Hà Nội

Đêm Noel, bác sĩ không có nổi vài giây để nghỉ

25-12-2014 11:33 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại bệnh viện Chợ Rẫy, Noel là nỗi kinh hoàng của chúng tôi. Nhiều lần trực vào đêm Noel, lượng bệnh nhân chấn thương sọ não nhập viện tăng gấp 3, gấp 4 ngày thường. Trong khi mọi người vui Noel thì các bác sĩ điều dưỡng không có lấy vài giây để nghỉ.

Tại bệnh viện Chợ Rẫy, Noel là nỗi kinh hoàng của chúng tôi. Nhiều lần trực vào đêm Noel, lượng bệnh nhân chấn thương sọ não nhập viện tăng gấp 3, gấp 4 ngày thường. Trong khi mọi người vui Noel thì các bác sĩ điều dưỡng không có lấy vài giây để nghỉ.

Chúng tôi vẫn thường nói với nhau, Noel là ngày vất vả thứ nhì trong năm, sau ngày Mùng 2 Tết (nguyên đán). Khoảng thời gian sau này, mặc dù có nhiều bệnh viện có khả năng cấp cứu chấn thương sọ não nhưng Noel vẫn là thời khắc kinh hoàng đối với các bác sĩ, điều dưỡng của khoa cấp cứu và khoa Ngoại Thần kinh bệnh viện Chợ Rẫy.

Noel đầu tiên gây ấn tượng mạnh cho tôi là Noel năm 1975. Lúc đó còn có giới nghiêm, Noel là ngày được xả giới nghiêm và mọi người đổ ra đường. Không khí ồn áo, náo nhiệt. Tôi còn nhớ mãi hình ảnh 2 cô gái chạy xe đạp trên đường Tự Do, hàng chục thanh niên chạy theo sau hú hét inh ỏi. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời tôi được nhìn thấy các cô gái mặc bikini đi trên phố.

Năm 20 tuổi, tôi có một Noel buồn nhất. Lần đầu tiên xa nhà, đến một đất nước châu Âu, nơi mà người ta nghĩ Noel thông luôn qua Tết Tây, dài đằng đẵng. Biết trước là sẽ nghỉ lâu, nhà ăn sinh viên đóng cửa, tôi mua đồ ăn đủ cho hơn 10 ngày về treo đầy ra ngoài cửa sổ (ngoài trời lạnh khoảng -10 độ). Kể từ tối 23, cả một kí túc xá mênh mông chỉ còn lại một mình tôi, các sinh viên trong nước hoặc ở các nước phát triển về nhà hết, những sinh viên nước ngoài khác không biết biến đi đâu. Tất cả hàng quán đóng cửa. Một mình tôi dạo bước trong một thành phố mênh mông, trắng xóa một màu của tuyết. Mãi đến ngày 30 không khí ồn ào náo nhiệt mới trở lại, nhiều sinh viên trở lại kí túc xá. Đêm giao thừa, mọi người đổ ra đường, uống, uống và uống. Tôi trở về phòng ký túc xá lúc 2 giờ sáng. Trong phòng tôi lúc đó có 4 cô gái lạ hoắc đang nằm ngủ lăn lóc từ trên giường xuống dưới sàn. Các mùa Noel sau, chúng tôi tập trung một nhóm sinh viên Việt Nam lại với nhau. Trước khi đi, chúng tôi không quên nhắc nhau khóa chặt cửa, phòng khi các cô cậu say khướt vào nhầm phòng.

 	Trong khi mọi người vui Noel thì các bác sĩ điều dưỡng không có lấy vài giây để nghỉ. Ảnh: Tuấn Anh.

Trong khi mọi người vui Noel thì các bác sĩ điều dưỡng không có lấy vài giây để nghỉ. Ảnh: Tuấn Anh.

Noel năm 1999, tôi đang học tại Nhật. Người Nhật không kỉ niệm ngày Noel, nhưng Tết Tây là tết lớn của họ. Tôi và anh bạn người Trung Quốc được phân công trực bệnh viện ngay đêm giao thừa. Chúng tôi rất lo vì đêm đó là đêm chuyển giao thế kỉ, đêm của sự cố Y2K. Đến 8 giờ tối thì thầy chúng tôi, BS. Marumo, đồng thời là chủ bệnh viện, vào viện, ông trực thay cho chúng tôi và cho chúng tôi đi chơi vì không biết đến bao giờ chúng tôi mới biết đến không khí Tết ở Nhật. Ông đưa mỗi đứa chúng tôi một tờ giấy, trên đó ghi rất rõ ràng những hướng dẫn về sự cố Y2K, cách trở về nhà khi không có tàu, cách xử trí trong tình huống xấu nhất… và không quên đưa chúng tôi mỗi đứa một phong bao lì xì, trong đó có 1 mal (10.000 yên) như là quà Tết. Chúng tôi lang thang từ Osaka đến Kyoto suốt đêm cho đến sáng, may mà chẳng có sự cố nào xảy ra.

2 năm sau đó, tôi kỉ niệm Noel trên đất Mỹ. Lúc đó tôi ở nhà của GS. Yeung. Ông là người gốc Hoa, không biết ông có kỉ niệm Noel và năm mới đúng theo kiểu Mỹ không dù trong gia đình ông tôi gần như không nghe thấy nói tiếng Hoa. Mở đầu Noel tôi tham dự lễ của Rotary Club, nơi tập trung toàn là các triệu phú Mỹ. Mặc dù họ chỉ gọi tên mà không gọi họ của nhau nhưng lại rất lịch sự. Tôi được giới thiệu là người đến từ Việt Nam theo lời mời của Hội Phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu Hoa Kỳ như một hành động hàn gắn vết thương chiến tranh Việt Nam. Rất nhiều người, trong đó có cả những cựu binh chiến tranh Việt nam đến nói chuyện với tôi. Từ sau buổi lễ của Rotary Club ấy, tối nào tôi cũng được dự một buổi party ở các gia đình bạn bè của GS. Yeung, trong đó, buổi lễ ấn tượng nhất là buổi lễ tại nhà của GS. Yeung, nơi tập trung rất nhiều nhân vật trong giới thượng lưu Hoa Kỳ.

Cũng vào năm đó, lần đầu tiên trong đời tôi có một giao thừa (Tết Tây) thật đặc biệt. Tối 31/12 tôi bắt đầu bay từ LA về Việt Nam. Đúng vào thời điểm giao thừa, máy bay bay qua phân tuyến 0 về thời gian. Đang từ ngày 31/12 tôi đi thẳng tới ngày 2/1 mà không có ngày đầu năm mới. Thật là một kỉ niệm để đời…

BS. Võ Xuân Sơn

Mọi bài vở tham gia diễn đàn xin gửi về email: bandientuskds@gmail.com. Các bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không phải quan điểm của tòa soạn. Trân trọng cảm ơn!

 


Ý kiến của bạn