Hà Nội

Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nhằm giảm gánh nặng cho thế hệ sau

30-05-2019 06:18 | Thời sự
google news

SKĐS - Sáng 29/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong đó, đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu (nam lên 62 tuổi, nữ 60 tuổi). Dự án luật được dư luận đặc biệt quan tâm.

Nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có nghĩa là chúng ta đang chuyển gánh nặng cho thế hệ sau

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chính phủ đưa ra 2 phương án trình Quốc hội xem xét.

Phương án 1 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi;

Phương án 2 quy định tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường: cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Đồng thời, dự thảo cũng quy định quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; và một số công việc, nghề nghiệp đặc biệt; quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt.

Cả hai phương án quy định trong dự thảo đều có lộ trình tăng chậm. Với Phương án 1, thì tuổi nghỉ hưu của nam giới đạt 62 tuổi vào năm 2028 và tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 tuổi vào năm 2035 (sau 8 năm với nam và sau 15 năm với nữ kể từ năm 2021).

Phương án 2 có lộ trình nhanh hơn Phương án 1: tuổi nghỉ hưu của nam đạt 62 tuổi vào năm 2026  và tuổi nghỉ hưu của nữ đạt 60 tuổi vào năm 2030 (sau 6 năm với nam và sau 10 năm đối với nữ kể từ năm 2021).

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu đã được Nghị quyết 28 của Trung ương đặt vấn đề rất rõ. Mục đích của việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là phải tính đến yếu tố tăng trưởng, việc làm, đảm bảo sự bền vững và căn cứ rất nhiều các mục tiêu khác như đảm bảo sự bền vững của quỹ BHXH về lâu dài, vấn đề già hóa dân số, giảm dần khoảng cách về giới… Việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu phải có một tầm nhìn dài nhưng phải hành động mau lẹ để tiến tới thích ứng được già hóa dân số vào năm 2035.

Việc Chính phủ tính toán phương án 1 là đã cân đối được vừa đảm bảo công việc hiện tại cho giới trẻ và tính được cả cho người già. Thống kê cho thấy, hiện  46% người lao động sau tuổi nghỉ hưu vẫn đang đi làm việc tiếp. Bên cạnh đó, lực lượng lao động của chúng ta vào lúc này không phải dồi dào nữa. Nếu các bạn về nông thôn sẽ thấy hiện ở nhiều vùng nông thôn chỉ còn người già và phụ nữ, không còn số thanh niên trẻ ở nông thôn nữa. Chúng ta phải nhìn vào thực tế là Việt Nam bây giờ không phải là đỉnh cao của dân số vàng mà đang chuyển sang giai đoạn già hóa dân số.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh: Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nam lên 62 tuổi, nữ 60 tuổi. Đây chính là chúng ta tính cho tương lai, cho thế hệ sau.

Nếu không điều chỉnh tuổi nghỉ hưu có nghĩa là chúng ta đang chuyển gánh nặng cho thế hệ sau.


Lâm Viên
Ý kiến của bạn