Đề xuất trợ cấp cho con của người đang đóng bảo hiểm xã hội có giữ chân được người lao động?

06-09-2023 14:16 | Xã hội

SKĐS - Ủy ban Xã hội đề xuất nghiên cứu bổ sung trợ cấp gia đình, như hỗ trợ học phí, miễn phí tiêm chủng cho con người lao động để hạn chế họ rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần.

Đề xuất cho chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưuĐề xuất cho chủ hộ kinh doanh đã đóng bảo hiểm xã hội hưởng lương hưu

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam đề xuất không thu hồi tiền hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, trợ cấp thất nghiệp của chủ hộ kinh doanh cá thể. Đối với các trường hợp đã thoái thu, nếu có nguyện vọng thì được đóng lại để khôi phục lại quá trình tham gia…; đồng thời, tạo điều kiện để những hộ kinh doanh hưởng lương hưu.

Bổ sung trợ cấp để giữ chân người lao động

Thẩm tra dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo là Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét chế độ phụ cấp cho con cái người lao động đang đóng BHXH. Việc bổ sung trợ cấp có thể giúp lao động giảm bớt khó khăn trước mắt khi sinh và nuôi con nhỏ; giữ chân họ ở lại hệ thống an sinh thay vì rút một lần. Đây cũng là ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội.

Riêng BHXH tự nguyện, Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thiết kế các gói ngắn hạn, linh hoạt để lao động có thêm lựa chọn tham gia và thụ hưởng. Bởi người đóng ở khu vực này hiện chỉ có hai chế độ hưu trí và tử tuất, sắp tới có thể thêm trợ cấp thai sản 2 triệu đồng. Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu thêm kinh nghiệm quốc tế về chế độ trợ cấp trẻ em là con của người tham gia BHXH tự nguyện, như giảm giá hoặc miễn phí tiêm chủng, hỗ trợ học phí, chi phí học tập cho trẻ đi học.

Đề xuất phụ cấp cho con của người đang đóng bảo hiểm xã hội: Có giữ chân được người lao động? - Ảnh 2.

Cần nhiều biện pháp để giữ chân người lao động ở hệ thống an sinh bảo hiểm xã hội.

Trước đó góp ý dự luật sửa đổi, nhiều chuyên gia khuyến nghị cơ quan quản lý bổ sung chính sách trợ cấp trẻ em hoặc gia đình vào hệ thống an sinh nhằm mở rộng diện bao phủ. Với gia đình có con đi học hoặc người phụ thuộc như bố mẹ già, một số nước có chính sách miễn giảm học phí cho con cái, đổi lại người lao động phải tham gia BHXH.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 17,4 triệu người đã tham gia đóng bảo hiểm xã hội, đạt hơn 38% tổng số lực lượng lao động. Trong khi đó, Nghị quyết số 28-NQ/TW yêu cầu đến năm 2030 có khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội. Để đạt được mục tiêu này, phải nỗ lực đưa những lao động có thu nhập ổn định, thường xuyên vào diện đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung 5 nhóm đối tượng vào diện tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhằm từng bước mở rộng diện bao phủ an sinh. Thực tế, chúng ta sẽ muốn đối tượng tham gia bảo hiểm được mở rộng hơn nữa, có độ bao phủ hơn, nhưng cũng phải bảo đảm những yêu cầu, tiêu chuẩn nhất định, liên quan đến việc có thể đáp ứng được các đòi hỏi về mặt nguyên tắc tham gia đóng góp của bảo hiểm xã hội.

Việc tính toán bổ sung hỗ trợ người lao động là rất cần thiết trong bối cảnh số người dời bỏ hệ thống an sinh tăng. Tuy nhiên cần phải tính toán thận trọng để áp dụng lâu dài. Bởi với số người đóng bảo hiểm lớn như vậy, số tiền hỗ trợ sẽ rất lớn, liệu có cân đối được với nguồn thu và có áp dụng được rộng rãi? Đây là giải pháp được người lao động đồng tình, song có lẽ không phải là giải pháp lâu dài.

"Cùng với việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm, tôi cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần thảo luận kỹ lưỡng về mức đóng, thời gian đóng cũng như các yếu tố liên quan đến hoạt động chi trả của bảo hiểm xã hội; nâng cao tính tuân thủ của cả người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội…", PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nói.

Giải pháp nào hạn chế rút BHXH một lần?

