giúp cải tiến các bước chẩn đoán, chữa trị và phòng ngừa các bệnh lý tai mũi họng. Để hiểu rõ hơn về những tiến bộ này, phóng viên báo Sức khoẻ & Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS. TS. Phạm Tuấn Cảnh - Trưởng bộ môn Tai Mũi Họng Trường Đại học Y Hà Nội, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.
PGS.TS. Phạm Tuấn Cảnh.
Phóng viên: Thưa PGS. xin ông cho độc giả của báo Sức khoẻ & Đời sống được biết những thành tựu nổi bật của khoa học kỹ thuật trong chuyên ngành tai mũi họng?
PGS. TS. Phạm Tuấn Cảnh: Từ cuối thế kỷ 20 và đầu những năm của thế kỷ này chuyên ngành tai mũi họng đã có rất nhiều tiến bộ vượt bậc trong chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa các bệnh lý tai mũi họng. Trong đó phẫu thuật nội soi mũi xoang được coi là cuộc cách mạng trong phẫu thuật mũi xoang. Trước đây để phẫu thuật xoang người ta phải đục xương mặt trước xoang để lấy đi tổ chức viêm, khiến bệnh nhân bị mất rất nhiều máu trong quá trình phẫu thuật... thì nay nhờ phẫu thuật nội soi các bác sĩ vẫn giải quyết được bệnh lý của xoang, giữ được chức năng sinh lý xoang, người bệnh không mất nhiều máu... Hơn nữa nhờ kỹ thuật này các phẫu thuật viên có thể đi sâu vào nền sọ, lấy đi khối u ở trong não như u tuyến yên bằng cách đi qua đường xương bướm, vì vậy đã giảm thiểu được xâm lấn, giảm thiểu việc phá huỷ tổ chức của bệnh nhân rất nhiều, đem lại kết quả vượt trội cho người bệnh và cả phẫu thuật viên. Gần đây kết hợp với mổ nội soi các phẫu thuật viên còn có thể kết hợp với hệ thống định vị, giúp tránh được nhiều biến chứng trong quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên có được cảm giác không gian ba chiều –nên thực hiện các thao tác phẫu thuật chính xác hơn, lấy được đúng phần cần lấy bỏ đi, biết được đâu là ranh giới an toàn cho người bệnh... Phương pháp mổ nội soi kết hợp hệ thống định vị có khoảng 20 - 30 năm nay, các máy thế hệ mới thì có khoảng 10 năm nay. Ở nước ta các kỹ thuật này đều đã được áp dụng ở các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa tai mũi họng lớn. Mổ xoang được áp dụng trong các trường hợp viêm xoang tái phát mà điều trị nội khoa (dùng thuốc) không có kết quả, các trường hợp viêm xoang có biến chứng được chỉ định phẫu thuật, polyp mũi, các khối u vùng mặt, đầu, cổ...
Đối với tai có kỹ thuật cấy điện cực ốc tai. Trước đây những đứa trẻ sinh ra bị điếc bẩm sinh, vì không nghe được khiến trẻ không nói được, gọi là bệnh câm điếc bẩm sinh thì nay nhờ cấy điện cực ốc tai, đưa thiết bị thay thế những phần tai bị hỏng, sau đó tập luyện bệnh nhân có thể nghe được, sau đó nói được. Kỹ thuật này đã mang lại chất lượng sống, sự hoà nhập xã hội cho những người không may bị khiếm khuyết này. Kỹ thuật được thực hiện cho các trẻ bị điếc bẩm sinh càng sớm càng tốt, ngay trong quá trình hình thành ngôn ngữ ở đứa trẻ, tốt nhất là dưới 2 tuổi, muộn nhất là 4 tuổi. Đối với người lớn, những trường hợp điếc sau ngôn ngữ, có nghĩa là người bệnh đã từng nghe, nói được nhưng vì tai biến, chấn thương hoặc một lý do nào đó khiến người ta không nghe được nữa thì có thể cấy điện cực ốc tai. Còn những trường hợp điếc trước ngôn ngữ, người bệnh không nói được, hoặc bị điếc bẩm sinh mà không được cấy ghép sớm... thì không cấy điện cực ốc tai được. Các máy cấy điện cực ốc tai có giá thành tương đối cao, khoảng 500 – 700 triệu đồng tuỳ theo từng loại máy. Tuy giá thành cao nhưng cấy điện cực ốc tai đã mang lại cả cuộc sống bình thường cho đứa trẻ sau này, đứa trẻ sẽ không phải sống trong cảnh câm điếc cả cuộc đời.
Thứ ba là tạo hình. Trước kia khi chưa có kỹ thuật tạo hình, các phẫu thuật viên không tự tin khi lấy bỏ hết các tổ chức bệnh cho bệnh nhân, họ cũng không biết lấy cái gì để đóng vết mổ lại sau khi đã lấy bỏ đi vì không thể để những lỗ hổng lớn cho bệnh nhân. Ngày nay nhờ kỹ thuật tạo hình, phẫu thuật viên yên tâm nạo bỏ hết các tổ chức viêm, các khối u, đảm bảo triệt để, khỏi bệnh và yên tâm đóng vết mổ cho bệnh nhân bằng những vạt có cuống hoặc không cuống. Chẳng hạn như lấy mảng cơ ở đùi, cơ ngực lớn... ghép vào mặt cho bệnh nhân, cắt một đoạn xương cẳng chân ghép lại trong phẫu thuật lấy u sọ não... Hoặc tái tạo cơ quan bị khiếm khuyết khi trẻ sinh ra không có vành tai, các bác sĩ có thể lấy sụn sườn cấy vùng da nuôi sống rồi ghép và tạo thành vành tai mới cho đứa trẻ...
