Cùng hướng về biên giới
Để khảo sát cho chương trình, từ cách đây một tháng, giữa thời tiết nắng như đổ lửa, Đại tá Đặng Ngọc Hiệu - Phó Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế, Trung tá Hồ Văn Việt - Phó Chủ nhiệm Chính trị BĐBP Thừa Thiên Huế cùng Trung tá Lê Văn Tiến - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị vẫn đội nắng, khảo sát, tính toán đến từng chi tiết nhỏ tại khu vực Nhà Văn hóa xã Đông Sơn - địa điểm tổ chức chương trình "Biên cương đêm hội trăng rằm" để bàn thảo cặn kẽ các phương án cụ thể để mang lại cho trẻ em nơi đây một ngày vui ý nghĩa.
"Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết đây là lần đầu tiên các cháu nhỏ trên địa bàn được tổ chức vui Trung thu, xem múa lân, gặp chị Hằng, chú Cuội và vui phá cỗ nên càng quyết tâm tổ chức thật đủ đầy, ấm áp", Đại tá Đặng Ngọc Hiệu bày tỏ.
Những món quà của các nhà hảo tâm gửi gắm đến các em qua BĐBP Thừa Thiên Huế sẽ được trao đến tận tay các em bởi lên đến gần 100 triệu đồng gồm 42 suất học bổng "Nâng bước em tới trường" và hơn 350 suất quà cùng các mâm cỗ Trung thu, đèn lồng, đèn ông sao…, nhưng trách nhiệm và yêu thương dành cho các cháu là không đong đếm.
Ông tâm sự: "Chúng tôi chuẩn bị kỹ càng mọi chi tiết, để dù thời tiết không ủng hộ, thì có một vầng trăng yêu thương vẫn được thắp lên; niềm vui, mong đợi của các cháu nói riêng, nhân dân xã Đông Sơn được trọn vẹn".
Khi nhận được "ngỏ lời" cùng đồng hành mang niềm vui đến với tuổi thơ A Lưới, Thầy thuốc Ưu tú Trần Tựu - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần dược phẩm Savi lập tức nhận lời hỗ trợ trên 300 suất quà cho trẻ em nghèo trị giá 100.000đ/suất và 20 phần học bổng "Nâng bước em tới trường" trị giá 500.000đ/suất.
Ông Trần Tựu chia sẻ, năm 1972, sau khi tốt nghiệp Đại học Dược Hà Nội, ông đã xung phong đi B làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho đồng bào, đồng chí ở các vùng căn cứ cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Khi đó, ông đã cùng đồng đội hành quân vượt Trường Sơn suốt nhiều tháng và đã đi qua bao bản làng bình dị của bà con Pa Kô, Vân Kiều, nên luôn ghi nhớ tấm lòng và sự giúp đỡ của bà còn dành cho cán bộ cách mạng. Nên hôm nay, được góp chút tấm lòng để cùng BĐBP Thừa Thiên Huế chung tay lo cho trẻ em Đông Sơn, A Lưới một cái Tết Trung thu ấm áp, đối với ông là một niềm hạnh phúc.
"Tôi đã lựa chọn những món quà thật gần gũi với các em như bánh trung thu, bàn chải đánh răng, khăn mặt, tất ấm… để các con có thể cùng gia đình thưởng thức chiếc bánh của tình đoàn viên, nhưng cũng luôn ý thức việc giữ gìn sức khỏe, giữ gìn vệ sinh cá nhân. Tôi rất xúc động khi được các đồng chí trong Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế gửi tặng bức tranh do các em học sinh vùng biên A Lưới vẽ tặng. Tôi thấy mình như trẻ lại, cảm giác thân thương như năm nào cùng đồng đội vượt rừng vượt núi vào Nam được đồng bào chở che, đùm bọc" – Thầy thuốc Ưu tú Trần Tựu nói.
Không chỉ có những người có tình cảm sâu nặng với đồng bào Trường Sơn như Thầy thuốc Ưu tú Trần Tựu, mà ngay cả những người bạn trẻ đến thừ thủ đô Hà Nội cũng đã chung tay gửi yêu thương đến với trẻ em vùng biên này. Từ kết nối của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, Đoàn Thanh niên Báo Quân đội Nhân dân đã hỗ trợ 20 triệu đồng , 25 thùng sữa và nhóm thiện nguyện "Đôi giày cũ" hỗ trợ gần 400 gấu bông và bánh kẹo, đồ dùng học tập…
Dù thời tiết không được thuận lợi, nhưng Trung úy Vũ Ngọc Tú, đại diện cho Báo Quân đội Nhân dân và chị Phạm Thị Minh Huệ đại diện nhóm thiện nguyện vẫn vượt gần 800km đường lên với trẻ em Đông Sơn, cùng vui "Biên cương đêm hội trăng rằm".