Theo ông ng Bùi Sỹ Lợi, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội, để hạn chế rút BHXH một lần, trước hết cần nỗ lực hơn để người lao động hiểu ý nghĩa, giá trị của BHXH và có chính sách hỗ trợ, giải quyết những khó khăn trước mắt cho họ để giữ được lưới an sinh. Thực tế, việc rút quỹ BHXH một lần có thể vẫn không đủ nguồn lực để trang trải cuộc sống và tạo mở việc làm của gia đình người lao động. Do đó, rất cần những gói vay ưu đãi để hỗ trợ thêm cho họ.

Để hạn chế người lao động rút BHXH một lần, giải pháp giảm thời gian đóng BHXH xuống 15 năm, thậm chí 10 năm được hưởng lương hưu là phù hợp, rất tốt cho người lao động. Đề xuất này đã được đưa vào dự thảo sửa đổi Luật BHXH. Thêm vào đó, phương án được đề xuất cho phép rút 50% BHXH một lần là giúp người lao động vượt qua được khó khăn trước mắt nhưng vẫn đảm bảo an sinh khi về hưu. Tuy nhiên cần giải thích làm rõ ưu, nhược để người dân đồng thuận.

Để hỗ trợ người lao động, hiện một số ngân hàng đề xuất phương án với cơ quan BHXH thay vì người lao động đến làm thủ tục rút BHXH một lần, ví dụ 50 triệu đồng thì cơ quan BHXH đề nghị họ không rút số tiền đó mà coi đó là khoản thế chấp cho ngân hàng để được vay tiền. Sau 1 – 2 năm, người lao động có tiền thì trả lại tiền ngân hàng, trường hợp không có điều kiện trả tiền thì mới làm thủ tục rút BHXH một lần. Giải pháp này được cho là thiết thực, hiệu quả giúp người lao động sẽ cân nhắc khi rút BHXH một lần.

Th.S Ngô Thị Kim Oanh, Giảng viên Khoa Kinh tế, Trường Cao đẳng Giao thông Vận tải Trung ương VI cho rằng, giải pháp để hạn chế rút BHXH một lần là khuyến khích người lao động nên bảo lưu thời gian tham gia BHXH thay vì nhận BHXH một lần. Phải đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp truyền thông của BHXH để cung cấp thông tin, định hướng dư luận, giúp người lao động nhận thức một cách đầy đủ, sâu sắc về ý nghĩa nhân văn của chính sách BHXH. Thông qua đó từng bước tạo dựng và củng cố niềm tin của người tham gia BHXH đối với chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Cần có giải pháp căn cơ trong sửa đổi luật, nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về BHXH, trong đó xem xét sửa đổi Luật BHXH theo hướng giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm theo tinh thần Nghị quyết số 28-NQ/TW. Điều này sẽ góp phần tăng mức độ hấp dẫn của chính sách BHXH trong đó có BHXH tự nguyện, người lao động sẽ có thêm động lực tiếp tục bảo lưu, tích lũy thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu.

Tại tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi gửi Quốc hội hồi tháng 7, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đưa ra hai phương án giải quyết BHXH một lần.

Phương án một, rút BHXH một lần được giải quyết với hai nhóm lao động. Nhóm một là người tham gia trước khi Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi có hiệu lực (dự kiến 1/7/2025), sau 12 tháng nghỉ việc mà có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần. Nhóm hai là người bắt đầu đi làm và tham gia hệ thống từ sau ngày 1/7/2025 sẽ không được nhận BHXH một lần, trừ các trường hợp theo quy định.

Phương án hai, lao động đóng BHXH dưới 20 năm mà sau 12 tháng nghỉ việc không thuộc diện đóng bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện thì được rút một lần nếu có yêu cầu. Quyền lợi giải quyết tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ Hưu trí tử tuất, phần còn lại được bảo lưu để hưởng chế độ sau khi đủ điều kiện.

Dự án Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi dự kiến được Quốc hội thảo luận tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2023, thông qua tại kỳ họp tháng 5/2024 và có hiệu lực từ 1/7/2025.

Đóng bảo hiểm xã hội mức cao nhất thì nhận lương hưu bao nhiêu?Đóng bảo hiểm xã hội mức cao nhất thì nhận lương hưu bao nhiêu?

SKĐS - Người lao động đóng bảo hiểm xã hội mức cao nhất, tỷ lệ hưởng tối đa… sẽ nhận mức lương hưu cao nhất có thể.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Loại virus liên quan gần 6.000 ca ung thư mỗi năm ở Việt Nam


Tô Hội
Ý kiến của bạn