Thứ tư là công nghệ sinh học phân tử trong điều trị ung thư nói chung, ung thư tai mũi họng nói riêng. Người ta đã tìm ra những gen liên quan đến khối u, tìm ra những con vi-rút có liên quan đến ung thư như HPV, EBV... từ đó có giải pháp phòng và điều trị như dùng phương pháp điều trị đích, thuốc đích để chữa ung thư như trong ung thư biểu mô tế bào vẩy, biểu mô tuyến trong tai mũi họng...
Phóng viên: Thưa PGS. liệu các tiến bộ này có mặt hạn chế nào không?
PGS. TS. Phạm Tuấn Cảnh: Những tiến bộ về khoa kỹ thuật rõ ràng mang lại chất lượng vượt trội trong chẩn đoán, điều trị các bệnh lý tai mũi họng so với các kỹ thuật cổ điển. Mặt hạn chế lớn nhất của các tiến bộ kỹ thuật này chính là vấn đề kinh tế. Để thực hiện được các tiến bộ kỹ thuật cao đòi hỏi rất nhiều yếu tố không chỉ là các trang thiết bị máy móc hiện đại, thế hệ mới với giá thành khá cao mà cả khâu đào tạo con người để sử dụng được thành thạo các trang thiết bị này cũng đòi hỏi rất nhiều nguồn lực. Ngoài ra, cái gì cũng có hai mặt của nó. Các tiến bộ này nếu không được thực hiện đúng quy trình, chính xác có thể dẫn đến những tai biến như chảy máu, thủng... trong phẫu thuật nội soi... Trong phẫu thuật ngay cả với các phẫu thuật viên thành thạo, giỏi, có nhiều kinh nghiệm với dàn máy móc thế hệ mới, hiện đại sai sót vẫn có thể xảy ra.
Nội soi có sử dụng hệ thống định vị là một bước tiến đáng kể trong lĩnh vực tai mũi họng.
Phóng viên: Ông có thể cho biết người dân Việt Nam đã được hưởng lợi đầy đủ từ các kỹ thuật này chưa?
PGS. TS. Phạm Tuấn Cảnh: Tất cả các kỹ thuật hiện đại về cơ bản đều có ở Việt Nam, tất nhiên chúng ta có đi sau thế giới một chút, nhưng về cơ bản, thế giới có những tiến bộ khoa học kỹ thuật nào trong tai mũi họng, Việt Nam chúng ta đều cập nhật được, chỉ có mức độ phổ biến của Việt Nam đến đâu thôi. Những cơ sở không có điều kiện thì tất nhiên cũng khó có thể trang bị và cập nhật các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới. Vì vậy có thể nói người dân Việt Nam được hưởng lợi đầy đủ các tiến bộ của khoa học kỹ thuật tiên tiến về tai mũi họng ngay trên đất nước mình, trừ những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, những nơi còn hạn chế về kinh tế, trình độ phát triển thì người dân ở đây vẫn chưa có được những tiến bộ khoa học kỹ thuật này.
Một điều nữa tôi muốn nhấn mạnh thêm, ngoài việc hưởng lợi các tiến bộ khoa học kỹ thuật thì việc khám tai mũi họng thường kỳ rất nên được chú trọng trên mọi miền của tổ quốc. Bởi trong xã hội ta hiện nay do vấn đề ô nhiễm, do những tác động từ bên ngoài... khiến tỉ lệ người mắc bệnh tai mũi họng ngày càng gia tăng, trong đó các bệnh lý ung thư vùng tai mũi họng cũng khá phổ biến. Vì vậy ngoài việc khi có bệnh lý về tai mũi họng người bệnh cần đi khám chuyên khoa tai mũi họng ngay thì vấn đề khám định kỳ tai mũi họng cũng hết sức quan trọng. Mới đây qua thăm khám sức khoẻ định kỳ cho cán bộ công nhân viên của một số bệnh viện lớn đã phát hiện ra nhiều trường hợp mắc bệnh ung thư vì các triệu chứng của bệnh ung thư hết sức thầm lặng. Vì vậy tôi đề cao giá trị của việc thăm khám sức khoẻ định kỳ. Những người có tuổi việc làm này càng cần thiết. Hàng năm người dân nên kiểm tra tai mũi họng một lần. Ngoài ra, cần chấm dứt tình trạng khi có bệnh người bệnh tự ra hiệu thuốc mua thuốc về chữa vì như vậy rất nguy hiểm, khiến cho việc điều trị không đúng, gây tốn kém về tài chính, làm suy yếu sức khoẻ của người bệnh, làm gia tăng tình trạng kháng thuốc cùng rất nhiều hệ luỵ khác. Bởi vì nhiều bệnh có biểu hiện giống nhau nhưng chỉ có bác sĩ mới chẩn đoán chính xác đó là bệnh gì.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!