Áp dụng chuẩn khí thải riêng cho Hà Nội và TP.HCM có hợp lý?
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất áp tiêu chuẩn khí thải khắt khe hơn cho ô tô tại hai đô thị lớn nhất nước là nhằm cải thiện chất lượng không khí.
Dự thảo quy định mới về kiểm định khí thải, với việc áp dụng các mức tiêu chuẩn cao hơn (như Euro 4, Euro 5) cho xe ô tô đăng ký tại Hà Nội và TP.HCM, ngay cả với những xe đã sản xuất nhiều năm trước, đang được đưa ra lấy ý kiến và lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Chuyên gia để xuất nghiên cứu lại quy định khí thải áp dụng cho xe ở Hà Nội và TP.HCM.
Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ nhận định, trong bối cảnh toàn cầu đang xem giảm thiểu ô nhiễm không khí và hạn chế phát thải khí nhà kính là yếu tố sống còn, nước ta cũng không thể nằm ngoài mục tiêu đó.
Hiện hầu hết các nước trên thế giới đều đưa ra quy định về kiểm soát khí thải đối với ô tô đang lưu hành, tuy nhiên cách thức quản lý và mức độ nghiêm ngặt khác nhau.
TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích, thay vì áp dụng ngay một giải pháp cứng nhắc, Hà Nội và TP.HCM có thể lựa chọn những biện pháp chuyển đổi linh hoạt hơn, vừa khuyến khích người dân thay đổi hành vi, vừa giảm thiểu rủi ro phản ứng xã hội. Việc thực hiện cần có lộ trình và đánh giá tác động, khảo sát sự đồng thuận của cộng đồng.
Đặc biệt, không loại trừ hiện tượng "chạy đăng ký xe" ở các địa phương lân cận rồi lưu hành tại Hà Nội. Các thành phố này có thể áp dụng đưa ra chính sách áp dụng mức phí cao hơn đối với những xe phát thải lớn khi vào nội đô. Đây là cách tạo động lực chuyển đổi sang xe điện hoặc sử dụng phương tiện công cộng mà không tạo ra cảm giác mệnh lệnh hành chính hay cấm đoán.
Thực tế chứng minh, biện pháp mệnh lệnh hành chính áp dụng vào thị trường chưa bao giờ dễ dàng, đặc biệt sau nhiều đề án phải lùi thời hạn như "Cấm xe ba bánh, xe tự chế", "Thu phí vào nội đô" hay kế hoạch "Dừng đăng ký xe máy ở nội thành Hà Nội".
Các chuyên gia cho rằng, thay vì mệnh lệnh hành chính, chính quyền đô thị hãy tăng sức hấp dẫn của giao thông công cộng để thu hút người dân từ bỏ lệ thuộc vào xe cá nhân. Hà Nội cần cân nhắc các giải pháp linh hoạt như tăng thuế xe xăng, thu phí khí thải, và đầu tư mạnh vào xe điện. Chỉ khi có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Hà Nội và TP.HCM mới có thể vừa giảm ô nhiễm, vừa bảo đảm công bằng và tiện lợi cho người dân.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề xuất chia khí thải ô tô thành 5 mức, tương ứng với các tiêu chuẩn Euro, trong đó mức 5 là mức có yêu cầu tiêu chuẩn khắt khe nhất. Lộ trình áp dụng dự kiến như sau:
Ô tô sản xuất trước năm 1999: Áp dụng Mức 1 kể từ khi quyết định có hiệu lực.
Ô tô sản xuất từ năm 1999: Áp dụng Mức 2 kể từ khi quyết định có hiệu lực.
Ô tô sản xuất từ năm 2017: Tại Hà Nội và TP.HCM áp dụng Mức 4 từ ngày 1/1/2026. Trong khi tại các tỉnh thành khác áp dụng Mức 3 từ ngày 1/1/2026.
Ô tô sản xuất từ năm 2022: Tại Hà Nội và TP.HCM áp dụng Mức 5 từ ngày 1/1/2027. Tại các tỉnh thành khác áp dụng Mức 5 từ ngày 1/1/2028.
Theo đó, không có quy định cấm ô tô sản xuất trước năm 2017 lưu hành, miễn là phương tiện đáp ứng được tiêu chuẩn khí thải tương ứng với lộ trình áp dụng.
Hà Nội và TP.HCM áp dụng tiêu chuẩn khí thải nghiêm ngặt hơn các tỉnh, thành phố khác. Dự thảo không đề cập tới việc cấm xe lưu hành theo năm sản xuất, mà chỉ quy định tiêu chuẩn khí thải phải đáp ứng tùy vào năm sản xuất.
Theo chuyên gia, một trong những lo ngại lớn nhất là nguy cơ quy định mới gây mâu thuẫn với các quy định pháp luật hiện hành, đặc biệt quy định niên hạn sử dụng xe ô tô.
