Đề xuất thông tuyến khám chữa bệnh BHYT với trẻ dưới 18 tuổi mắc đái tháo đường tuýp 1

05-04-2025 06:54 | Y tế

SKĐS - Đái tháo đường tuýp 1 chiếm 90% bệnh đái tháo đường ở trẻ em. Hiện tại cả nước ta có khoảng gần 2.000 trẻ được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1...

Chiều 4/4, tại Hà Nội, Hội Nhi khoa Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tại Việt Nam, Bệnh viện Nhi Trung ương tổ chức họp tổng kết hoạt động Dự án Chung sống cùng đái tháo đường tuýp 1 (CDiC) năm 2024 và đề xuất các sáng kiến cho năm 2025. 

Đề xuất thông tuyến khám chữa bệnh BHYT với trẻ dưới 18 tuổi mắc đái tháo đường tuýp 1- Ảnh 1.

PGS.TS Trần Minh Điển – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho rằng vẫn còn những thách thức trong triển khai thực hiện chung sống cùng đái tháo đường tuýp 1.

PGS.TS Trần Minh Điển – Chủ tịch Hội Nhi khoa Việt Nam, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, đái tháo đường tuýp 1 hay còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin, gặp ở nhóm tuổi từ sơ sinh, đến bất kỳ nhóm tuổi nào và ở bất kỳ thời điểm nào đều có thể phát hiện ra. Tuy nhiên đôi khi có những trường hợp khi phát hiện bệnh đã ở tình trạng hôn mê, nhiễm toan, nguy cơ đe dọa tính mạng.

Nguyên nhân của đái tháo đường tuýp 1 liên quan đến nhiều yếu tố như tính nhạy cảm di truyền, các yếu tố môi trường, hệ thống miễn dịch và các tế bào β; tuy nhiên vai trò cụ thể của các yếu tố này chưa rõ ràng.

Bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường type 1 cần được điều trị bằng Insulin ban đầu ở bệnh viện, sau đó liều ổn định sẽ điều trị tại nhà. Với bệnh này chủ yếu tập trung vào theo dõi bệnh nhân, điều trị phù hợp giảm thiểu nhất biến chứng.

PGS.TS Trần Minh Điển cho hay, chương trình CDiC- Chung sống cùng đái tháo đường tuýp 1 là một hành trình dài mà các bên đã cùng nhau xây dựng, phát triển và lan toả suốt nhiều năm qua.

Năm 2024, chương trình tiếp tục ghi nhận những dấu ấn tích cực từ việc hoàn thiện mạng lưới chăm sóc bệnh nhân, tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền thông, đến việc kết nối chặt chẽ hơn giữa các tuyến điều trị và các chuyên ngành khác nhau. 

Cụ thể, trên 1.500 nhân viên y tế được đào tạo cơ bản, 100 nhân viên y tế được đào tạo nâng cao trong ứng dụng insulin thế hệ mới và công nghệ trong kiểm soát đái tháo đường tuýp 1, thiết lập nhóm bác sỹ trẻ xây dựng nội dung giúp nâng cao nhận thức và kiến thức tự chăm sóc cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 1.

Đề xuất thông tuyến khám chữa bệnh BHYT với trẻ dưới 18 tuổi mắc đái tháo đường tuýp 1- Ảnh 2.

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế phát biểu.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Minh Điển vẫn còn những thách thức phía trước như thiếu hệ thống quản lý thông tin bệnh nhân hiệu quả, chưa có chương trình giáo dục cấu trúc riêng cho bệnh nhi và gia đình; Thiếu liên chuyên khoa trong chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1.

Việc điều trị, chăm sóc bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 mới tâp trung ở các cơ sở y tế chuyên sâu và đi sau trong xu hướng điều trị đái tháo đường trên thế giới; cần sự phối hợp liên ngành giữa bệnh viện- bác sỹ- bệnh nhân- gia đình- trường học, cộng đồng…

TS.BS Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đánh giá cao nỗ lực triển khai dự án và nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc phát hiện và điều trị sớm bệnh đái tháo đường tuýp 1 để tránh biến chứng nghiêm trọng. 

TS Khoa cũng đề nghị Hội Nhi khoa Việt Nam và Bệnh viện Nhi Trung ương tăng cường đào tạo năng lực chẩn đoán, điều trị, quản lý đái tháo đường tuýp 1 cho bác sĩ chuyên ngành Nhi. Mở rộng mạng lưới bệnh viện được đào tạo và bác sỹ điều trị, nhóm chăm sóc, can thiệp cho bệnh nhi mắc đái tháo đường tuýp 1...

Trong giai đoạn 2026-2029, Hội Nhi khoa Việt Nam và các thành viên Hội đồng cố vấn chương trình Chung sống cùng đái tháo đường tuýp 1 tập trung vào đổi mới phương pháp quản lý, mục tiêu mở rộng mạng lưới bệnh viện từ 24 bệnh viện năm 2025 lên 34 bệnh viện năm 2026 và lên 45 bệnh viện vào năm 2029, tăng cường vai trò của tuyến cơ sở và đặc biệt cá thể hoá chăm sóc phù hợp với từng mức độ bệnh và điều triện địa phương.

Cũng tại cuộc họp các đại biểu và đại diện dự án đã đưa ra một số khó khăn, thách thức và bài học kinh nghiệm khi thực hiện dự án, đồng thời thống nhất về các hoạt động trong thời gian tới. Cùng đó, có không ít đại biểu cho rằng bệnh nhân mắc đái tháo đường tuýp 1 đa phần là trẻ em dưới 18 tuổi, do đó đại biểu để xuất cơ quan chức năng xem xét cho thông tuyến khám chữa bệnh BHYT đối với đối tượng mắc bệnh này.

Đề xuất thông tuyến khám chữa bệnh BHYT với trẻ dưới 18 tuổi mắc đái tháo đường tuýp 1- Ảnh 3.

PGS.TS Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương phát biểu.

Dự án Chung sống cùng đái tháo đường tuýp 1 là chương trình hợp tác công tư, được bắt đầu vào năm 2009 với 30 quốc gia tham gia.

Tại Việt Nam, Hội Nhi khoa Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch là đơn vị chủ quản thực hiện dự án với sự chứng kiến của Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và sự hỗ trợ mạnh mẽ của Novo Nordisk và Roche Việt Nam.

Mục tiêu của chương trình là cung cấp dịch vụ chăm sóc toàn diện cho trẻ em và thanh thiếu niên mắc bệnh Đái tháo đường tuýp 1 sống ở các nước với nguồn lực hạn chế.

Trẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 có xu hướng tăng, Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán và điều trịTrẻ mắc đái tháo đường tuýp 1 có xu hướng tăng, Bộ Y tế hướng dẫn chẩn đoán và điều trị

SKĐS - Bộ Y tế cho biết, đái tháo đường tuýp 1 chiếm 90% bệnh đái tháo đường ở trẻ em. Hiện tại cả nước ta có khoảng gần 2.000 trẻ được chẩn đoán đái tháo đường tuýp 1... Bộ Y tế đã xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em và thanh thiếu niên...

Thái Bình/ Ảnh: BTC
Ý kiến của bạn