UBND TP. Hà Nội vừa đánh giá 3 năm tổ chức triển khai thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Theo kết quả đánh giá, việc tạo dựng một điểm đến, điểm nhấn của Thành phố, không gian đẹp gắn với các di tích văn hóa lịch sử là một chủ trương đúng đắn, trong quá trình tổ chức thí điểm nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, dịch vụ, du lịch, nhận được sự quan tâm, đánh giá tốt của nhân dân trong nước, du khách quốc tế.
Tới đây, UBND Thành phố yêu cầu UBND quận Hoàn Kiếm hoàn chỉnh báo cáo 3 năm thực hiện thí điểm không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, kết thúc thí điểm và chính thức triển khai không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, làm rõ hơn các kết quả đã đạt được.
Không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm
Thành phố cũng yêu cầu quận khẩn trương làm rõ, có phương án khắc phục tình trạng: Bán hàng rong, dắt động vật như chó, mèo vào trong khu vực đi bộ; quản lý hoạt động trò chơi cho các cháu chưa chặt chẽ; còn có một số hành vi xấu như: chèo kéo khách du lịch; câu cá trộm; chưa có hàng rào tự động bảo vệ tại các đường vào khu vực đi bộ; phân luồng giao thông trên phố Hai Bà Trưng và một số tuyến phố chưa tốt; công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong việc duy trì cây hoa, cây cảnh,…; việc bố trí các điểm trông giữ xe cho du khách và nhân dân chưa hợp lý.
Bên cạnh đó, UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất thực hiện thí điểm không cho các phương tiện giao thông hoạt động trong thời gian 1 tháng đối với toàn bộ không gian đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm để phân tích, đánh giá từ đó đưa ra giải pháp lâu dài cho việc quản lý phương tiện đi vào nội đô.
Về phương án tổ chức giao thông, Sở Giao thông Vận tải khảo sát giao thông khu vực không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận để có phương án tổ chức giao thông phù hợp trong khu vực, đặc biệt trên Phố Hai Bà Trưng, khu vực trước cửa Ngân hàng Nhà nước; bố trí các điểm trông giữ xe (ô tô, mô tô, xe đạp, …) tạo thuận lợi cho người và phương tiện tham gia giao thông.
Ngoài ra, quận Hoàn Kiếm cần nghiên cứu bổ sung một số nội dung tập trung triển khai thực hiện như quản lý không gian đi bộ; duy trì cây xanh, thảm cỏ, hoa (trồng các loại hoa theo mùa, phù hợp các tháng trong năm); xây dựng dự án đầu tư, cải tạo chiếu sáng; bổ sung ghế ngồi; quản lý máy bán hàng tự động, máy lọc nước, kêu gọi xã hội hóa đầu tư theo quy định; nghiên cứu đề xuất dự án cải tạo, chỉnh trang, giải phóng mặt bằng khu vực Đền Bà Kiệu. Xây dựng quy chế quản lý, hoạt động không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận.
Đặc biệt, hoàn chỉnh phương án mở rộng không gian đi bộ phía Nam khu phố cổ kết nối phía Bắc khu vực hồ Hoàn Kiếm (Trước mắt tại các phố Đinh Liệt, Gia Ngư, Cầu Gỗ, Hàng Bè, Hàng Dầu, ngõ Cầu Gỗ, ngõ Trung Yên) để giảm áp lực đông người, phù hợp với thực tiễn và kết hợp 2 khu vực không gian đi bộ thành một chỉnh thể.
Sở Văn Hóa và Thể thao được giao chủ trì tiếp nhận, cấp phép tất cả các sự kiện xung quanh khu vực Hồ Hoàn Kiếm. Trước ngày 30/10 hàng năm công bố toàn bộ các sự kiện diễn ra xung quanh khu vực hồ (các sự kiện diễn ra trong tuần của năm, địa điểm thực hiện, ...).