Đề xuất xử lý hình sự người uống rượu lái xe

27-07-2012 09:25 | Thời sự
google news

Nhận định tài xế uống rượu mà lái xe sẽ trực tiếp đe dọa tính mạng và tài sản người khác, Phó chủ tịch TP HCM Nguyễn Hữu Tín đề xuất Ủy ban pháp luật Quốc hội nghiên cứu cho phép khởi tố hình sự hành vi này.

Nhận định tài xế uống rượu mà lái xe sẽ trực tiếp đe dọa tính mạng và tài sản người khác, Phó chủ tịch TP HCM Nguyễn Hữu Tín đề xuất Ủy ban pháp luật Quốc hội nghiên cứu cho phép khởi tố hình sự hành vi này.
 
Ngày 26/7, tại buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban pháp luật Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông, Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín cho rằng, hiện nay, pháp luật quy định hành vi đe dọa trực tiếp đến tính mạng và tài sản người khác thì bị khởi tố hình sự. Nhưng với trường hợp tài xế uống rượu say mà điều khiển phương tiện thì chỉ bị xử phạt hành chính.
 Vụ tai nạn làm chết 4 người do tài xế uống rượu bia, ngủ gật trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận 1) tháng 12/2011
"Đây là một trong những hành vi trực tiếp đe dọa đến tính mạng và tài sản người khác, nhưng chúng ta lại cho rằng không cấu thành yếu tố khởi tố hình sự. Việc này các nước trên thế giới đã và đang làm", vị phó chủ tịch nói.

Ông Tín cho biết, năm 2011 có trên 5.000 vụ uống rượu say lái xe. Năm nay có giảm nhưng vẫn còn những vụ tài xế say rượu gây tai nạn nghiêm trọng làm chết người. Điển hình như vụ tài xế Nguyễn Vũ Thông (31 tuổi) lái ôtô 7 chỗ, do uống rượu bia, ngủ gật nên đã mất lái lao qua dải phân cách, đâm trực diện vào chiếc xe 4 chỗ khiến một gia đình 4 người tử vong trên đường Nguyễn Hữu Cảnh giữa tháng 12/2011.

Ngoài đề xuất này ra, UBND thành phố cũng kiến nghị Quốc hội và Chính phủ tăng mức chế tài đối với các vi phạm về trật tự an toàn giao thông, nhất là hành vi đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người khác.

Trước đó, Phó giám đốc Công an TP HCM Ngô Minh Châu cũng cho biết, trong 7 lỗi gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trên địa bàn thành phố có lỗi lái xe sử dụng rượu bia. Ngoài ra, những lỗi như đi không đúng phần đường, chạy quá tốc độ, tránh vượt không đúng quy định, tài xế xe tải và container ngủ gật... cũng khiến cho nhiều vụ tai nạn thảm khốc xảy ra. Vị phó giám đốc đề nghị tăng chế tài xử phạt đối với vi phạm này.

Cũng cho rằng các biện pháp xử phạt vi phạm giao thông hiện nay chưa nghiêm và chỉ phạt tiền người vi phạm giao thông là chưa đủ, đại biểu Quốc hội TP HCM Trần Du Lịch đề nghị thêm nhiều hình thức phạt khác như bắt đi lao động công ích. "Với những thanh niên tham gia đua xe trái phép tại thành phố, thử phạt bằng cách đến Bệnh viện Chợ Rẫy đẩy xe cứu thương một đêm xem họ có dám đua xe nữa không?", ông Lịch đặt vấn đề.

Trước những kiến nghị của thành phố, ông Phan Trung Lý - Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội cho biết sẽ trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét để chuẩn bị sửa đổi và bổ sung các quy định trong xử phạt hành chính lĩnh vực giao thông vận tải. Về vấn đề xử phạt người vi phạm giao thông, Ông Lý đề nghị thành phố xử phạt trực tiếp chứ không cần thiết phải điều tra, xác minh chủ sở hữu xe gây mất thời gian.
Theo Nghị định 34 về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, nếu trong một lít khí thở có 0,25-0,4 mg cồn thì người lái ôtô sẽ bị phạt 2-3 triệu đồng, người chạy xe máy bị phạt 200.000-300.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 30 ngày.
 
Nếu nồng độ cồn vượt mức 0,4 mg, người lái ôtô sẽ chịu mức phạt 4-6 triệu đồng, còn người đi xe máy bị phạt 500.000-1.000.000 đồng và cùng bị tước giấy phép lái xe 60 ngày.
Riêng ở nội đô TP HCM và Hà Nội, mức phạt này sẽ tăng gấp đôi.
 
Theo VnExpress

Ý kiến của bạn