Mưa ở đâu cũng buồn. Mưa ở một vùng ngoại thành Hà Nội càng buồn. Vào một đêm mưa như thế, trong một căn phòng tuềnh toàng nhưng trên kệ có rất nhiều sách báo, chủ nhà là một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi đang ngồi cắm cúi trước bàn viết vẽ cái gì. Trên bàn là một tô mỳ tôm đang ăn dở và một cốc nước trắng. Thỉnh thoảng anh lại dừng lại, nhìn lên vẻ đau xót khi từ trong phòng khẽ vang ra một tiếng ho non nớt của trẻ em.
Ngoài trời mưa gió ào ạt, gió thổi tung những trang giấy xuống đất. Anh đứng dậy đóng chặt cửa sổ. Đêm có vẻ đã vào khuya. Thỉnh thoảng vọng vào những tiếng rao của người bán bánh bao hay xôi nóng buồn nẫu ruột. Anh mỏi mệt định đứng dậy đi nằm thì lại chợt có tiếng gõ cửa. Cửa mở. Bỗng hiện ra ở bậu cửa một thân hình con gái mặc bộ đồ công nhân ướt sũng. Cô nói mà run cầm cập:
- Em… xin lỗi! Em.. em không định nhưng…ngoài kia… rét quá!
- Cô vào hẳn trong này không mưa táp - Anh đóng nhanh cửa lại rồi nhìn cô từ đầu đến chân - Nhưng… cô ở đâu mà làm sao lại gõ cửa nhà tôi lúc đêm hôm rét mướt thế này?
Cô gái ngồi xuống, hai hàm răng vẫn còn đánh vào nhau:
- Tại... tại em thấy đèn nhà anh còn sáng. Anh… nhà có trà không? Làm ơn cho em xin một chén, thật nóng vào.
- Có - Đưa khăn và áo cho cô gái - Nhưng trước hết, cô lấy cái khăn này vào trong kia lau qua người đi cái đã và khoác tạm chiếc áo len này kẻo cảm lạnh chết.
- Cảm ơn anh… Anh tốt quá nhưng thôi, cứ kệ em, em quen rồi. Vả lại người em… bẩn lắm!
- Tùy cô. Tôi đi pha trà.
Anh bước vào phòng trong và khi quay ra thoáng sững người khi thấy cô đang tự nhiên mở khuy áo, luồn khăn vào phía trong người để lộ ra một khuôn ngực tròn căng, trắng nõn. Anh bối rối rót ly trà đưa cô.
- Trà… pha rồi đây, cô uống đi, trà Thái đấy.
Cô gái vội đưa lên miệng tợp một ngụm, xuýt xoa:
- Ngon quá!... Sao anh pha khéo thế? Em ở đất chè mà chưa bao giờ được uống một chén trà ngon thế này. Cho em chén nữa!... Thôi cứ đưa cả ấm đây để em tự uống - Vẫn tự nhiên, cô đưa vòi ấm lên miệng uống một hơi dài - Ơ hết rồi, nhà còn nước sôi không anh?
- Để tôi đun.
- Thôi, không uống nữa - Chợt ôm bụng gập người xuống - Em dại rồi.
- Cô làm sao?
- Em… đói! Cả ngày nay chưa có cái gì vào bụng. Lại uống trà nữa.
- Sao không nói ngay. Nhà không còn gì, để tôi chạy ù ra phố mua cái gì cho cô ăn tạm vậy nhé!
- Khuya thế này lại mưa rét nữa, làm gì có quán nào mở.
- Hay là thế này… Lát nữa chờ mưa tạnh, tôi đưa tiền cho cô đi ăn cái gì vậy, được không?
Cô gái bỗng khóc òa:
- Nhà em vô phúc. Bố mẹ mất sớm, chồng nghe người ta xui dại xui khôn đi đào vàng cũng chết nốt, thế là em phải gửi con bỏ làng ra đi. Ngồi trên tàu em lại bị chúng nó trấn sạch đồ đạc, tiền nong. Cái số em nó khổ quá anh ơi…
Chủ nhà vẻ khổ sở loay hoay đi đi lại lại không biết nói gì rồi chợt vỗ hai tay vào nhau:
- Tốt rồi. Nhà vẫn còn ít cơm nguội, hay là tôi rang tạm lên nhé!