"Chúng tôi cũng rất xúc động trước trách nhiệm, yêu thương của các anh, các chị BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế dành cho các cháu. Điều đó xây dựng niềm tin trong lòng các mạnh thường quân, để những mùa trung thu tiếp theo, hoặc bất cứ lúc nào, chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đồng hành, mang yêu thương đến cho trẻ em ở khu vực biên giới Thừa Thiên Huế"- Trung úy Vũ Ngọc Tú nói.
Náo nức đêm trăng vui
Trung tá Hồ Văn Việt cho biết, Đông Sơn là vùng đất gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, nhiều thế hệ người dân nơi đây bị khuyết tật và nhiễm chất độc màu da cam, nên đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, nhiều trẻ em khuyết tật đến trường vô cùng vất vả.
Ngay từ buổi chiều ngày 26, vượt màn mưa như trút, các thành viên Ban Tổ chức cùng đại diện chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm đến từng nhà các cháu Hồ Bãi Binh ở thôn Loah- Tavai; Hồ Văn Thoại; Vương Hoàng Phương Nam ở thôn Ka Vá; Viên Thị Thu Huyền; Hồ Thị Lan Chi ở thôn Tru- Chaih…, trao quà trung thu tận tay và thăm hỏi, động viên các cháu.
Và dù cơn mưa vùng biên có làm đường tới nhà văn hóa xã Đông Sơn trở nên khó đi hơn, nhưng dường như chẳng thể "lay động" được sự nao nức, rộn ràng trong ánh mắt, trên gương mặt của trẻ thơ và những người dân các bản, làng xã Đông Sơn.
Từ sáng sớm, lực lượng đoàn viên thanh niên và hội viên phụ nữ BĐBP tỉnh; cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu A Đớt đã có mặt tại Nhà Văn hóa xã, chuẩn bị mâm cỗ, đèn ông sao, những món quà...
Các cháu nhỏ cũng háo hức đến với chú Cuội, chị Hằng, với mâm cỗ trung thu, với "ông" lân và những điều kỳ diệu dành cho tuổi thơ mà nhãng cả bữa cơm chiều, thập thò ở cửa nhà văn hóa từ rất sớm. Những ánh mắt trong veo như trời biên giới nhìn những món quà đầy mong đợi, những đôi má rám nắng ửng như bồ quân rừng và nụ cười hồn nhiên, bẽn lẽn khi bị người lớn bắt gặp.
Trời vừa sập tối, gần 500 cháu nhỏ là học sinh các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn, đã ngồi ngay ngắn trên những hàng ghế nhựa nhỏ, kín hội trường rộng thênh thang. Bên ngoài hành lang những người cha, người mẹ, ông, bà của các cháu cũng không kém phần háo hức.
Niềm vui dâng đầy khi đêm hội bắt đầu với những tiết mục biểu diễn nghệ thuật của Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế; đặc biệt là những tiết mục múa hát vui nhộn do chính các cháu học sinh biểu diễn. Phía dưới sân khấu, các bạn nhỏ rạng ngời, đứng dậy hồn nhiên hòa nhịp cùng điệu múa lời ca.
Không như bao năm qua chỉ thấy chú Cuội chị Hằng cùng ông Lân, ông Địa trên ti vi, hôm nay, các cháu vỡ òa niềm vui trong nhịp trống lân rộn ràng. Các bạn nhỏ vui vẻ thích thú sờ vào "ông" lân "thật" đang nhảy múa và cười giòn giã trước điệu múa và tạo hình ngộ nghĩnh của ông Địa.
Khi chú Cuội và chị Hằng xuống dưới để vui chơi cùng các cháu, hàng trăm cánh tay nhỏ bé háo hức đưa lên để trả lời những câu hỏi ngộ nghĩnh và tự hào khi giành được phần thưởng rất đáng yêu. Nhất là những "bạn" gấu bông đã khiến các cháu nhỏ vô cùng hạnh phúc. Có nhiều cháu ôm luôn gấu bông vào lòng, coi đây là món quà quý giá. Nhiều cô, chú cũng không nén được rưng rưng hạnh phúc bởi niềm vui, cảm xúc vô cùng chân thật của các cháu khi đón nhận những món quà trung thu ấm áp nghĩa tình quân dân".