Theo dự thảo về chính sách tinh giản biên chế Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến bộ ngành, lộ trình 6 năm tới (2014 - 2020) sẽ cần 8.000 tỷ đồng để tinh giản khoảng 100.000 biên chế, trong đó 80% là giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc.
Nể nang, ngại va chạm, kết quả tinh giản biên chế thấp
Bộ Nội vụ vừa công bố dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế để lấy ý kiến nhân dân. Theo dự thảo này, việc tinh giản biên chế từ Nghị định 132 năm 2007 (hết hiệu lực từ năm 2012) đã giải quyết tinh giản được 67.449 biên chế, trong đó có hơn 61.000 người hưởng chính sách nghỉ hưu trước tuổi, gần 6.300 người hưởng chính sách thôi việc ngay.
Việc tinh giản biên chế theo Nghị định 132 đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Thông qua việc rà soát, phân loại các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xác định được số lượng và những người cần tinh giản. Vì vậy, bộ máy có điều kiện bổ sung những người có trình độ đào tạo, chuyên môn nghiệp vụ cao.
Ngoài ra, việc rà soát, tinh giản biên chế thời gian qua, bước đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị xây dựng được vị trí việc làm, cơ cấu ngạch công chức, viên chức, số lượng cán bộ, công chức, viên chức theo chức danh, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ từng cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên, dù đã giảm được một số lượng biên chế không nhỏ nhưng tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu biên chế trong một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn chưa được khắc phục. Cơ cấu tinh giản không cân đối, không đồng đều giữa các lĩnh vực. Một trong số các nguyên nhân được cho là do cán bộ, công chức ở Bộ, ngành, địa phương ngại va chạm, muốn giữ ổn định tổ chức của cơ quan cho… đỡ phức tạp.
Ngoài ra, quyết định tinh giản biên chế thấp còn do cán bộ không cương quyết, nể nang, né tránh và thực hiện không tốt việc rà soát, phân loại để có căn cứ đưa vào trong diện tinh giản biên chế.
Cần 8.0000 tỷ đồng để giảm 100.000 biên chế
Theo Bộ Nội vụ, khi triển khai “Đề án tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức” sẽ có một lượng lớn cán bộ, công chức dôi dư do thừa cơ cấu không bố trí được công việc khác, không đáp ứng được yêu cầu của vị trí việc làm cần giải quyết tinh giản biên chế. Bên cạnh đó khi triển khai cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm cũng sẽ có số lượng lớn cán bộ, công chức dôi dư.
Bộ Nội vụ cho biết, theo đề nghị của một số đại biểu Quốc hội, cử tri, Bộ, ngành, địa phương, việc Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách tinh giản biên chế để giải quyết chế độ, chính sách cho các đối tượng nêu trên là cần thiết.
Hơn nữa, chính sách này sẽ góp phần vào việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ phục vụ nhân dân.
Từ những vấn đề đó, Bộ Nội vụ dự kiến trong 6 năm (2014 - 2020) sẽ tinh giản khoảng 100.000 biên chế, trong đó có 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi, 20% còn lại là giải quyết thôi việc.
Bộ này cũng dự kiến kinh phí bình quân 1 người nghỉ hưu trước tuổi khoảng 75 triệu đồng, 1 người thôi việc là 90 triệu đồng. Do vậy, tổng kinh phí thực hiện chính sách tinh giảm biên chế số cán bộ, công chức, viên chức nói trên trong 6 năm hết khoảng 8.000 tỷ đồng.