- Cơm nguội hả anh? - Mắt cô sáng lên như mắt trẻ thơ nhìn thấy quà.
- Ừ, còn cả chút cá kho với dưa muối nữa.
Đến lượt cô vỗ tay:
- Trời! Thế thì nhất rồi. Cần gì phải rang, anh cứ vẽ. Em thích cơm nguội ăn với cá kho lắm!
Anh đi nhanh vào phòng mang ra một tô cơm và đôi đũa đưa cho cô. Không khách sáo, cô đỡ lấy, nói một câu “Em ăn nhá!” rồi và luôn, ăn rất ngon, thoáng cái là hết rồi đưa đôi đũa lên gạt qua miệng.
- Em ăn hết rồi - Cô cười tươi - Đời em chưa bao giờ được ăn một bữa ngon ơi là ngon thế này. Kể còn bát nữa em cũng ăn hết.
Lúc đó, chủ nhà vẻ hơi sốt ruột nhìn ra ngoài:
- Hình như trời có chiều… tành tạnh rồi.
- Đâu, mưa có phần nặng hạt hơn ấy chứ - Cô cãi.
Trong phòng lại có tiếng ho non nớt vang ra… Cô hơi nhíu mày lại:
- Cháu đấy hả anh! Nó đang ốm à?
- Không… Trở trời, trẻ con ấy mà.
- Anh phải nhớ mặc ấm cho cháu khi đi ra ngoài đấy.
- Cảm ơn! - Lại sốt ruột nhìn ra ngoài - Mưa… lâu nhỉ?
Cô gái không cần biết điều đó, vẫn như không:
- Anh, có thuốc cho em điếu. Ăn xong thiếu điếu thuốc nó nhạt miệng thế nào.
Chủ nhà bắt đầu khó chịu:
- Xin lỗi, tôi chỉ hút thuốc lào.
- Ấy chết, người trông đẹp thế kia ai lại thuốc lào! Cẩn thận không bà chị em lại chê, mất vợ như bỡn đấy ông anh ạ! Mà chị em đâu hả anh?
- Nhà tôi đi vắng - Anh buông một tiếng trống lổng.
- Thảo nào, đàn ông ở một mình chỉ cần… ngửi cái là biết ngay, nó cứ tanh tanh thế nào ý.
Đến đây thì anh không cần ý tứ nữa, lạnh mặt:
- Xin lỗi, đã quá nửa đêm rồi, vậy cô có thể cầm cái áo mưa của tôi mà dùng, mà cầm luôn cũng được, cả cái áo len nữa, tôi còn bận chút việc.
Cô gái sững lại một chút rồi méo giọng như sắp khóc:
- Thì ra anh cho em ăn no rồi anh đuổi em đi đấy à?
- Ấy, tôi đâu dám - chủ nhà luống cuống - Tôi chỉ… quả thực là…
- Anh ác lắm! Trời đang mưa to, em biết đi đâu? Anh chỉ coi em như con ăn mày ăn nhặt, thậm chí như con chó đói vậy thôi sao?
- Khổ quá! - Anh vò đầu - Thì cô cứ ở nhưng… nhà tôi có mỗi cái giường.
Cô gái chợt nhoẻn cười:
- Thì em nằm đất, đời em ăn đất nằm cát quen rồi.
- Thôi thì tùy cô - Mở tủ, lấy chiếc võng ra mắc ngang nhà - Cô nằm tạm, tôi cũng phải vào với cháu.
Cô gái nằm xuống võng, khẽ đung đưa:
- Ôi, êm quá! Đời em chưa bao giờ được nằm êm thế này - Che miệng ngáp - Thôi em ngủ trước đây.
Chủ nhà khẽ lắc đầu nhìn cái thân hình đàn bà vô tư nằm chườn ườn giữa nhà rồi đưa tay tắt công tắc đèn, bước vào phòng. Đêm càng vắng lặng. Chỉ có tiếng ho của cô bé chốc chốc lại vang lên như điểm thời gian.
