Đề xuất tham khảo đấu giá SIM như biển số ô tô, giá khởi điểm cao nhất 200 triệu đồng

25-10-2023 19:45 | Thời sự

SKĐS - Chiều 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu là việc đấu giá thuê bao viễn thông.

Tại điểm 4, Điều 50 dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) về "Đấu giá quyền sử dụng kho số viễn thông" được thực hiện như sau: Kho số viễn thông quy định tại điểm a khoản 2 Điều này được niêm yết trực tuyến trên thị trường để tổ chức, cá nhân lựa chọn mã, số đấu giá.

Trường hợp kho số viễn thông được niêm yết trực tuyến trên thị trường hết thời gian theo quy định của pháp luật mà không có tổ chức, cá nhân lựa chọn mã, số để đấu giá thì phân bổ trực tiếp cho tổ chức, doanh nghiệp đề nghị theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này, nộp phí sử dụng kho số viễn thông theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí;

Giá khởi điểm để đấu giá số thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất được xác định bằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân đầu người theo giá hiện hành của năm liền kề trước thời điểm đấu giá theo công bố của Tổng Cục Thống kê tính cho một ngày.

Đề xuất tham khảo đấu giá SIM như biển số ô tô, giá khởi điểm cao nhất 200 triệu đồng - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Liên quan đến quy định này tại, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, thực tế có rất nhiều số thuê bao có giá trị cao so với giá khởi điểm. Ông Nguyễn Văn Cảnh đề nghị, những số thuê bao dịch vụ viễn thông cũng cần được chia ra các nhóm để đánh giá đúng giá trị tiềm năng, nhằm tăng thu ngân sách, cũng làm giảm thiểu các trường hợp bỏ cọc, trúng đấu giá mà không lấy.

Nếu không phân nhóm sẽ xảy ra nhiều trường hợp bỏ cọc khi nhiều số trúng đấu giá lên tới vài chục, vài trăm triệu đến vài tỷ đồng. Đại biểu cũng đề cập đến những số có giá trị cao, đồng thời tham khảo thí điểm đấu giá biển số xe ô tô.

Số thuê bao di động sau khi đấu giá không thành công ở các nhóm sẽ được chuyển xuống nhóm có mức giá khởi điểm thấp hơn để tiếp tục đấu giá. Số ở nhóm có mức giá khởi điểm thấp nhất sau khi đấu giá không thành sẽ được phân bổ trực tiếp cho các tổ chức, doanh nghiệp. Theo ông Cảnh, số điện thoại gồm có nhiều chữ số khác nhau, nếu số điện thoại nào có 6 số cuối được sắp xếp theo quy tắc thì có thể được xem là số đẹp.

Đề xuất tham khảo đấu giá SIM như biển số ô tô, giá khởi điểm cao nhất 200 triệu đồng - Ảnh 2.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Cụ thể, đại biểu đề xuất giá khởi điểm từng nhóm như sau:

- Nhóm số có giá trị khởi điểm 200 triệu đồng là các số có 6 chữ số cuối giống nhau như 111111, 6 chữ số cuối tiến đều như 123456...;

- Nhóm số có giá trị khởi điểm 50 triệu đồng là các số có 5 chữ số cuối giống nhau, ví dụ như 122222;

- Nhóm có 2 lần 3 số giống nhau như 111222;

- Nhóm có 2 chữ số lặp lại 3 lần như 121212;

- Nhóm có 2 số đầu giống nhau và 4 số cuối giống nhau như 112222…;

- Nhóm số có giá trị khởi điểm 10 triệu là các số có chữ số đầu và cuối giống nhau, 4 chữ số giữa giống nhau như 122221…;

- Những số còn lại thì sẽ có giá 262.000 đồng như dự thảo luật quy định.

Đề xuất tham khảo đấu giá SIM như biển số ô tô, giá khởi điểm cao nhất 200 triệu đồng - Ảnh 3.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy giải trình, tiếp thu.

Giải trình về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, đây là xu hướng phát triển, vấn đề này không chỉ được điều chỉnh trong Luật Viễn thông mà cả trong Luật Tần số vô tuyến điện. Cơ quan soạn thảo và thẩm tra cũng đã nghiên cứu thêm về giá khởi điểm sau khi tiếp thu ý kiến của ĐBQH, vấn đề này sẽ được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện đảm bảo quy định pháp luật có liên quan, trong đó có pháp luật về đấu giá.

Người Việt phẫu thuật thẩm mỹ nhiều, ĐBQH lo ngại khó tích hợp nhận diện khuôn mặt vào căn cướcNgười Việt phẫu thuật thẩm mỹ nhiều, ĐBQH lo ngại khó tích hợp nhận diện khuôn mặt vào căn cước

SKĐS - ĐBQH Nguyễn Minh Đức – Đoàn ĐBQH TP.HCM cho rằng, người dân có nhu cầu làm đẹp, chỉnh sửa khuôn mặt nhiều nên việc nhận diện khuôn mặt khó kiểm soát. Do vậy, quy định bắt buộc thu thập thông tin sinh trắc học mống mắt là phù hợp.


Lê Bảo
Ý kiến của bạn