mộ của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong và nhà yêu nước Nguyễn An Ninh); Khu B1 (gồm 210 ngôi mộ); đặc biệt Khu B2 (485 ngôi mộ) - nơi có mộ của anh hùng Võ Thị Sáu, anh hùng Cao Văn Ngọc và anh hùng Lưu Chí Hiếu. Trên từng ngôi mộ liệt sĩ đều được cắm những cây hương đang cháy và đặt một bông hoa tươi. Từng hàng mộ chí nằm im lìm dưới ánh đèn bảo vệ của nghĩa trang, trên từng mộ chí, những cây hương tỏa khói chập chờn huyền ảo trong đêm. Chợt một cơn gió đêm từ biển thổi về, lá khô rơi xào xạc hòa trong tiếng hàng dương rì rào tạo nên thứ âm thanh mơ hồ hư thực. Nghĩa trang Hàng Dương như một bức tranh huyền ảo, lung linh giữa đêm Côn Đảo tâm linh!
Đặc biệt, tại khu vực mộ của chị Võ Thị Sáu, người viếng tập trung đông kín nhưng không ồn ào, không chen lấn và trên gương mặt mọi người đều tỏ rõ niềm thầm kính tôn nghiêm. Từng đoàn người tự giác sắp hàng và lần lượt vào thắp hương viếng chị. Trên phần mộ của nữ anh hùng, một bát hương lớn nghi ngút khói và hoa tươi, trái cây, giấy cúng, tất cả những gì người dân mang đến đều được bày cúng trang trọng. Từng hàng người đứng lâm râm khấn vái thật lâu bên mộ chị Sáu và lưu luyến như chẳng muốn rời nơi này...
Một đoàn khách chừng 20 người ngoài mang hương, hoa, trên vai mang cả ba lô, xách du lịch lặng lẽ vào viếng chị Sáu, tôi tranh thủ bắt chuyện với một bác (đó là bác trưởng đoàn) được biết, đây là đoàn Cựu chiến binh từ Nghệ An vừa đặt chân đến Côn Đảo chưa kịp tìm nhà nghỉ đã vào viếng chị Sáu và các anh hùng liệt sĩ đang yên nghĩ tại đây. Bác cho biết, trong đoàn có mấy người đã từng bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo, lần đầu về thăm lại nên nóng lòng giục đoàn phải đến ngay Nghĩa trang Hàng Dương để thắp nén hương cho những người đồng đội cũ...
Đêm càng khuya, Nghĩa trang Hàng Dương càng đông người; ngoài các đoàn khách lưu lại Côn Đảo chờ đến đêm vào viếng Nghĩa trang Hàng Dương, viếng mộ chị Sáu, chúng tôi còn gặp rất nhiều người là cư dân đang sinh sống trên hòn đảo này. Đối với người dân Côn Đảo đã từ lâu trong tâm thức họ, cô Sáu, hay bà Sáu đã trở thành “thần hộ mệnh”, bất cứ ai mong cầu điều may mắn trong công việc, làm ăn, yên lành trong cuộc sống... đều đặt niềm tin vào cô Sáu phù hộ, giúp đỡ. Bởi vậy, ban đêm, nhất là vào những đêm rằm, mồng một hàng tháng bà con đến mộ chị Sáu cúng viếng, khấn vái rất đông...
Hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ nằm rải rác trên Nghĩa trang Hàng Dương.
“Thần hộ mệnh” của nhân dân Côn Ðảo
Ở Côn Đảo trước nay có hai người liệt nữ được nhân dân tôn kính; một người được gọi là “bà” - bà Phi Yến (thứ phi của Nguyễn Ánh) và một người được bà con gọi bằng “cô”, cô Sáu - nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu.
Chuyện về bà Phi Yến kể rằng, vào năm 1783 liên tục thất bại trước quân Tây Sơn, chúa Nguyễn Ánh cho người sang Pháp cầu viện, bà Phi Yến đã khuyên can chồng rằng: “Việc đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, chúa công không nên nhờ ngoại bang, nếu thắng được Tây Sơn thì chẳng vẻ vang gì e còn lắm điều rối rắm về sau...”. Vì lời can giáng này, bà Phi Yến suýt bị chém đầu và bị chồng sai đưa ra giam cầm tại một hang đá trên hòn đảo hoang phía Tây Nam của Côn Đảo (Hòn Bà) ngày nay. Sau đó, bà bị một tên đồ tể sàm sỡ, để giữ tiết hạnh bà đã tự vẫn. Hiện nay, tại Làng An Hải có miếu thờ bà - An Sơn Miếu (Miếu Bà). Ngày 18/10 ÂL hàng năm, nhân dân Côn Đảo tổ chức cúng bà rất linh đình, bày tỏ lòng tôn kính người phụ nữ “trung trinh tiết liệt”.
Đối với nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, người con gái Đất Đỏ bất khuất, theo quan niệm của nhân dân Côn Đảo vì chị mất khi tuổi đời còn quá trẻ nên chị rất linh. Và, những câu chuyện huyền thoại về 4 tấm bia hiện đặt ở mộ chị Sáu chưa lý giải được đã làm cho nhân dân Côn Đảo và nhiều du khách đều tin “cô Sáu rất thiêng”. Chưa vội bình luận, duy chỉ biết đối với nhân dân, chị Sáu như thần hộ mệnh, nơi nương tựa niềm tin của bà con đất đảo. Bà con ở chợ Côn Đảo kể rằng, mỗi khi vào đất liền lấy hàng bà con đều ra mộ thắp hương vái cô Sáu phù hộ. Ông Bảy Oanh, một cựu tù Côn Đảo hiện làm Trưởng ban Quản lý di tích Côn Đảo cho biết, ở Côn Đảo nam nữ thanh niên trước khi làm đám cưới thường ra Nghĩa trang Hàng Dương viếng mộ cô Sáu thắp hương, cúng gương lược và khấn vái mong phù hộ cho cuộc sống lứa đôi...
Tại thị trấn Côn Đảo hiện còn vài chục gia đình trước đây từng làm gác ngục, công chức..., sau giải phóng ở lại Côn Đảo sinh sống, trong nhà họ đều có bàn thờ chị Sáu. Nhân dân ở Côn Đảo thường lấy tên chị Sáu để khuyên răn nhau làm điều lành, tránh điều ác; lúc thề thốt bà con nói: “Thề có cô Sáu chứng giám”; lúc nặng lời mắng nhau thì: “Cô Sáu vặn cổ mày...”! Dường như trong đời sống tâm linh của nhân dân Côn Đảo, chị Sáu ngoài sự ngưỡng vọng, niềm tôn kính thiêng liêng, còn là thần hộ mệnh, sự gửi gắm niềm tin trong bộn bề rủi, may của cuộc sống!
Hàng năm, ở Côn Đảo có hai ngày giỗ lớn; đó là ngày giỗ bà Phi Yến (18/10 ÂL) và ngày giỗ chị Sáu (ngày 23/1 - ngày mất của chị). Nhưng từ năm 2010 đến nay, người dân Côn Đảo lấy ngày 27 tháng Chạp ÂL làm ngày giỗ của chị Sáu. Vào ngày này, tất cả các gia đình đều nấu cúng tại nhà như cúng người thân của mình; Nhiều người mang lễ vật, hoa quả, hương đèn ra Nhà tưởng niệm ở thị trấn để cúng; Và, tại mộ chị Sáu, hoa quả, nhang đèn được bày trí rất trang nghiêm, suốt ngày đêm khói hương không bao giờ tắt...
Bài, ảnh: Thanh Dương Hồng