Hà Nội

Đêm nhớ Bác

02-09-2019 08:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS -Đêm rất sâu con nằm mơ thấy Bác


Quần áo nâu sồng như một lão nông
Sớm tinh mơ Người vác cuốc thăm đồng
Trò chuyện cùng người già , tay bế bồng con trẻ

Trong giấc mơ con thấy Người lặng lẽ

Giọt nước mắt rơi trên những cánh đồng
Với những người nghèo
Người không gọi “đám đông”!
Trong giấc mơ bước chân Người rất khẽ
Sợ làm đau cây lúa quê nghèo
Những hạt lúa cũng mang hồn Đất nước
Bão giông đã qua rồi …
Giông bão lại nhiều hơn!
Những hạt lúa mang trong mình nước mắt
Của cha rơi trên áo mẹ bạc sờn
Đêm nhớ Bác con thấy mình có lỗi
Trong giấc mơ mà thấy Bác ưu tư…!

Tháng 5 năm 2012

Trần Sĩ Tuấn

LỜI BÌNH CỦA NGƯỜI YÊU THƠ:

Theo như ngày tháng ghi dưới tác phẩm, thì đây là bài thơ được sáng tác vào dịp kỷ niệm 122 năm sinh nhật Bác Hồ kính yêu. Đấy cũng là thời điểm Nghị quyết  Tam nông (Nông nghiệp, nông dân, nông thôn) của Trung ương Đảng đang được quán triệt sâu rộng và triển khai thực hiện bằng những chính sách cụ thể. Và như thế, có thể nói Đêm nhớ Bác là một cách “thực hiện” Nghị quyết về nông nghiệp, nông dân và nông thôn bằng thơ; một hành động tâm huyết thiết thực hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của nhà thơ Trần Sĩ Tuấn.

Nhưng những sự “thực hiện”, “hưởng ứng” trên đây không nghiêm ngắn “đanh thép” như những dòng Nghị quyết, mà nó được mềm mại hóa, thi vị hóa bằng một giấc mơ - một không gian ảo với những ảnh hình kỳ ảo. Bài thơ 17 câu chia làm 4 khổ không đều nhau, mà có tới 4 lần xuất hiện từ “giấc mơ”, như một cách nhấn mạnh lưu ý người đọc về cái không gian ảo với những ảnh hình kỳ ảo trên đây. Và dụng ý nghệ thuật ấy của tác giả là khá đắc dụng.

Ảo mà thật đấy, vì giấc mơ là hồi quang của hiện thực, là một dạng thức đặc biệt của tư duy con người. Thường thì người ta chỉ “mơ thấy” những gì mình đã từng nhìn thấy, trải qua; những gì mình bị ám ảnh, ấn tượng; những gì mình quan tâm, trăn trở… Theo đó mà suy, có thể nói những vấn đề của đời sống nông nghiệp, nông dân và nông thôn hôm nay đang là những điều khiến nhà thơ quan tâm, trăn trở thường trực trong tâm trí. Và những hình ảnh về Bác Hồ kính yêu năm xưa vác cuốc thăm đồng, nâng trên tay từng nhánh lúa, trò chuyện với bà con nông dân chân lấm tay bùn, đạp nước chống hạn cùng bà con… cũng đã khắc sâu trong tâm trí tác giả từ rất lâu. Những suy tư và hình ảnh ấy dồn tích, tiềm ẩn bấy nay trong tâm thức tác giả, đến một thời điểm giao thoa với thời sự của cuộc sống hiện tại (nhân dịp sinh nhật Bác, phong trào thực hiện Nghị quyết Tam nông) thì hiện ra cụ thể, sinh động (trong giấc mơ):

 

Đêm rất sâu con nằm mơ thấy Bác

Quần áo nâu sồng như một lão nông

Sớm tinh mơ Người vác cuốc thăm đồng

Trò chuyện cùng người già, tay bế bồng con trẻ…

Ngoài chi tiết tác giả thấy Bác Hồ “trò chuyện cùng người già” (xin lưu ý động từ “thấy” chứ không phải là “nghe”), toàn bộ bài thơ là một trạng thái “vô ngôn”. Bác Hồ lặng lẽ với những Giọt nước mắt rơi trên những cánh đồng và những bước chân Người rất khẽ. Tác giả cũng lặng lẽ trước Người và trước cánh đồng. Nhưng người đọc thì “nghe” được rất nhiều. Bởi vì những Giọt nước mắt rơi trên những cánh đồng; những cây lúa quê nghèo; những manh áo mẹ bạc sờn… đã nói lên rất nhiều điều của đời sống nông thôn hôm nay. Đất nước đã độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất mấy chục năm, mà sao người nông dân vẫn nghèo, nông nghiệp vẫn bấp bênh, nông thôn vẫn còn bao điều nhức nhối? Sinh thời Bác Hồ từng nói: Nước độc lập mà dân vẫn chưa hạnh phúc thì độc lập ấy chẳng có ý nghĩa gì! Đó cũng là những vấn đề thời sự trăn trở của toàn Đảng, toàn dân ta. Đáng buồn hơn là trước thực tế phũ phàng Bão giông đã qua rồi…/ Giông bão lại nhiều hơn! Giông bão của thiên nhiên và giông bão của cuộc sống, của cơn lốc đô thị hóa, của những mặt trái cơ chế thị trường, của sự suy thoái và biến chất… Cho nên:

Đêm nhớ Bác con thấy mình có lỗi

Trong giấc mơ vẫn thấy Bác ưu tư

“Thấy mình có lỗi” là một trạng thái tâm lý rất nhân văn và trách nhiệm. Thật hồng phúc cho đất nước khi vẫn còn nhiều người “thấy mình có lỗi” và đang cùng nhau hợp lực, đồng tâm để đấu tranh, khắc phục và vươn lên!

Đêm nhớ Bác là một câu chuyện ngắn gọn, mộc mạc, giản dị với những thi ảnh và thi pháp cũng hết sức mộc mạc, giản dị như đạo đức, phong cách của Bác Hồ muôn vàn kính yêu. Hai câu kết của bài thơ thật chân tình và “thiệt thà” quá đỗi. Sự mộc mạc, giản dị, chân tình… đã làm nên sức lay động của bài thơ.

TUYÊN HÓA

 

Thơ: Trần Sĩ Tuấn - Nhạc: Thuỵ Kha - Ca sĩ: Hồng Nhung

 


Ý kiến của bạn