Hiện nay, xe ô tô kinh doanh vận tải có niên hạn sử dụng rõ ràng, xe tải thường là 25 năm, xe khách là 20 năm. Xe ô tô cá nhân thậm chí không bị áp niên hạn. Người dân, doanh nghiệp dựa vào các quy định này để tính toán hiệu quả đầu tư, quyết định mua xe".
Thế nhưng, nếu áp dụng cứng nhắc tiêu chuẩn khí thải mới theo dự thảo, ví dụ yêu cầu xe sản xuất từ năm 2017 đến 2025 phải đạt Euro 4 hoặc 5 từ năm 2026 tại Hà Nội và TP.HCM, thì rất nhiều phương tiện mới chỉ hoạt động được khoảng 8-9 năm, còn rất xa mới hết niên hạn sử dụng theo luật định, đã có nguy cơ không đáp ứng tiêu chuẩn và bị hạn chế lưu thông tại hai thành phố lớn nhất nước.
Việc đột ngột thay đổi sẽ gây khó khăn, thiệt thòi cho người dân, đặc biệt là các doanh nghiệp vận tải đã đầu tư chi phí rất lớn vào phương tiện.
Khả năng xảy ra tình trạng lách luật
Kỹ sư ô tô Lê Văn Tạch ủng hộ việc kiểm soát tiêu chuẩn khí thải để loại bỏ các xe không được bảo dưỡng đúng cách, chủ xe cố tình bỏ qua các hạng mục liên quan đến môi trường để xe hoạt động.
Tuy nhiên, theo Kỹ sư Tạch, dự thảo đề xuất việc áp dụng tiêu chuẩn khí thải mới cho những xe mà khi xuất xưởng đã tuân thủ đúng quy định hiện hành tại thời điểm đó là không hợp lý.
"Hơn nữa, ô tô là tài sản có giá trị lớn đối với người dân và doanh nghiệp. Khi nhà nước đã ban hành tiêu chuẩn, cho phép nhà sản xuất, nhập khẩu bán ra thị trường và cho phép người dân đăng ký lưu hành hợp pháp, thì không thể vài năm sau lại dùng một tiêu chuẩn mới cao hơn để loại bỏ những chiếc xe đó chỉ vì chúng được đăng ký ở Hà Nội hay TP.HCM.
Kỹ sư Lê Văn Tạch chỉ ra sự thiếu hợp lý khi áp dụng tiêu chuẩn khác nhau dựa trên nơi đăng ký xe. Việc quy định xe biển số Hà Nội, TP.HCM phải đạt chuẩn Euro 4 hoặc 5 từ năm 2026, trong khi xe ở tỉnh khác thì không, là thiếu logic về mặt kỹ thuật.
"Hơn nữa, quy định này rất dễ bị lách luật. Người dân hoàn toàn có thể đăng ký xe ở các tỉnh lân cận, không bị áp tiêu chuẩn cao, rồi sau đó đưa xe về Hà Nội, TP.HCM để sử dụng hàng ngày. Như vậy, mục tiêu giảm ô nhiễm tại các thành phố lớn sẽ khó đạt được"- Kỹ sư Lê Văn Tạch chia sẻ.
Kỹ sư Lê Văn Tạch đề xuất giải pháp cần có quy định đồng bộ trên toàn quốc, không phân biệt vùng miền. Quan trọng nhất là lấy tiêu chuẩn khí thải tại thời điểm xe xuất xưởng làm cơ sở để kiểm định.
Xe nào khi kiểm định không còn đạt được mức tiêu chuẩn ban đầu do hư hỏng, xuống cấp, không được bảo dưỡng đúng cách thì không cho phép lưu hành. Cách làm này vừa đảm bảo môi trường, vừa công bằng cho người dân.
Việc áp đặt tiêu chuẩn mới lên xe cũ là không thực tế. Xe được sản xuất theo tiêu chuẩn khí thải nào thì khi kiểm định lưu hành cũng cần được đánh giá theo tiêu chuẩn đó. Không thể bắt một chiếc xe đạt Euro 3 hay Euro 4 phải "nhảy vọt" lên Euro 5 chỉ vì nó đang lăn bánh ở Hà Nội hoặc TP.HCM.
Điều này không chỉ bất khả thi về mặt kỹ thuật đối với nhiều dòng xe cũ mà còn tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn cho chủ phương tiện, buộc họ phải nâng cấp tốn kém hoặc bán xe với giá rẻ.
Hà Nội và TP.HCM là hai trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn nhất cả nước, nơi tập trung đông dân cư và có hoạt động giao thương sôi động nhất.
Hạn chế phương tiện lưu thông tại 2 thành phố này sẽ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên rất cần cân nhắc kỹ nhiều khía cạnh khi áp dụng tiêu chuẩn khí thải như dự thảo đề xuất.