*
Mờ sáng. Tiếng rao bánh mỳ đã đánh thức anh dậy. Mở cửa phòng đi ra, bật đèn và anh chợt sững người: Chiếc võng vẫn còn đó nhưng cô gái đã biến mất. Anh nhìn quanh quẩn rồi như chợt vỡ ra điều gì vội cúi xuống rút chìa khóa mở tủ… Gói tiền trong đó đã biến mất. Anh giơ hai tay lên trời, tuyệt vọng:
- Thật khốn nạn!
Vừa lúc bà hàng xóm bước vào. Trên tay cầm một cái túi ni lông, giọng xởi lởi:
- Sao? Con bé đêm qua có đỡ ho hơn không? Khổ, nằm bên kia nghe tiếng nó ho mà xót hết cả ruột. Sáng nay, cậu đưa nó đi khám đi!
- Dạ, em… em…
- Em em cái gì, lại có lý do lý trấu phải không? Nếu cậu bận thì để tôi đưa nó đi cho. Có mỗi mụn con mà…
- Dạ, không phải thế nhưng… quả thật em…
Bà hàng xóm dằn hắt:
- Nói thật, làm thằng bố cù lần như cậu, con vợ nó bỏ cũng phải. Đi!
Đến đây, anh thả người ngồi phịch xuống:
- Chị ơi… em mất hết rồi!
- Hả? - Bà hàng xóm trợn trừng - Mất? Cái gì mất? Sao mà mất?
- Em chả nói giấu gì chị, tại… tại đêm qua có đứa con gái vào xin trú nhờ…
- Và cậu cho vào?
- Tại… cô ấy đói quá, rét quá, lại ướt sũng nữa!
- Rồi nó xin ngủ lại?
- Dạ… ngủ.
- Nó chừng bao nhiêu tuổi?
- Khoảng… khoảng gần ba mươi.
- Thân hình săn chắc?
- Săn… nhưng mà chị ơi, em không làm gì cả… em không phải loại người ấy…
Bà hàng xóm vẫn áp đảo:
- Đàn ông đàn ang ở một mình, có trời biết chỗ ma ăn cỗ. Cậu nghe đây, nếu đúng như cậu nói thì lại là chuyện khác, còn không phải thì coi như trả tiền, sòng phẳng, có gì đâu nào, mặc dù giá hơi cao.
Anh nổi cáu:
- Chị thôi đi! Tôi chưa đến nỗi khốn nạn thế đâu. Và lúc này tôi cũng không muốn ai đến dạy khôn tôi, cảm ơn!
Bà hàng xóm bỗng cười khanh khách rồi đặt phịch cái túi ni lông xuống mặt bàn:
- Thế còn cái túi này, cậu có nhận không hay là để tôi đem vứt thùng rác?
Anh trố mắt:
- Túi gì?... Của tôi?
- Chả lẽ lại của tôi ư? Vừa nãy có người gửi cho cha con cậu đó.
- Ai?
- Cứ mở ra thì biết. Thôi, tôi về. Lát nữa có cho con bé đi khám, nhớ ghé qua tôi lấy cái khăn quấn vào cho nó.
Bà đi ra, sau khi để lại một nụ cười rất hóm. Còn lại một mình, anh vội mở miệng túi, lôi ra một gói nhỏ. Anh mở tiếp cái gói và chợt sững người: Đúng là tệp tiền của anh để trong tủ, chỉ khác nó có thêm một tờ giấy bọc ngoài, tờ giấy có những hàng chữ viết vội, nhoe nhoét nước mưa. Anh lập cập đưa lên mắt… Tiếng nói cô gái trú mưa đêm qua vang lên, giọng nói buồn buồn khác hẳn:
“Chắc anh đang chửi rủa em là con ăn cắp, con khốn nạn? Vâng, em khốn nạn thật, anh có chửi thế nào cũng chưa đáng. Rồi em sẽ khốn nạn luôn nếu như không nhìn thấy tờ giấy cho vay nợ để chữa bệnh cho con của người bạn anh. Thì ra anh cũng khổ quá, khổ chả thua gì em. Lại biết anh từng là bộ đội, lại bị vợ bỏ đi theo trai nữa nên em nhờ bà gì trả lại cho anh cái gói này. Em cũng dành dụm được một tý, em xin cộng thêm vào cho cháu. Chúc hai cha con chóng qua được cái đận này…”.
Anh hạ tờ giấy xuống. Nước mắt bỗng nhòe đi…
Nhà văn Chu Lai